Giáo sư Nguyễn Lân và vợ - bà Nguyễn Thị Tề |
(GD&TĐ) - Học trò của Thầy giờ đã rất nhiều người thành danh, nổi tiếng, tuổi cũng đã độ thất thập cổ lai hy. Thế nhưng, khi nói về Thầy, họ lại như những học trò nhỏ, sung sướng, hạnh phúc vì được học Thầy, được nghe những lời giảng “hay chưa từng có”.
Nguyện suốt đời cắp sách học Thầy!
GS Nguyễn Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - nhớ như in ngày đầu tiên học thầy Nguyễn Lân trong giờ Lịch sử Giáo dục học. Sức truyền cảm mạnh mẽ của bài giảng đã khiến ông tâm niệm: “Đây là nhà giáo đáng để ta cắp sách theo học suốt đời”. Hình ảnh của thầy Nguyễn Lân trong ký ức của GS Nguyễn Tất Dong luôn mẫu mực trong cách ăn mặc, nói năng và cách trình bày tri thức với học trò:
“Ngày ấy, thiếu vải, có thầy và trò phải cắt quần âu dài đã rách đầu gối thành quần short lửng, trông rất ngộ. Nhưng thầy Lân của chúng tôi thì không như vậy. Thầy có bộ comple cũ, giữ rất cẩn thận, chỉ khi lên lớp thầy mới mặc. Tôi biết là bộ quần áo ấy đã theo thầy từ trước Cách mạng tháng Tám, qua 9 năm kháng chiến gian khổ và vẫn giữ được nó cho đến khi bọn tôi học thầy.
Khi đã là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, một lần, tôi xin gặp Thầy, xin được chỉ bảo về một vấn đề giáo dục lớn mà Đảng đang quan tâm. Thầy nghĩ và bảo: “Thú thật, về điều này, ông hiểu hơn tôi”. Chỉ câu nói ấy tôi đã thấy cái lớn lao của nhân cách một bậc thầy sư phạm.
Tháng 10/1996, Thầy được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa I, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Chủ tịch danh dự. Tôi vô cùng hạnh phúc vì được trực tiếp giúp việc cho Thầy vì tôi trở thành ủy viên Ban Thường vụ của Hội. Vì tuổi già, sức yếu, Thầy chỉ tham gia khóa đầu. Đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã trải qua 17 năm hoạt động và 11 triệu hội viên trong cả nước luôn đặt tấm hình Thầy lên trang nhất của các quyển sổ vàng của Hội ở 63 tỉnh, thành...
Công lao của Thầy không tượng đồng, bia đá, và vì vậy, là công lao to lớn mà người lao động nào được học hành đều hiểu rằng có mồ hôi, sức học, trí tuệ, tài năng của Thầy vun đắp nên”.
Thầy như cha
HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sẽ đặt tên GS Nguyễn Lân cho một con phố dài 2km tại nội thành. (Thông tin tại Hội thảo khoa học về Cuộc đời và sự nghiệp NGND. GS Nguyễn Lân tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội,) |
Lời kể xúc động của ThS Vũ Thị Vang - Khoa Tâm lý - Giáo dục học (Trường ĐHSP Hà Nội) về thầy Nguyễn Lân - người thầy với cô là dấu ấn đẹp đẽ, sâu đậm nhất trong cuộc đời:
Khi còn là sinh viên, tôi nhớ như in một buổi chiều tối, tự nhiên trời mưa rất to, có nguy cơ lật tung các tấm liếp chắn xung quanh nhà bếp và lán tập thể. Trong khi chúng tôi đang che chắn thì thầy Lân - khi đó là Chủ nhiệm khoa - và một số thầy cô khác đến.
Đường đất nơi sơ tán mỗi khi mưa rất lầy lội. Với đôi dép dính đầy bùn đất, thầy Lân vẫn nhanh nhẹn đi hết chỗ này đến chỗ khác, gặp hết tốp sinh viên này đến tốp sinh viên khác để kiểm tra công việc. Nhìn dáng Thầy thấp bé, đứng giữa trời mưa cùng sinh viên chạy nước, chạy gió cho nhà bếp và lán tập thể của các chị có con mọn, chúng tôi vô cùng xúc động. Một tình cảm gắn bó, thân thương dâng trào trong lòng mỗi người sinh viên có mặt lúc đó.
Xẩm tối, trời hết mưa, Thầy gọi mấy sinh viên trẻ của lớp đứng lại dặn dò: “Các bà thỉnh thoảng ra lán tập thể xem có gì cần giúp, hay đỡ đần cho mấy bà có con nhỏ để họ có thời gian học tập, bớt phần vất vả”. Rồi nhìn vào chị bạn vẫn hay đi cùng tôi - lúc đó là lớp phó phụ trách đời sống của lớp - Thầy nói: “Bà lớp phó cùng mấy bà tổ phó chuyển việc báo cơm cho tổ, hãy thường xuyên tranh thủ qua bếp xem hàng tháng khoa mình có được lĩnh đủ tiêu chuẩn gạo, than củi và các thực phẩm được mua trong phiếu không nhé”. Nghe xong, tất cả chúng tôi cùng đồng thanh nói: “Vâng ạ, chúng em nhớ lời Thầy dặn”.
Qua những sự việc xảy ra hôm đó, tôi và chắc các bạn cũng có ý nghĩ như tôi. Thật cảm ơn tấm lòng của Thầy, hàng ngày bận rộn với bao công việc nhưng vẫn dành thời gian quan tâm đến đời sống của sinh viên. Quả thật, tính cách của Thầy khác xa với hình dung lúc đầu của chúng tôi về các thầy, cô giáo ở trường ĐH, nói gì đến địa vị của một Chủ nhiệm Khoa. Ai có may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với Thầy mới cảm nhận hết được những nét tính cách đáng kính ấy.
Có chí thì nên
Trong hồi ức của GS Hà Minh Đức, thầy Nguyễn Lân luôn ăn mặc giản dị, giọng nói sôi nổi, cử chỉ mạnh mẽ, quyết đoán, có tiếng cười sảng khoái đặc biệt khi hòa vui với học trò. Những sáng mùa đông, dưới ánh nắng và bóng cây dưới sân trường, thầy Lân thường trò chuyện với sinh viên trong giờ nghỉ. Thầy căn dặn: “Hữu chí cánh thành: Có chí thì nên”, “tuổi trẻ chưa dễ biết ai có tài, nhưng có chí rèn luyện sẽ thành tài”, và cả cuộc đời thầy đã chứng minh cho điều đó. Thầy ít nói về mình, trong câu chuyện thường quan tâm đến hoàn cảnh và cuộc sống của người khác.
Một lần, khi thầy đang phát biểu, một phóng viên hỏi thầy: “Theo giáo sư thì trình độ của sinh viên hiện nay như thế nào?”. Thầy cười và bảo: “Lâu lắm tôi không được dạy nên cũng không biết trình độ của các em” - rất thật và khiêm tốn trong giao tiếp.
GS Hà Minh Đức kể lại: Mỗi khi gặp tôi chào thầy, thầy đáp lại: “Ông Đức đấy à, dạo này có sách vở gì mới không?”. Tôi thưa lại: “Thưa thầy, em đang cố gắng”. Lớp chúng tôi quý thầy nên mỗi lần họp lớp đều mời cho kỳ được thầy đến.
Lần cuối vào mùa đông năm 2002, chúng tôi kỷ niệm 45 năm ra trường và tổ chức họp lớp. Thầy Lân đến, chúng tôi vỗ tay nồng nhiệt không dứt. Thầy phát biểu: “Thưa các ông, các bà. Hôm nay tôi rất phấn khởi được đến chia vui với các ông, các bà nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra trường. Gần nửa thế kỷ đã qua, mới ngày nào, các ông, các bà hôm nay đã xấp xỉ ở tuổi cổ lai hy. Là ông, là bà, có con có cháu, bao nhiêu trách nhiệm, bao nhiêu niềm vui”.
Thầy hẹn, còn khỏe thầy còn đến với lớp. Chúng tôi có biết đâu đó cũng là lời chân tình trong lần gặp gỡ cuối cùng...
Hiếu Nguyễn (ghi)