Ký ức buồn ở trại phong Phú Bình

GD&TĐ - Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 30 km, trại phong Phú Bình nằm sâu trong địa bàn xã Tân Kim, huyện Phú Bình (Thái Nguyên).

Với những người tại trại phong Phú Bình, nơi đây chính là mái nhà chung để nương tựa, bao bọc lẫn nhau.
Với những người tại trại phong Phú Bình, nơi đây chính là mái nhà chung để nương tựa, bao bọc lẫn nhau.

Mặc dù bệnh phong, loại bệnh từng liệt vào tứ chứng nan y, đã bị đẩy lùi hơn 2 thập kỷ, song với cư dân tại trại phong Phú Bình (Thái Nguyên), nó vẫn là nỗi ám ảnh, reo rắc nỗi khiếp đảm trong ký ức của họ.

Ký ức đau thương

Một thời bệnh phong (bệnh cùi, hủi) từng bị liệt vào loại tứ chứng nan y, khó điều trị. Hiện nay, mặc dù căn bệnh đã được đẩy lùi và có thể chữa khỏi song trong hồi ức của nhiều người, bệnh phong vẫn là nỗi ám ảnh, reo rắc kinh hoàng về một thời phải sống trong dày vò của bệnh tật, sự kỳ thị, hắt hủi, ghẻ lạnh đến tàn nhẫn của người đời.

Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 30 km, trại phong Phú Bình nằm sâu trong địa bàn xã Tân Kim, huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Trại toạ lạc giữa đồi cây trên vùng đất rộng hơn 4.000m2, biệt lập với bên ngoài. Đây là cơ sở điều trị cho hàng trăm bệnh nhân từ những năm 1960, giúp mang lại niềm hy vọng cho những người bệnh.

Trước đây, trại phong Phú Bình từng có tới gần 100 người bệnh. Khi bệnh nhân cuối cùng được chữa khỏi vào năm 2000, cơ sở chữa bệnh này cũng đã bị xoá bỏ. Hiện nay trại chỉ còn 56 người, đa số là dân tộc ít người, họ đến từ khi còn trẻ và đã sinh sống, bám trụ tại nơi đây hơn nửa thế kỷ.

Với nhiều người, trại phong Phú Bình không chỉ là cơ sở điều trị bệnh mà nơi đây còn là mái ấm gia đình, cho họ nơi nương tựa lúc tuổi xế chiều.

Ông Nghiêm Xuân Chính, quê ở tỉnh Bắc Ninh năm nay đã 78 tuổi nhưng đã có 62 năm sống ở trại phong Phú Bình. Chia sẻ về hành trình "chuyến xe" cuộc đời mang tên mình.

Bước ngoặt cuộc đời là khi ông Chính lên 10 tuổi, cơ thể bỗng xuất hiện những triệu chứng lạ như: chuyển biến màu da (mất sắc tố), da không còn cảm giác... Khi đó, vì còn nhỏ nên ông chưa ý thức được căn bệnh phong mà bản thân mắc phải sẽ khiến đổi thay cả một kiếp người.

Trại phong Phú Bình có 56 người già từng bị mắc bệnh phong và gắn bó với nơi đây hơn nửa thế kỷ.

Trại phong Phú Bình có 56 người già từng bị mắc bệnh phong và gắn bó với nơi đây hơn nửa thế kỷ.

Năm tháng trôi qua, căn bệnh quái ác cứ âm ỉ dần phát triển cùng những cơn đau thấu xương, một số bộ phận trên cơ thể (tay, chân...) ông cũng dần trở nên méo mó, đi lại, sinh hoạt cũng khó khăn hơn.

"Ngày đó, định kiến về căn bệnh này rất khủng khiếp, mình đi đến đâu cũng bị xa lánh, thậm chí còn bị họ cầm gậy đánh đuổi vì sợ lây bệnh. Đến cái quyền được sống như người bình thường cũng bị tước bỏ nên năm 17 tuổi tôi quyết định lên chuyến xe hành trình của cuộc đời đến với trại phong Phú Bình để nương náu, tránh khỏi sự ruồng bỏ của người đời", ông Chính tâm sự.

Ông Chính chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân như tôi khi mới đến trại phong, ai cũng nghĩ mình bước chân vào cõi bế tắc, cuộc đời xem như đã rồi. Lắm lúc nằm nghĩ tôi cũng tủi lắm nhưng không biết phải làm thế nào. Mấy mươi năm trôi qua, căn bệnh đã lành, xã hội cũng không còn kỳ thị, xa lánh những người bệnh phong chúng tôi như trước đây. Cuộc sống mặc dù đã trở lại bình yên nhưng sự mặc cảm, tự ti và nỗi ám ảnh của căn bệnh vẫn hằn sâu trong tâm thức".

Suốt hơn nửa thế kỷ sinh sống tại trại phong Phú Bình, ông Chính chưa một lần trở về quê hương bản xứ bởi ông cũng không còn người thân nào nữa, từ ngày đó đến nay, ông chỉ có những người cùng cảnh ngộ bầu bạn, tâm sự.

Nhìn sang chiếc giường nằm kế bên, giọng ông bỗng nghẹn lại, đôi tay run rẩy vội gạt đi những giọt nước mắt đang trực trào, ông cho biết: "Chiếc giường đó trước đây là của người bạn đã ở cùng tôi hơn 30 năm nhưng người bạn đó đã qua đời 2 năm trước. Chiếc giường chính là kỷ vật duy nhất tôi giữ lại để tưởng nhớ về người bạn quá cố của mình".

Bệnh phong khiến một số bộ phận trên cơ thể bị biến dạng gây khó khăn trong sinh hoạt.

Bệnh phong khiến một số bộ phận trên cơ thể bị biến dạng gây khó khăn trong sinh hoạt.

Những trái tim lành

Bà Nguyễn Thị Mai (SN 1954), quê Ninh Bình, được chuyến đến trại phong Phú Bình năm 12 tuổi và điều trị, sinh sống tại đây từ đó cho đến nay. Trong số bệnh nhân tại đây, bà Mai là trường hợp may mắn khi tay, chân còn lành lặn.

Theo bà Mai, những người mắc căn bệnh quái ác này lúc mới chuyển đến trại phong, họ đều có tâm lí tiêu cực. Lúc đó, trại phong chính là điểm đến cuối cùng mà những người mắc bệnh phong có thể bấu víu. Với họ ước mơ về một mái ấm gia đình dường như là điều gì đó xa xỉ.

Nhưng trải qua thời gian cùng nhau sinh sống, chăm sóc... những con người cùng cảnh ngộ đã tự tìm và viết lên câu chuyện tình yêu cho riêng mình trên chính nơi tưởng chừng chỉ có nỗi đau.

Kể về chuyện tình yêu của mình, bà Mai vẫn nhớ như in năm 1974, khi đó bà 20 tuổi. Bà gặp ông Tạ Như Thành (SN 1950), quê ở Thái Nguyên, vừa chuyển đến điều trị bệnh tại đây. Hai người bén duyên nên vợ chồng. Sau vài năm chung sống, họ đã có với nhau một người con trai.

"Ngày đó, đám cưới chúng tôi không có bất cứ thứ gì từ hoa, bánh, mâm cỗ... Khi quyết định đến với nhau, chúng tôi chỉ về nhờ bố mẹ hai bên lo giấy đăng ký kết hôn, thế là nên duyên vợ chồng", bà Mai tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Mai đến trại phong từ năm 12 tuổi và xây dựng mái ấm gia đình tại đây.

Bà Nguyễn Thị Mai đến trại phong từ năm 12 tuổi và xây dựng mái ấm gia đình tại đây.

Mỗi khi nhắc về người chồng quá cố, bà Mai lại bật khóc.

Mỗi khi nhắc về người chồng quá cố, bà Mai lại bật khóc.

Đến năm 2019, chồng bà Mai qua đời. Từ đó đến nay, bà lủi thủi một mình trong căn phòng chất chứa bao kỷ niệm. Với bà, những tháng năm bên ông chính là khoảng thời gian tươi đẹp và yên bình nhất trong cuộc đời.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà Mai cho biết, hiện nay mỗi người tại khu trại phong Phú Bình được trợ cấp 2.000.000 đồng/tháng. Số tiền trên được sử dụng để phục vụ sinh hoạt, thức ăn hàng ngày.

"Tại đây chúng tôi được cán bộ, nhân viên quan tâm, chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, được tham gia tập luyện, tự sáng tác bài hát, điệu múa văn nghệ để biểu diễn tạo không khí vui tươi, giải trí... Những điều tưởng chừng như rất đơn giản đó lại chính là niềm vui, hạnh phúc đối với chúng tôi", bà Mai nói.

Rời khỏi khu trại phong Phú Bình khi nắng chiều đã tắt, những hình ảnh, câu chuyện về những con người khốn khổ từng một thời bị cả xã hội ghẻ lạnh, hắt hủi vẫn hiện hữu trong tâm trí. Dù cuộc sống với họ đã bình yên trở lại nhưng những ký ức kinh hoàng, nỗi đau mà bệnh phong mang lại sẽ mãi hằn sâu trong ký ức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ