Một mình sống giữa trại phong

GD&TĐ - Bà Sợi là một trong những trường hợp mắc bệnh phong đầu tiên được đưa đến Trại phong Đá Bạc để điều trị.

'Gian nhà cán bộ' nơi bà Sợi sinh sống.
'Gian nhà cán bộ' nơi bà Sợi sinh sống.

Sau hơn 50 năm, giờ đây cũng chỉ còn một mình bà sinh sống tại trại phong bỏ hoang này.

Một mình nơi hoang lạnh

Trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nằm giữa cái heo hút, hoang lạnh của núi đồi. Ở nơi đây, dễ có đến cả vài chục mét mới thấy một nóc nhà dân.

Đá Bạc từng là trại phong lớn của Hà Nội. Hơn chục năm trở về trước, nơi đây từng là nơi sinh hoạt của hơn 100 người, chủ yếu là những cụ già không có nơi nương tựa hoặc bị con cháu và người đời hắt hủi bởi mang trong mình căn bệnh khiến nhiều người khiếp sợ - bệnh phong.

Trại phong Đá Bạc được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trải qua quãng thời gian hơn nửa thế kỷ hoạt động, nhiều hạng mục của trại đã bị xuống cấp trầm trọng.

Sau khi tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào TP Hà Nội, nơi cư trú của các bệnh nhân mắc bệnh phong được di dời đến nơi khác để hoạt động. Cũng kể từ đó, Trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang, vắng bóng người qua lại.

Chân và tay bà Sợi bị teo tóp, khòng khoèo và đơ cứng như khúc gỗ.

Chân và tay bà Sợi bị teo tóp, khòng khoèo và đơ cứng như khúc gỗ.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 cụ già do đã quá gắn bó với không khí, cuộc sống nơi đây nên đã tình nguyện ở lại, chấp nhận cuộc sống ở nơi hoang vu, heo hút này.

Trại phong Đá Bạc sau nhiều năm bỏ hoang trở nên cổ kính, u tịch. Những căn phòng trước đây từng là nơi lưu trú của những bệnh nhân giờ đã hoang tàn, đổ nát, cỏ cây đua nhau mọc, ken đầy những lối đi. Nhiều đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt vẫn còn ở trong phòng nhưng đã phần nào bị mục rỗng, mạng nhện giăng đầy, từng mảng trần nhà rơi xuống nền tạo nên một không gian hỗn độn, hôi hám.

Đá Bạc gồm 3 dãy nhà, 2 dãy hướng mặt ra phía ngoài con đường đất màu vàng khè lổm nhổm toàn sỏi đá từng là nơi ở của những người mắc bệnh phong. Dãy còn lại nằm quay lưng với ngôi chùa nhỏ cách đó độ hơn 100m từng là nơi sinh sống của cán bộ làm việc tại trại.

Tại 2 dãy nhà bỏ hoang nằm trong khuôn viên trại phong trước đây được một số người dân sinh sống gần đó tận dụng làm nơi nhốt trâu bò hay khu để nuôi trồng nấm. Sau này, chẳng ai tới lui nên những căn phòng này trở thành nhà hoang, rêu phong phủ kín.

Khung cảnh tiêu điều nơi Trại phong Đá Bạc.

Khung cảnh tiêu điều nơi Trại phong Đá Bạc.

Một kiếp đớn đau

Vài năm trở lại đây, trong số 9 cụ già xin ở lại trại thì quá nửa đã qua đời do bệnh tật, số ít còn lại được gia đình, con cháu đón về chăm nom. Giờ trại chỉ còn duy nhất bà Nguyễn Thị Sợi (79 tuổi, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) sinh sống.

Bà Sợi sinh sống ngay tại “dãy nhà cán bộ”. Chỉ cần hướng mắt ra ngoài là có thể bao quát được hết quang cảnh của Trại phong Đá Bạc. Thay vì trước đây được trò chuyện với những “người bạn già” cùng lứa, cùng khổ, bà Sợi giờ đây chỉ biết gửi gắm tâm tư với đàn gà và 2 chú chó.

Sống chỉ có một mình nên bà Sợi “thèm người” lắm nên cứ có ai còn nhớ đến lên thăm, bà Sợi có thể ngồi nói hàng giờ liền mà không hết chuyện. Những câu chuyện của bà lần nào cũng chỉ xoay quanh cuộc sống, cuộc đời cơ cực của bản thân và ước mong có thể sống và nằm xuống ngay tại chính nơi bà đã gắn bó cả cuộc đời.

Bà Sợi sợ một ngày sẽ phải rời xa Trại phong Đá Bạc.

Bà Sợi sợ một ngày sẽ phải rời xa Trại phong Đá Bạc.

Bà Sợi đan 2 bàn tay đã không còn lành lặn vào với nhau, ánh mắt trầm tư như đang cố xâu chuỗi lại những biến cố của cuộc đời và chầm chậm trải lòng. Bà bảo đến tận bây giờ, khi đã đi gần hết quãng đời, bà vẫn chưa biết bố mẹ, quê quán thật sự của mình ở đâu.

Bà chỉ nhớ bố mẹ mất sớm khi bà được khoảng 5 tuổi. Cuộc sống khó khăn, họ hàng không ai dám đứng ra cưu mang nên họ đưa bà đến huyện Vĩnh Tường và may mắn sao được một gia đình nhận nuôi.

Được gia đình bố mẹ nuôi thương yêu, cuộc sống của bà Sợi tưởng chừng như êm ấm nhưng đến năm 17 tuổi, người bà bỗng nhiên cứ thế mà ngứa râm ran. Ít lâu sau, bà biết mình mắc bệnh phong. Bà Sợi bảo căn bệnh quái ác ấy đến với bà một cách tự nhiên khiến cuộc đời bà bỗng chốc rẽ sang hướng khác.

Mấy chục năm về trước, căn bệnh phong mà bà Sợi mắc phải là một thứ gì đó kinh khủng lắm. Những người mắc phải căn bệnh này dần dần sẽ bị mọi người xa lánh rồi cuối cùng “ra đi” trong sự cô độc, đau đớn. Vì thế nên khi biết mình mắc bệnh, bà Sợi chỉ biết ngồi khóc. Những người thân trong gia đình bà cũng vì thế mà dần xa rời bà. Họ cho bà ăn riêng bát đũa, ngủ riêng một chỗ.

Căn bệnh quái ác theo năm tháng tàn phá cơ thể bà Sợi. Từ một cô gái với thân hình lành lặn, bình thường như bao người, chân tay bà cứ dần teo tóp lại, khòng khoèo và đơ cứng như khúc củi. Những cảm giác cũng cứ thế mất dần, thậm chí kim châm hay lửa đốt bà cũng không biết đau đớn là gì.

Người thân e dè, xóm làng hắt hủi, năm 22 tuổi, bà Sợi được chuyển đến Trại phong Đá Bạc ở và điều trị rồi gắn bó với nơi này đến tận bây giờ. “Những người sinh sống ở Đá Bạc thời ấy đa phần đều mắc chung căn bệnh phong nên chúng tôi có thể thoải mái chia sẻ, tâm sự với nhau. Lâu dần, Đá Bạc trở thành “ngôi nhà” mới mà nhiều người chúng tôi không muốn xa rời”, bà Sợi chia sẻ.

Thế rồi như quen với mảnh đất, quen hít thở bầu không khí ở Đá Bạc nên cho đến khi nhận được thông báo chuyển sang trại mới, bà Sợi cùng 8 cụ bà khác đã nhất mực xin ở lại dù biết quyết định này sẽ khiến cho cuộc sống của các bà gặp muôn phần khó khăn.

“Nếu sang trại mới, chúng tôi được chăm sóc, được khám chữa bệnh những lúc đau ốm mà không phải lo lắng gì. Còn ở lại Đá Bạc, những thứ “quyền lợi” đó sẽ mất hết. Mọi thứ chúng tôi đều phải tự cung, tự cấp. Biết vậy nhưng chúng tôi không xa rời nơi này được. Đây không chỉ là ngôi nhà cưu mang chúng tôi mấy chục năm qua, mà còn như quê hương thứ 2 của chúng tôi vậy”, bà Sợi tâm sự.

“Mái ấm” không thể xa rời

Bà Sợi trồng rau để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Bà Sợi trồng rau để phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Cách đây vài năm, chính quyền địa phương cũng đã một lần nữa đề nghị được đưa những người còn sinh sống tại trại Đá Bạc đến nơi ở mới. Những người bạn của bà Sợi qua năm tháng, người đã mất, người may mắn được người thân đưa về nhà chăm sóc. Chỉ có bà Sợi vẫn kiên định bám trụ lấy trại Đá Bạc. Vậy là từ “9 người cùng khổ” giờ sống tại Đá Bạc chỉ còn một mình bà Sợi.

Để không cảm thấy cô đơn, bà Sợi nghĩ ra nhiều việc để làm. Bà bảo hoạt động chân tay nhiều sẽ khiến đầu óc không phải suy nghĩ đến những chuyện tiêu cực, tinh thần sẽ phấn khởi hơn. Nhiều năm trước, do bệnh tật, không thể về nhà để nhìn mặt người bố nuôi lần cuối nên bà Sợi dựng một bàn thờ riêng có di ảnh của cụ ông để tiện bề hương khói.

Khoảng đất trống trước nhà cũng được bà dọn dẹp cỏ dại để làm chỗ trồng rau, nuôi thêm con gà, con chim bồ câu cùng 2 con chó để bầu bạn.

Với số tiền 700.000 đồng được trợ cấp hàng tháng, bà chia ra thành nhiều phần. Phần bà để nhờ người mua đồ về chỉnh trang nơi ăn, chốn ở cho những “người bạn” đặc biệt. Phần bà tích góp lại phòng lúc đau ốm để thuốc thang. Cuộc sống một mình nơi Trại phong Đá Bạc của bà Sợi cứ như thế mà trôi qua được gần 3 năm.

Những lúc thiếu gạo và đồ dùng sinh hoạt, bà Sợi lại đạp xe xuống làng nhờ người ta mua giúp rồi đưa lên. Có tiền thì trả tiền, không có tiền, bà Sợi lại dùng trứng gà hoặc bảo họ bắt con gà để trừ nợ.

Bà Sợi bảo vui nhất là những lúc lễ tết có người đến thăm. Chẳng phải vì gói quà, cái bánh mà vì có người để tâm sự, trò chuyện. Những lúc như vậy, cái “gian nhà cán bộ” nơi bà Sợi sinh sống lại rộn rã hẳn lên. Đoàn tình nguyện giúp đỡ bà chỉnh trang nhà cửa, vườn tược. Thậm chí có người còn chụp tặng bà Sợi một bức hình chân dung để bà dùng khi “nằm xuống”.

Đều đặn mỗi năm, nơi bà Sợi sinh sống lại vui lên như thế được mấy ngày rồi lại trở về với cái hoang vu, tĩnh mịch vốn có của nó.

Tâm sự, bà Sợi bảo, đất nơi đây đã “hóa tâm hồn” rồi nên bà không muốn rời đi nơi khác. “Tôi mà đi nơi khác thì ai hương khói cho những người kia”, bà Sợi sụt sùi chỉ về quả đồi ngay trước mặt, nơi có những ngôi mộ của người bệnh phong nằm khuất lấp sau những tán cây xanh rì, lạnh lẽo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ