Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”

GD&TĐ - Để tự tin “vượt vũ môn”, vốn kiến thức là yếu tố tiên quyết làm nên thành công với mỗi thí sinh. Các nhà trường đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ học sinh có nền tảng kiến thức tốt nhất bước vào kỳ thi THPT.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Kiên trì với học sinh nhóm “báo động”

Sức học của học sinh cuối cấp không đồng đều. Hầu như trường nào cũng có nhóm học trò khiến thầy cô phải lưu tâm hơn để bù đắp kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Vân - Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa- Giáo dục Công dân (Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết,với những học sinh thuộc nhóm “báo động”, mỗi thầy cô giáo luôn quan tâm đến các em, không để học sinh cảm thấy mình bị bỏ rơi; Thường xuyên cho học sinh hoạt động, chữa bài cho các em cẩn thận. Giao bài tập dễ, rõ ràng, vừa sức để học sinh có động lực phấn đấu vươn lên.

Đồng thời, thầy cô cũng nghiêm khắc với những học sinh hay vi phạm nội quy môn học; Thường xuyên kiểm tra việc học và làm bài tập ở nhà của các em. Khi nhận được sự quan tâm ân cần của thầy cô giáo, học sinh sẽ cố gắng hơn trong học tập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung

Dù là ở trường tốp đầu của Hà Nội, các thầy cô cũng không chủ quan với lực học của học trò trước kỳ thi quan trọng. Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường  THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhà trường sẽ phân ra các lớp nhỏ cho phù hợp với năng lực và môn thi tự chọn của học sinh. Theo đó, các thầy cô sẽ hướng dẫn học sinh luyện đề, từ đó bù đắp kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt.

Có những nhóm học sinh sẽ tự học với nhau tại trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Các lớp này, học sinh đăng ký tham gia là hoàn toàn tự nguyện.

“Căn cứ kết quả các bài kiểm tra thường xuyên, định kì và nhận xét của thầy cô giáo bộ môn, ngay khi kết thúc học kỳ I nhà trường đã lập danh sách những học sinh cần được giúp đỡ trong việc học và ôn thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, nhà trường phân công các thầy cô giúp đỡ những học sinh này từ đầu học kỳ II. Các em được hướng dẫn ôn tập theo nhóm nhỏ, phù hợp với năng lực riêng của mình”, cô Trần Thị Hải Yến cho biết.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Cần học trò tự giác, phụ huynh đồng hành

Để làm nên thành công cho mỗi thí sinh, theo cô Trần Thị Hải Yến, việc tự học, tự rèn luyện thực hành là rất quan trọng.

Tự học và biết vận dụng kiến thức là năng lực cần thiết trong cả cuộc đời. Tuy nhiên, với học sinh, nếu chỉ tự học thì có thể phương pháp và hiệu quả sẽ không cao, nhất là với học sinh yếu kém. Các em vẫn cần sự hướng dẫn, trợ giúp của thầy cô.

“Tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, chúng tôi luôn kết hợp giữa việc học sinh học từ thầy cô và tự học. Chúng tôi luôn coi trọng tiết truy bài đầu giờ và bố trí các phòng tự học, học nhóm và tự học có hướng dẫn cho các em”, cô Trần Thị Hải Yến cho hay.

Nêu cao vai trò của phụ huynh trong việc đồng hành, đôn đốc học sinh cuối cấp ôn thi, cô Nguyễn Thị Vân cho biết: Với đặc thù trường học nằm trên địa bàn biên giới, học sinh chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, dân trí thấp. Nhiều phụ huynh không nói được tiếng phổ thông. Hoặc phụ huynh thường có tâm lí giao con em cho các thầy cô.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Ở nhà học sinh ít có thời gian học bài vì phải phụ giúp cha mẹ các công việc nhà, làm nương rẫy. Bên cạnh đó, một số tập tục lạc hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của học sinh như nạn tảo hôn; Học sinh nữ dân tộc thiểu số không được đi học do phải lấy chồng…

Từ đó dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình do nhận thức của phụ huynh còn chưa đồng đều.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Vì vậy mỗi năm học, nhà trường đều có kế hoạch phối hợp với các xã, bản có con em đang học tại trường. Phối hợp với chính quyền các xã trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh đi học, nâng cao ý thức chuyên cần của học sinh, đảm bảo luôn có sự phối hợp trong công tác giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương nơi các em sinh sống.

“Nội dung đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa hiện hành nên việc học kiến thức và kĩ năng trong sách giáo khoa là rất cần thiết. Ngoài ra, các em có thể sử dụng thêm sách tham khảo. Song cần phải biết lựa chọn sách của tác giả và nhà xuất bản có uy tín, phục vụ cho nội dung ôn thi. Các em có thể tham khảo ý kiến của thầy cô trong trường.

Nếu chỉ học theo SGK nhưng biết đào sâu suy nghĩ, có tư duy phản biện để xem xét vấn đề ở các khía cạnh khác nhau và liên hệ với thực tiễn cuộc sống, học sinh vẫn có thể đạt được điểm cao khi làm bài thi”, cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ