Bắt đầu từ kiến thức cơ bản
Môn Toán vốn được nhiều học sinh coi là một trong những môn học có nhiều kiến thức “khó - khô”. Vậy làm thế nào có thể ôn tập môn Toán đạt hiệu quả cao để chinh phục thử thách các kì thi? Nhằm góp phần tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, thầy giáo Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) có những chia sẻ tâm huyết.
Theo thầy Đức, các em học sinh khi học môn Toán cần bắt đầu từ việc nắm chắc từng kiến thức cơ bản, nhằm hiểu bản chất của vấn đề. Cùng một vấn đề có thể được hỏi theo nhiều góc độ khác nhau, nếu đã hiểu từ bản chất thì sẽ giải quyết được từ “gốc”, còn việc giải bài tập theo mẹo hoặc theo thói quen thao tác thì rất dễ bị sai bởi đó chỉ là phần “ngọn”.
Để từng bài học, từng đơn vị kiến thức được lĩnh hội một cách thấu đáo, học sinh nên mạnh dạn tương tác, đặt câu hỏi, để tháo gỡ những chỗ còn vướng mắc, từ đó hiểu đúng hiểu rõ vấn đề. “Giải bài tập phải bằng tư duy dựa trên sự thấu hiểu bản chất vấn đề, chứ không phải bằng thói quen, dự đoán, mẹo làm bài nào đó. Cứ hiểu rõ kiến thức cơ bản thì hoàn toàn tự tin làm bài” - thầy Đức nhấn mạnh.
Với quan niệm như vậy, nhiều năm dạy môn Toán, thầy giáo Nguyễn Minh Đức chủ động gần gũi thân thiện để trao đổi bài học một cách cởi mở với học trò. Được hỏi nhiều, được giải đáp nhiệt tình, các em học sinh đã nhận thấy niềm vui khám phá, không còn thấy môn Toán khô cứng đơn điệu.
Chăm chỉ giải các dạng bài tập
Theo đánh giá của thầy Đức, đề minh họa môn Toán mà Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố có đến khoảng 70 - 80% là những kiến thức cơ bản, chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Học sinh chỉ cần chú ý việc hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản là có thể yên tâm, tự tin.
“Việc bám sát vào đề minh họa là rất cần thiết, bởi nó giúp các em vừa hình dung được khung kiến thức, vừa định hướng được dạng bài tập. Các em nên chăm chỉ giải các dạng bài tập, việc này giúp chúng ta bổ trợ khắc sâu kiến thức, tạo lập kĩ năng, hình dung trước cách phân bố thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và khoa học, học sinh không nên tùy tiện sử dụng dữ liệu trên mạng xã hội mà nên sử dụng nguồn từ đề thi thử của sở GD&ĐT các tỉnh” - thầy Đức đưa ra lời khuyên.
Về vấn đề phân bố thời gian làm bài, thầy Đức cũng nhấn mạnh lưu ý: Có đến khoảng 70 - 80% là các câu mang tính kiến thức cơ bản, cho nên trước hết học sinh nên tập trung ưu tiên thời gian vào phần này. Sau khi đã giải quyết tốt phần cơ bản rồi thì mới nên đầu tư thời gian vào các câu còn lại với những kiến thức đòi hỏi tư duy tổng hợp cao.
Theo đánh giá, các nội dung về Đạo hàm và ứng dụng, Hàm số mũ - Logarit, Phương pháp tọa độ trong không gian sẽ chứa nhiều đươn vị kiến thức cơ bản mà học sinh rất cần tập trung ôn tập để củng cố, nắm vững.
Bên cạnh đó, thầy Đức cũng đưa ra một trao đổi rất đáng chú ý cho các bạn học sinh lớp 12 về vấn đề sử dụng máy tính cầm tay khi làm bài. Theo nhận định chung, xu hướng đề thi những năm gần đây đang giảm bớt dần các câu sử dụng thao tác máy tính, dành nhiều hơn cho các câu đòi hỏi tư duy về kiến thức cơ bản. Vì vậy, học sinh cũng cần tự chủ hơn để không bị lệ thuộc vào máy tính cầm tay.
“Có thể một số câu hỏi sẽ đưa ra những đáp án gần với nhau, nếu bấm máy mà vội vã, chủ quan, rất dễ nhầm lẫn. Cho nên, các em không nên quá lệ thuộc vào các thao tác máy tính cầm tay, mà cần dựa vào kiến thức cơ bản, đồng thời nên kiểm tra lại kĩ lưỡng trước khi xác nhận kết quả” - thầy Đức nhấn mạnh.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY