Công bằng cho tất cả các thí sinh
Một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đến học sinh và người nhà của các em. Đó không chỉ là những công việc mang tính vĩ mô, mà ngay cả chuyện bếp núc, nhưng chi tiết nhỏ rất đời thường cũng được Bộ “xắn tay” lo toan và đồng hành cùng các em.
GS phân tích: Bản Dự thảo đã có nhiều điểm mới tích cực và có lợi thí sinh cũng như là các trường đại học, cao đẳng.
Trước hết tôi nhận thấy, ở Dự thảo có quy định mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy báo điểm, mỗi đợt xét tuyển các em sẽ có tối đa 4 nguyện vọng vào các khoa khác nhau của một trường đại học.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi thí sinh sẽ có 16 cơ hội để vào các trường đại học, cao đẳng. Như vậy có thể nói, Bộ GD&ĐT đã rất tạo điều kiện cho các thí sinh, nhất là những thí sinh thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội phấn đấu trong học tập.
Cùng với đó, việc quy định về 8 môn thi như đã thông báo (thí sinh phải thi bốn môn – còn gọi là bốn môn tối thiểu, gồm ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại) tôi cho rằng, đây là một hướng đi đúng, rất mở cho thí sinh và tạo ra nhiều khả năng để học sinh thể hiện năng lực cũng như là kết quả học tập của mình trong 12 năm.
Các thí sinh sẽ không bị gò bó chỉ vì phải thi một số môn bắt buộc giống nhau như những năm trước, ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, với việc thi 8 môn sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội lựa chọn ngàn học, trường học rộng mở hơn, hiện thực hơn và mang đến nhiều khả năng lựa chọn cho các thí sinh theo năng lực và sở trường.
Thí sinh dễ chọn trường, nhà trường dễ tuyển
Tôi cũng khá hài lòng với việc Bộ đã dự kiến bố trí tới hơn 30 điểm thi như trong Dự thảo đã công bố. Với phương án hơn 30 điểm thi, các em đi lại sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều kể cả trên phương diện điều kiện địa lý lẫn điều kiện tài chính.
Nếu xét về mặt xã hội thì việc đảm bảo công tác an ninh, trật tự và sự phối hợp giữa các ngành cũng thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với trước.
Tôi cũng khá tâm đắc với quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 15 của Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đó là: “Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12”.
Chỉ một dòng chữ thôi nhưng ai cũng nhận thấy Bộ đã tạo mọi điều kiện và rất công bằng cho các thí sinh trên mọi vùng miền. Qua đó cũng định hướng luôn việc dạy và học trong các nhà trường như hiện nay.