Vài năm trước, Chade-Meng Tan, một trong những kỹ sư đầu tiên của Google, nhận ra rất nhiều đồng nghiệp của mình bị stress và buồn phiền trong lúc làm việc.
Cảm thấy mình cần phải làm gì đó để giúp mọi người, Tan đã thuyết phục các sếp cho mình mở một khóa học, nơi các nhân viên khác sẽ được dạy những kỹ năng cải thiện "trí tuệ cảm xúc" và hình thành lối sống lành mạnh.
Tan tự gọi đó là khóa học "Tìm kiếm bên trong chính mình". Sâu trong lòng đế chế khổng lồ của Google, có một kỹ sư đang làm việc với nhiệm vụ rất khác thường: Làm cho mọi người hạnh phúc hơn và thế giới hòa bình hơn.
Lời hứa mà ông đưa ra cho mọi người là chúng ta sẽ có thể tìm ra các bí mật của hạnh phúc chỉ sau 3 bước đơn giản, và những bước này đã được chứng minh bằng khoa học hẳn hoi.
Bước 1: Giữ cho đầu óc thanh thản
Để giới thiệu bí quyết đầu tiên này, Meng đã yêu cầu các học viên trải qua một bài tập thở tổng hợp để làm dịu thần kinh. Mỗi người chúng ta đều phải có lúc nghỉ ngơi giữa chừng trong ngày và hãy để tâm đến việc hít thở của mình.
Nếu như bạn đang quá bận, không thể dứt ra nổi thì cũng cố dành ra vài ba phút không nghĩ ngợi gì cả, để cho đầu óc được dịu bớt.
Meng không phải là người đầu tiên tin rằng thiền định rất tốt cho sức khỏe tinh thần của con người. Nhưng có đúng là thiền định hiệu quả như người ta vẫn nói?
Có một số bằng chứng cho thấy thiền định có thể giúp loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Một cuộc khảo sát với 209 nghiên cứu gần đây cũng nhận thấy, việc tập thiền có thể giúp chữa các bệnh trầm cảm, stress, lo âu. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn tuyên bố việc giảm stress do tập thiền có thể giúp giảm bớt tầm ảnh hưởng của lão hóa.
Tất nhiên, chữa trị chứng trầm cảm và lo âu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng lời khuyên đầu tiên của Meng dường như có cơ sở khoa học ngày càng vững chắc.
Bước 2: Ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ
Rất đơn giản, hãy tự nhủ rằng "Minh đang vui" khi bạn nhấm nháp một trách espresso ngon, ôm bụng cười vì một câu chuyện hài hay mua một chiếc áo mà mình đã thích từ lâu.
Khi những chuyện tiêu cực xảy ra với chúng ta trong suốt cả ngày, điều lạ lùng là chúng ta lại có xu hướng nhớ kỹ chúng còn những chuyện hay ho, thú vị, vui vẻ thì lại trôi đi rất nhanh.
Do đó, bằng cách thừa nhận những chuyện tốt đẹp đã diễn ra với mình, Meng cho rằng chúng ta sẽ tăng cơ hội tổng kết rằng mình đã có một ngày suôn sẻ, vui vẻ.
Một nghiên cứu gần đây do nhà tâm lý học Barbara Fredrickson tiến hành đã kết luận chúng ta cần suy nghĩ tích cực nhiều gấp 3 lần suy nghĩ tiêu cực để có thể giải phóng tâm trí mình khỏi hiệu ứng u ám của tư duy tiêu cực.
Bước 3: Mong cho người khác được hạnh phúc
Theo lời Meng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi cho đi nhiều hơn là khi nhận về. Ông quan niệm "sự tử tế là nguồn tạo ra hạnh phúc ổn định và lâu dài".
Trong cuốn sách "Hạnh phúc: Sự giới thiệu ngắn gọn", nhà triết học Daniel Haybon đã ủng hộ quan điểm của Meng khi cho rằng, chỉ có khiêu vũ mới tạo ra cường độ vui vẻ cao hơn các công việc tình nguyện và từ thiện mà thôi. Bản thân Fredrickson cũng đã nghiên cứu lợi ích của thiền định đối với suy nghĩ tích cực của chúng ta về những người xung quanh.
Có thể với nhiều người, ba bước của Meng dường như quá hiển nhiên hoặc đơn giản. Tuy nhiên, ông đã so sánh những lời khuyên của mình với việc chúng ta được hướng dẫn làm một động tác chống đẩy hoặc gập tay đơn giản ở phòng gym. Bạn biết chúng có lợi cho mình, nhưng sẽ chỉ có kết quả khi luyện tập hàng ngày mà thôi.