Kỷ niệm những chuyến “lên đường“

GD&TĐ - Tôi vào báo nửa cuối năm 2001. Trước đó, kể ra cũng đã viết lăng nhăng cộng tác khắp nơi, nên cũng không bỡ ngỡ cho lắm khi chính thức làm nghề.

Học sinh Trường tiểu học Huổi Só (Tủa Chùa) trong giờ học
Học sinh Trường tiểu học Huổi Só (Tủa Chùa) trong giờ học

Nói là “chính thức” cho oai chứ lúc đó mới chỉ là phóng viên tập sự mà thôi. Nhưng cái thuở ban đầu ấy cũng là giai đoạn hăng say nhất, giàu nhiệt huyết nhất với nghề. Phần vì sự hăng hái xông pha của tuổi trẻ, phần vì cũng muốn… thể hiện mình, tất nhiên, bằng cây bút.

Tôi vẫn nhớ như in lời nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ (Tổng biên tập khi ấy) những ngày đầu chỉ bảo cho tôi cách làm báo: “Phải đi, đi mới viết được, làm báo mà chỉ lo viết tin thì không phải làm báo, đó là anh nhặt tin chứ không phải anh viết báo”.

Lao vào thể ký, lại càng phải lên đường. Thanh niên trai tráng, chưa vướng bận gia đình, cứ ở quanh Hà Nội lại càng không nên. Chẳng phải riêng phóng viên tờ báo nào, hồi đó chúng tôi thường xuyên lên đường, có khi một mình, có khi cùng hai ba người bạn ở các báo khác.

Đến mức bây giờ nghĩ lại, vẫn thấy thân thuộc lắm cảm giác vai ba lô mờ sáng ra bến xe hay chập tối ở ga tàu, rồi những cung đường Tây Bắc, những kênh rạch miền Tây sông nước, những vạt rừng cao su hun hút vùng đất đỏ Tây Nguyên…

Không còn nhớ đó là năm nào, cũng không nhớ cụ thể xã nào, chỉ nhớ đó là một bản vùng sâu vùng xa của huyện Tủa Chùa (lúc ấy vẫn là tỉnh Lai Châu, chưa tách thành Lai Châu và Điện Biên như sau này), chúng tôi bốn – năm anh em đi bộ gần ngày trời từ trung tâm xã vào bản, nơi có điểm trường lẻ của một trường tiểu học, với 5 cô giáo trẻ cắm bản.

Đến nơi thì vừa chập tối, dăm câu chào hỏi, giới thiệu xong, đã tíu tít như người nhà. Bữa cơm nghèo bên triền núi, chỉ có rau dớn luộc và cá khô rim mặn, nhưng chuyện trò thâu đêm.

Thực ra là cố tình chuyện trò để kéo dài thời gian, chứ biết ngủ đâu bây giờ. Điểm trường lẻ chỉ đúng hai phòng vách tranh mái lá; một phòng là lớp học ghép, phòng còn lại kê cái phản gỗ để các cô giáo ngủ chung. Bố trí như thế nào cũng không được, chủ khách đành bó gối chuyện vãn qua đêm.

Gà gật đến mờ sáng, chúng tôi cáo từ để đi vào đồn biên phòng cách đó hơn nửa ngày đường đi bộ, leo qua lưng đồi vẫn thấy 5 cô giáo đứng bên bờ suối nhìn theo. Nhớ đến tận bây giờ ánh mắt cô giáo trẻ nhất, cô Phương hay cô Phượng, người gốc Thái Bình.

Không phải tình cảm riêng chung gì, mà bởi sự nhắn gửi của cô lúc chia tay: “Anh làm báo ngành, hỏi giúp em việc này: Em thuộc diện giáo viên dạy phổ cập, chương trình sắp hết, em có bị cắt hợp đồng không, hỏi trên Phòng GD, các thầy cô cũng chưa biết chủ trương trên ra làm sao”. Lời nhắn nhủ ấy, tôi quên bẵng bởi các chuyến đi liên miên dạo đó.

Bây giờ ngồi nhớ lại, cũng không phải mình cô giáo trẻ ấy nhắn nhủ mình như vậy. Một lần trên chuyến xe khách từ Điện Biên đi Phong Thổ, tình cờ ngồi cạnh thầy giáo người dân tộc Mông (trong cuốn sổ tay của tôi vẫn ghi: Thầy Giàng A Páo, giáo viên phổ cập Trường Tiểu học Phình Sáng, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo tỉnh Lai Châu – sau này là tỉnh Điện Biên).

Thầy bảo biết chúng tôi là nhà báo, lại là báo ngành, bởi thầy đã thấy chúng tôi làm việc trong Sở GD&ĐT hôm trước. Thầy từ huyện lên hỏi về chế độ hợp đồng dạy phổ cập của thầy, chỉ còn ít tháng nữa là hết chương trình, không biết có được tiếp tục nữa không. Câu trả lời cũng chỉ là đợi chủ trương của tỉnh, nhưng khả năng lớn là cắt hợp đồng khi chương trình đã kết thúc.

Trước lúc xuống xe đoạn thị trấn Tuần Giáo, thầy Páo nắm tay từng người: “Nhờ các anh về Trung ương lên tiếng giúp về trường hợp như chúng tôi, mấy năm đi dạy giờ chẳng lẽ lại về bản làm nương, chúng tôi thiếu bằng cấp, nhưng cũng nên linh động để anh em có đóng góp như vậy được tạo điều kiện đi học lấy bằng, vào biên chế…”.

Những lời tâm gan đó, đã trôi theo các cung đường, để lại sự day dứt cho tôi đến bây giờ: Những giáo viên phổ cập các tỉnh miền núi phía Bắc ngày đó như cô Phương (hay cô Phượng?), thầy Páo giờ ra sao?

Cũng đã hơn chục năm rồi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ