Trường học thay đổi bộ mặt nhờ chương trình nông thôn mới

GD&TĐ - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã cải thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục các trường học vùng cao.

Thư viện Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội khang trang, với nhiều đầu sách hay phục vụ học sinh học tập, nghiên cứu
Thư viện Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội khang trang, với nhiều đầu sách hay phục vụ học sinh học tập, nghiên cứu

Nét khởi sắc

Em Lăng Thị Sinh, học sinh lớp 8, Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội (tỉnh Lạng Sơn), trước đây ở thôn vùng sâu, mỗi ngày Sinh phải đi bộ hơn 5km đường rừng đến trường. Vào mùa mưa, đường trơn trượt, em cùng nhiều bạn khác thường xuyên phải nghỉ học. Thế nhưng từ khi xã được đầu tư xây dựng đường bê tông mới, nữ sinh đã có thể đến lớp đều đặn suốt năm học. Hiện nay, em là học sinh khá giỏi, tích cực trong hoạt động Đội.

Câu chuyện của Lăng Thị Sinh chỉ là một trong số rất nhiều học trò được thụ hưởng thành quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao ban hành ngày 8/3/2022 đã công bố 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp xã. Trong đó, ngoài tiêu chí số 5 và số 14 thuộc Giáo dục, các tiêu chí còn lại cũng gián tiếp giúp ngành giáo dục và đào tạo tại các địa phương vùng khó có cơ hội vươn lên.

Chia sẻ về thực tế công tác tại địa phương, ông Triệu Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội (tỉnh Lạng Sơn) cho biết giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường đã được đầu tư xây mới thêm nhiều phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, phục vụ nhu cầu ăn ở và học tập bán trú cho con em học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trang bị thiết bị dạy học cơ bản cũng dần được đáp ứng như máy chiếu, máy vi tính, tivi,… phù hợp với phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp tăng cường hứng thú học tập cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, nhà trường còn được hỗ trợ nguồn kinh phí cải tạo cảnh quan trường lớp, khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Đồng thời nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,… trong công tác phối hợp giáo dục. Một số học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ học tập, bán trú, học bổng...

“Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chưa có điều kiện chú trọng việc học của các em. Đây là thực tế chung tại nhà trường khi hạ tầng được cải thiện nhưng đời sống con em học sinh vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Hưng chia sẻ.

lh.jpg
Một tiết học của cô trò Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội.

Tác động toàn diện

Chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo ra những chuyển biến tích cực rõ nét đối với chất lượng giáo dục tại Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, lớp học kiên cố, có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại giúp tăng cường hiệu quả giảng dạy.

Đường giao thông thuận tiện hơn đã giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là vào mùa mưa; bên cạnh đó những đầu tư chính đáng vào xây dựng cơ sở đã giúp tăng số lượng học sinh ở bán trú; củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đến giáo dục ngày càng cao, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp trong chăm lo sự nghiệp giáo dục.

Theo Hiệu trưởng nhà trường, những thay đổi tích cực trên đã giúp thầy cô triển khai thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục và dạy học tiên tiến với sự hỗ trợ tối ưu của trang thiết bị hiện đại. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và đào tạo phù hợp với mô hình đào tạo chất lượng cao. Ngoài ra, nhà trường có điều kiện tổ chức học bán trú hai buổi với chương trình tăng cường nâng cao, tổ chức học theo phòng học bộ môn, học trên mạng; mở rộng các hình thức dạy và học đối với các trường trong và ngoài nước.

“Việc thi hành các chỉ đạo theo Chương trình MTQG xây dựng NTM đã có tác động toàn diện và tích cực. Theo đó, nhà trường có điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả hơn. Tinh thần học tập của học sinh được nâng cao, tỷ lệ chuyên cần ổn định, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với trường, với học sinh hơn”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ và cho biết thêm để duy trì và phát triển bền vững, vẫn cần các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm đến công tác duy tu cơ sở vật chất, nâng cao đời sống giáo viên, đồng thời hỗ trợ thêm cho học sinh vùng khó khăn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vì sao EU lập liên minh chống Hoa Kỳ?

Vì sao EU lập liên minh chống Hoa Kỳ?

GD&TĐ - Châu Âu thành lập ‘Liên minh những người sẵn sàng chống lại Hoa Kỳ’, nhằm tập hợp sức mạnh của các nước bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Hoa Kỳ.