(GD&TĐ)-Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.Tạ Quang Bửu, Báo Giáo dục & Thời đại xin giới thiệu những dòng hồi ức chân thực và xúc động của một người bạn, người học trò của cố GS.Tạ Quang Bửu, người đã có thời gian được tiếp xúc, gần gũi, gắn bó với cố GS trong một thời gian dài. Những dòng hồi ức chưa từng được công bố này như một nén tâm nhang xin gửi tới cố GS.Tạ Quang Bửu, nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực, người có công lao to lớn đối với sự nghiệp Giáo dục nước nhà (Lời tòa soạn).
>Hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời GS.Tạ Quang Bửu
GS.Tạ Quang Bửu cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học (1986) |
"Năm 1962, khi tôi đang học ở trường ĐH Hóa học tại Matxcơva thì có công hàm của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của ta tại Liên Xô gửi cho Giám đốc nhà trường, điều tôi làm phiên dịch cho phái đoàn chính phủ Việt Nam đang có mặt tại Matxcơva để đàm phán với Chính phủ Liên Xô, trong vòng 1 tháng. Chắc do tôi học được tiếng Nga ở Mátxcơva từ khi còn ít tuổi (năm 1954) và có một số kinh nghiệm trong việc dịch các công trình công nghiệp sau khi về nước công tác nên Đại sứ quán ta tại Mátxcơva mới giới thiệu tôi với đoàn.
Một hôm, sau giờ đàm phán, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, trưởng đoàn đàm phán bảo tôi: “Anh Kỉnh vừa cho biết, hiện nay anh Tạ Quang Bửu đang có mặt tại Matxcơva để dự một cuộc hội thảo khoa học quốc tế. Chú tới đón anh Bửu tới gặp tôi để trao đổi một số việc và mời anh dùng cơm tối với đoàn ta cho vui”. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh trao cho tôi địa chỉ và số điện thoại của đồng chí Tạ Quang Bửu và giục tôi đi ngay.
GS.Tạ Quang Bửu |
... Khi tôi gõ cửa phòng thì có tiếng đáp từ bên trong vọng ra “Mời vào”. Tôi chưa kịp đẩy cửa vào thì cánh cửa đã mở. Trước mặt tôi là đồng chí Tạ Quang Bửu, lúc đó chừng 50 tuổi, tóc chưa một sợi bạc. Ông thấp, vai ngang, mai tóc dày, đôi mắt nheo cười và cái miệng khá rộng. Sau khi tự giới thiệu và nói với ông về việc tôi được giao đi đón ông tới gặp ông Nguyễn Duy Trinh, ông vui vẻ nói ngay:
- Em chờ anh dọn mấy tài liệu đang đọc dở rồi ta đi ngay.
Hóa ra, cuộc hội thảo quốc tế mà ông đang dự diễn ra ngay tại trường ĐH Tổng hợp quốc gia Lômônôsôp và các nhà khoa học tham dự cuộc hội thảo này được bố trí ở ngay trong ký túc xá của sinh viên nằm trên đồi Lênin này.
Trên đường đi từ ký túc xá tới khách sạn Xaviếtxkaya, nơi phái đoàn ta đang ở, ông hỏi chuyện tôi về cuộc sống sinh viên và về chương trình các môn học mà tôi đang học ở trường đại học hóa. Ông gọi tôi là “em” và xưng là “anh” và rất tự nhiên, tôi cũng gọi ông là “anh” và xưng là “em”. Đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà khoa học Tạ Quang Bửu. Trước đấy tôi chỉ thấy ảnh ông trên các báo chí.
Hôm đó, ông làm việc với đồng chí Nguyễn Duy Trinh và với các thành viên tới tận khuya. Qua cách cư xử của các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Công Tính... với ông Bửu, tôi thấy mọi người rất quý trọng ông. Mãi tới mười hai giờ đêm, tôi mới lấy xe đưa ông về ký túc xá sinh viên trường ĐH Lômônôsôp.
Bẵng đi cả chục năm tôi mới gặp lại ông, nhưng lần này trong một hoàn cảnh khác. Do cùng làm việc với Tạ Quốc Quang, con trai ông trong một cơ quan nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng tới thăm nhà nhau. Trong một lần tới thăm Quang, tôi gặp cả ông Bửu và bà Oanh, cha mẹ của Quang. Bây giờ tôi gọi ông và là hai bác cho đúng lễ nghĩa vì ông bà là cha mẹ của bạn mình. Trong lần gặp lại hôm đó, ông nói với tôi: “Dường như trước đây bác đã gặp cháu rồi, nhưng ở đâu thì không nhớ ra!”. Tôi chỉ mỉm cười không nhắc lại lần gặp mặt đầu tiên tại Matxcơva cách đó đã chục năm. Với cương vị ông, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, rồi từng là Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hàng ngày từng tiếp xúc với hàng trăm vị khách, hàng trăm sinh viên, giáo viên... làm sao ông nhớ ra tôi?
Tác giả những dòng hồi ký này, ông Trần Quân Ngọc nay đã bước vào tuổi trên 70. Ông Ngọc đã từng học tiếng Nga, sau đó học tại trường ĐH Hóa tinh vi Mátxcơva; ĐH Mỹ thuật Mátxcơva tại Nga. Ông có thời gian làm tại Bộ Công nghiệp, Phủ Thủ tướng, sau đó là Bộ Khoa học và Đầu tư trước khi nghỉ hưu. Là bạn của con trai cố GS.Tạ Quang Bửu, ông đã có thời gian dài được tiếp xúc, gần gũi, đồng thời cũng được hưởng những tình cảm ấm áp từ nhà trí thức tài ba Tạ Quang Bửu. |
Sau này, trong những dịp lễ tết, hai vợ chồng tôi thường bế con trai tới thăm ông bà. Lúc này, gia đình ông đang ở tại tầng 2 của một biệt thự nằm trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Nơi ông và tiếp khách là một căn phòng rộng, bốn phía tường là những tủ sách, giá sách chứa đầy các loại sách báo từ khoa học cơ bản, kĩ thuật, công nghệ tới khoa học xã hội nhân văn. Và bằng nhiều ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức... Ông Bửu là một nhà khoa học biết nhiều ngoại ngữ, ông nói, Bác Hồ còn biết nhiều ngoại ngữ hơn ông.
Thường khi đang nói chuyện với ông, nếu thấy có khách tới, vợ chồng tôi đều xin phép ông ra về. Có lúc ông bảo “Cứ ngồi lại đấy chơi lát nữa. Bác muốn giới thiệu cháu với vị khách của bác”. Tại phòng khách đó của ông, tôi đã có dịp trò chuyện với một số cán bộ quân sự, chính trị và một số nhà khoa học, một số trong số họ sau này đã trở thành bạn bè của tôi. Đầu năm 1972, ông giới thiệu tôi với một nhà toán học Việt kiều trẻ tuổi tên là Lê Dũng Tráng. Lúc đó Tráng mới hai tư, hai lăm tuổi, nhưng anh đã có bằng tiến sĩ toán học, đang dạy ở những trường đại học nổi tiếng của Pháp. Ông vui vẻ nói: “Hai người hãy làm quen với nhau đi, sẽ có nhiều chuyện vui để có thể trao đổi với nhau đó! Ngọc là một nhà hóa học nhưng còn là một họa sĩ. Ngoài ra, Tráng có thể trau dồi thêm tiếng Việt khi trao đổi, trò chuyện với Ngọc...”. Chẳng là trước đó tôi đã hứa cho ông xem một số chân dung tôi vẽ bằng sơn dầu trong thời gian tôi học đại học ở Nga và một số ký họa của tôi vẽ tại một số nơi trong nước. Ông rất thích những ký họa đó và khoe rằng, hồi nhỏ, nhất là thời kỳ hoạt động trong phong trào hướng đạo sinh (Scout), ông cũng hay vẽ “nhưng không đạt trình độ như của cháu”.
Người ta thường nói tới niềm đam mê đọc sách khoa học kỹ thuật, đặc biệt là toán học của ông, nhưng theo tôi, ông còn rất yêu văn học nghệ thuật nữa. Đã không ít lần, ông kể với tôi rằng, trong số các bạn học của ông ở trường Quốc học Huế có nhà thơ Khương Hữu Dụng, tác giả của “Kinh nhật tụng” nổi tiếng xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông cũng nhiều lần khuyên tôi tìm đọc những bài thơ yêu nước và một số áng văn chính luận của Phan Bội Châu, mà ông đã từng đọc hồi còn trẻ. Nhiều lần ông hỏi tôi về các họa sĩ Nga nổi tiếng như Rêpin, Lêvitan, Aivadốpxki... Trong câu chuyện tôi có nhắc tới một số họa sĩ mà tôi yêu thích, nhưng ông chưa hề biết tên và xem tác phẩm của họ. Ông hỏi ngay “nếu cháu có sách giới thiệu về họ thì cho bác mượn xem một thời gian”. Và tôi thực sự sung sướng khi sau đó ông cũng thích thú và say mê Xê-re-bra-cô-va (nữ họa sĩ Nga), Kuidzi, Xe-rốp... như tôi và hơn cả tôi.
Một lần tới thăm ông, ông lấy từ một giá sách xuống hình một con chim cách điệu bằng đất nung đỏ au rất đẹp. Ông giải thích “tác phẩm điêu khắc bằng gốm này bác đào được khi sửa móng ngôi nhà này. Nó phải có năm bảy trăm năm tuổi, có lẽ là sản phẩm mỹ nghệ từ thời Trần, thời Lý. Chắc khi khai quật khu vực này lên sẽ gặp cả một di tích văn hóa quý báu ngàn năm của ông cha ta ngày xưa”.
Hơn 30 năm sau, khi các nhà khảo cổ học, sử học Việt Nam tiến hành khai quật khu đất Ba Đình cạnh Hội trường Ba Đình (cách không xa ngôi nhà ông ở tại đường Hoàng Diệu) chúng ta đã phát hiện ra di chỉ Hoàng Thành, một thành tựu khảo cổ đặc sắc của đất nước ta vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI (Tôi quên chưa hỏi hiện vật quý giá đó và Bửu và các con ông còn giữ được cho tới hôm nay không?).
GS.Tạ Quang Bửu cùng vợ chồng GS L.Schwartz (giải thưởng Fiels) thăm hang Pác Bó, Cao Bằng (1978). |
Đầu năm 1975, sức khỏe của tôi bỗng dưng suy sụp, sức nhìn của đôi mắt cũng kém đi rõ rệt. Một hôm tôi đang nằm nghỉ ở nhà thì thấy có tiếng gõ cửa, tôi vội ra mở cửa thì thấy trước mặt mình là GS.Tạ Quang Bửu. Ông tươi cười nói nhỏ “Bác xin lỗi vì tới thăm cháu mà không báo trước. Đã lâu không thấy cháu lại chơi nên hôm nay có việc đi ngang nhà cháu, bác ghé lại thăm”. Ông ngạc nhiên vì thấy tôi gầy đi trông thấy. Ông hỏi tôi” Sức khỏe cháu có chuyện gì không”. Tôi thành thật khai với ông “Độ này cháu hay bị đau đầu và thị lực kém đi nhiều”. Ông lo lắng “Các cụ nói: giầu đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Cháu làm công tác trí óc, lại là một họa sĩ, bệnh tình có liên quan đến cái đầu và đôi mắt là rất hệ trọng! Để bác sẽ lo chuyện này!”.
Ông hứa sẽ đưa tôi đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, nhờ bác sĩ Trần Hữu Tước tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ Tước là bác sĩ tai mũi họng bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1946, ông đã tước bỏ cuộc sống vương giả tại Paris, theo Bác Hồ lên tàu trở về tổ quốc phục vụ. Ông Bửu hẹn tôi ngày giờ tới đón tôi, nhưng đúng ngày hẹn ông lại bận họp Chính phủ không thể vắng mặt được. Ông Bửu cẩn thận viết cho tôi một lá thư giới thiệu và đích thân mang thư đó đến cho tôi.
Bức thư viết:
“Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1975
Kính gửi anh Tước,
Như đã nói chuyện với anh hôm qua, tôi xin giới thiệu đồng chí Trần Quân Ngọc đến xin gặp anh hôm nay. Xin cảm ơn anh trước và chúc anh mạnh khỏe. Hôm nay tôi đi công tác nên không trực tiếp đưa anh Ngọc đến gặp anh được.
Tạ Quang Bửu”.
Khi tôi tới gặp bác sĩ Trần Hữu Tước, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chưa kịp đưa thư giới thiệu của ông Bửu thì ông đã hỏi trước: “Cháu là Trần Quân Ngọc phải không? Vào khám ngay đi! Anh Bửu đã trao đổi kỹ với bác về trường hợp của cháu rồi. Phải xác định rõ về nguyên nhân suy giảm thị lực...” (Tôi lục tìm thư giới thiệu của ông Bửu thì ông nói ngay : “Thôi khỏi cần đưa thư giới thiệu, Bửu nó vừa gọi telephone cho bác rồi. Hôm nay nó bận họp nên không đưa cháu tới đây được, bác biết rồi”. Tôi đã giữ lại lá thư giới thiệu như một kỷ niệm nhỏ về hai nhà trí thức lớn của đất nước ta, đồng thời là những ân nhân của tôi.
Ông Tước xác định tôi bị viêm xoang rất nặng do đó gây ra chứng đâu đầu và làm giảm thị lực. Ông giữ tôi lại bệnh viện và cho mổ xoang ở nửa mặt bên trái. Những ngày tôi nằm tại bệnh viện, sau giờ làm việc ông Bửu thường tới thăm tôi, hỏi han tình hình chữa chạy một cách rất chu đáo, tận tình. Khác với những lời trang trọng viết trong thư giới thiệu, ngoài đời, ông Bửu, ông Tước (và cả ông Tôn Thất Tùng) thường thân mật xưng hô với nhau là mày tao khi trò chuyện, tâm tình với nhau rất thân mật.
Sau một thời gian được chữa trị tại bệnh viện Bạch Mai, tôi khỏi được bệnh đau đầu và sức nhìn được khôi phục. Một hôm, với một sự chu đáo và tế nhị hiếm có, ông nhẹ nhàng gợi ý tôi “Cháu nên tìm trong số kí họa của cháu một bức kí học thuốc nước đẹp tặng cho bác sĩ Trần Hữu Tước”. Ông nói thêm: “Tước nó rất thích về hội họa và rất sành về kỹ thuật vẽ tranh thuốc nước”. Tôi đã làm theo đúng lời gợi ý của ông. Quả thật, việc này đã làm cho bác sĩ Tước rất thích thú...
(Còn nữa)
Tác giả: Trần Quang Ngọc
Hiếu Nguyễn (ghi)