Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan tổng hợp vào rạng sáng ngày 15/5, đảng Move Forward (MFP) đang dẫn đầu khi giành 151 ghế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan tổng hợp vào rạng sáng ngày 15/5, đảng Move Forward (MFP) đang dẫn đầu khi giành 151 ghế, gồm 113 ghế theo khu vực bầu cử và 38 ghế theo danh sách đảng. Đặc biệt, MFP đã giành được 32/33 ghế tại Thủ đô Bangkok.

Đứng thứ hai là đảng Pheu Thai, có liên hệ mật thiết với gia tộc chính trị Shinawatra, với 142 ghế, trong đó 112 ghế theo khu vực bầu cử và 29 ghế theo danh sách đảng. Trong khi đó, đảng United Thai Nation của Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayut Chan-ocha xếp thứ năm với 36 ghế.

Kết quả bỏ phiếu không chỉ gây bất ngờ tại Thái Lan mà còn khiến giới chuyên gia và quốc tế “bùng nổ”. Các khảo sát trước đó cho thấy đảng Pheu Thai có khả năng giành được số ghế cao nhất và theo sau là MFP nhưng thực tế, MFP đã vươn lên dẫn đầu.

Đảng MFP của ứng cử viên Pita Limjaroenrat bước vào cuộc tranh cử với thông điệp mạnh mẽ về cải cách như lật ngược cấu trúc quyền lực cũ, nới lỏng luật khi quân, vốn bị chỉ trích là công cụ kiểm soát bất đồng trong dư luận. Đây là đảng đầu tiên cam kết chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, phi quân sự hóa chính trị.

Cam kết này phù hợp với mong muốn của phần đông cử tri trẻ Thái Lan khi họ hy vọng có những cải cách hạn chế ảnh hưởng của quân đội. Trong những năm qua, nhiều tổ chức sinh viên, thanh niên đã thực hiện các phong trào kêu gọi hạn chế quyền lực của quân đội hoặc bãi bỏ luật khi quân (bôi nhọ chế độ quân chủ).

Trong cuộc tổng tuyển cử, chỉ có MFP và Pheu Thai nhắc đến việc thay đổi luật khi quân, được coi là phe đối lập, trong khi các đảng khác kiên quyết phản đối cải cách. Đảng Pheu Thai nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri thuộc tầng lớp lao động phổ thông. Nhưng Pheu Thai chỉ hứa sẽ đưa nội dung điều chỉnh luật khi quân ra thảo luận tại quốc hội.

Với lập trường cấp tiến và thẳng thắn hơn trước những cải cách mới, MFP đã lôi kéo được lượng lớn cử tri trẻ từ tay Pheu Thai và giành chiến thắng vượt mong đợi. Đây đồng thời đánh dấu bước ngoặt lớn với Thái Lan, cho thấy hầu hết người dân nước này mong muốn một sự thay đổi thực chất sau nhiều năm phe quân đội nắm quyền.

Tuy giành được chiến thắng ngoài mong đợi, MFP vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Dự kiến vào tháng 7, Quốc hội Thái Lan sẽ họp với sự tham gia của 500 nghị sĩ mới được bầu của Hạ viện và 250 thượng nghị sĩ do chính quyền hiện nay chỉ định, để lựa chọn thủ tướng mới.

Thủ tướng mới phải nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ từ cả hạ viện và thượng viện. Như vậy, nếu MFP muốn giành chiến thắng, họ phải bắt tay với các đảng khác và cùng đề cử một ứng cử viên phù hợp.

Hiện nay, đảng có khả năng cao nhất bắt tay với MFP là Pheu Thai. MFP buộc phải thương thảo với Pheu Thai cùng nhiều đảng nhỏ khác để xây dựng liên minh vững chắc; đồng thời, thuyết phục một số thượng nghị sĩ từ phe thân quân đội đứng về phe đối lập.

Cần nhớ, đảng Pheu Thai từng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 và giành được số ghế cao nhất ở Hạ viện nhưng vẫn phải ra về tay trắng vì không thể thành lập được chính phủ cầm quyền.

Liệu MFP có đi vào vết xe đổ này hay không là điều còn bỏ ngỏ nhưng trước số ghế trong Hạ viện mà phe đối lập đang nắm, nền chính trị Thái Lan cần chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.