“Kỳ nghỉ hồng” ý nghĩa

GD&TĐ - “Kỳ nghỉ hồng” lần thứ 16 với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên công nhân, viên chức và người lao động TPHCM tiếp tục sôi động với nhiều phần việc, công trình mới. Lấy chuyên môn để tình nguyện phục vụ cộng đồng, các tình nguyện viên đang chung tay xây dựng một thành phố văn minh; chia sẻ khó khăn với các tỉnh bạn và người dân các nước anh em.  

“Kỳ nghỉ hồng” ý nghĩa

Chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng”

Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” lần thứ 16 diễn ra từ ngày 9/7 - 13/8/2017, thu hút 50.000 lượt thanh niên công nhân TPHCM tham gia. Chiến dịch năm nay diễn ra trên địa bàn 24 quận, huyện của TPHCM, trong đó tập trung cho 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ), tại một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên, đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.

Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” là phương thức hoạt động tình nguyện của đoàn viên, thanh niên công nhân, viên chức và người lao động thành phố nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc vận dụng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ tham gia các hoạt động công tác xã hội, phục vụ cộng đồng với phương châm “Lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”.

Với nét đặc trưng của chiến dịch là hình thành những đội hình tình nguyện có chuyên môn cao, đến từ các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn thành phố để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác lập.

Năm nay có 9 đội hình với các nội dung hoạt động rất thiết thực, đó là: Tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý, tư vấn thủ tục hành chính; tập huấn kiến thức, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; cải tạo hệ thống điện, nước, tập huấn kiến thức sử dụng điện, nước an toàn, hiệu quả và tiết kiệm; sửa chữa và xây dựng các công trình; tổ chức truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe; tổ chức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tập huấn, trang bị kỹ năng thực hành xã hội; bán hàng lưu động bình ổn thị trường, tổ chức phiên chợ thanh niên công nhân và tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đội hình tình nguyện hướng về biển, đảo quê hương; đội hình tổ chức các hoạt động tình nguyện tại Lào và Campuchia.

Đồng chí Phùng Thái Quang, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Công nhân Lao động Thành đoàn TPHCM, Chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” năm 2017 cho biết thêm, năm nay là “Năm hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Campuchia và “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”, cho nên các chiến sĩ tham gia “Kỳ nghỉ hồng” thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa ở hai nước bạn so với “Kỳ nghỉ hồng” các năm trước. Lễ ra quân “Kỳ nghỉ hồng” đến hai nước bạn Lào và Campuchia được tổ chức từ ngày 23/7 - 7/8.

Thiết thực những hoạt động

Khuôn viên nhà sinh hoạt công nhân nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) sáng Chủ nhật 9/7 nhộn nhịp khác thường với sắc áo hồng tình nguyện xen lẫn áo blu trắng của các y, bác sĩ tham gia ngày hội chăm sóc sức khỏe cho thiếu nhi và công nhân.

Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, bác sĩ Phạm Nguyễn Thùy Trang đang khám bệnh và tư vấn cho hai mẹ con một nữ công nhân làm việc trong khu công nghiệp, cho biết: “Chiến dịch lần này được Đoàn Sở Y tế ra quân tổng lực, địa điểm lại tập trung, hy vọng sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn cho người dân địa phương”.

Chỉ trong buổi sáng 9/7, khoảng một trăm y, bác sĩ là đoàn viên thanh niên đến từ 42 bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố đã thăm, khám bệnh miễn phí cho 600 người là các cháu thiếu nhi, công nhân lao động và người dân sống lân cận Khu công nghiệp Hiệp Phước. Hơn 700 đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu với sự trợ giúp, tiếp nhận lấy máu và tư vấn của các đoàn viên thuộc Đoàn Sở Y tế thành phố.

Tại huyện Bình Chánh, đoàn viên thanh niên công tác tại các đơn vị thuộc Đoàn cơ sở Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã về xã Tân Quý Tây để sửa chữa và thay mới hệ thống điện đã cũ, hư hỏng cho 150 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Các đoàn viên của EVNHCMC đến thăm hỏi và trao 10 phần quà tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách ở xã Tân Kiên.

Dịp này, Đoàn cơ sở EVNHCMC cũng tổ chức vui chơi, sinh hoạt và tặng quà cho 300 em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Song song đó, tại Quận đoàn quận 8 tổ chức Ngày hội tư vấn pháp lý, hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính tại UBND phường 4, quận 8.

Đoàn cơ sở Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm cho 150 hộ dân, đồng thời tổ chức ngày hội bán hàng lưu động phục vụ người dân huyện Hóc Môn... Dịp này, nhiều hoạt động ý nghĩa khác của thanh niên, công nhân, viên chức và người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị đã tô thêm nét đẹp của “Kỳ nghỉ hồng”.

Trong 15 năm qua, Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” dành cho thanh niên công nhân TPHCM đã có sự lan tỏa sâu sắc trên mọi miền cả nước và trong chính cuộc sống của người dân. Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” đã trở thành “thương hiệu” của thanh niên, công nhân thành phố thông qua việc lấy phương châm “Thanh niên công nhân thành phố lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ thanh niên công nhân đối với cộng đồng, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiến sĩ Thiện trong phòng nghiên cứu thí nghiệm về bê tông.

Từ bốc vác đến… tiến sĩ xứ 'cờ hoa'

GD&TĐ - Từ một học sinh miền quê với hoàn cảnh nghèo khó, chàng trai Trần Quốc Thiện (TP Đà Nẵng) đã vươn lên đạt nhiều thành tựu trong học tập nghiên cứu...
Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).
Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.