Ban đầu tiếp xúc với những thông tin được đồng nghiệp chia sẻ về khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về phát triển con người trong kỉ nguyên số, rồi đến những số liệu khảo sát về kinh tế, năng lực lao động của người Việt… rồi hồi tưởng lại thuở mới ra trường, đi làm thuê, thấy người ta “hào phóng trả tiền” cho mình khi làm một bài giảng số, nhưng rồi sức lao động đã bỏ ra..., tôi mới thấy, làm công nghệ đâu có dễ!
Trải nghiệm và bắt tay vào làm
Sự trưởng thành lớn nhất của tôi khi làm số hóa tài liệu giáo dục hay tập huấn cho giáo viên chính là nhận ra sự chuẩn bị của bản thân mình phải phù hợp mới có thể sống trong môi trường làm việc công nghệ. Hay nói cách khác, không có kĩ năng số thì làm sao làm việc với “số”! (giống như lái ô tô thì bắt buộc phải trang bị kiến thức và kĩ năng khác hẳn đi xe đạp vậy).
Tôi đã viết rất nhiều bài, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn. Suốt mùa hè và cả những thứ 7 của nhiều tháng sau đó, tôi vẫn tiếp tục hành trình “nói” cho đồng nghiệp của mình hiểu hơn, sẵn sàng hơn cho chuyển đổi số trong giáo dục. Thỉnh thoảng tôi vẫn sốc, khi:
- Rất nhiều hiệu trưởng chưa biết việc đầu tiên của triển khai dạy học trực tuyến là chọn cho trường một hệ quản trị - hệ thống LMS (Learning Management System, tạm dịch là Hệ thống quản lý học trực tuyến) để tạo ra các lớp học, tạo ra không gian làm việc trên “mạng” cho giáo viên và học sinh. Phân biệt lớp học ảo với hệ quản trị này, chúng ta cứ nghĩ dạy học trực tuyến chính là dạy học diễn ra trên các lớp học ảo!
- Tiếp xúc với giáo viên chúng ta mới ngỡ ngàng, thầy cô còn thiếu kĩ năng giảng dạy trực tuyến. Nhiều người còn chưa thạo thao tác, chưa chọn được công cụ… đã dạy học. Vì thế, khi các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát, vẫn còn nguyên những khó khăn mà cứ nghĩ rằng đó là ở thế kỉ 20, chứ đâu phải ở năm thứ 22 của thế kỉ 21.
- Số hóa dữ liệu còn thiếu quá. Giáo viên phải tự tạo ra dữ liệu (bài soạn, phiếu bài tập) rồi giao thủ công, học sinh làm thủ công (chụp ảnh gửi qua email, qua mạng xã hội…). Máy tính hay phần mềm chưa đỡ được cho người thầy, chưa trở thành một phần của người thầy.
… Đấy là nguồn cơn của những số liệu báo về.
Đây:
- Việt Nam đứng cuối cùng trong khu vực về kĩ năng số hiện có của lực lượng lao động.
- Các lao động tuổi 18 - 20 vẫn sẽ trở về nhà sau cú sốc của dịch bệnh, và vẫn sẽ vào đời với những kĩ năng không liên quan gì đến số.
Xây dựng niềm tin thế nào khi trẻ học online?
Trong thời gian qua, tôi được đồng hành cùng chuỗi các hội thảo cho giáo viên, phụ huynh, được tổ chức bởi các tập đoàn công nghệ - giáo dục, tôi đã có cơ hội được chia sẻ với các bậc cha mẹ, thầy, cô giáo về chuyện học trực tuyến của các con (và của cả chúng ta nữa). Ưu điểm của học trực tuyến tôi đã đề cập nhiều. Nào là học hướng cá nhân, dữ liệu vô vàn, học mọi lúc mọi nơi, tiếp cận những gì mới nhất/ hiện đại nhất, bồi đắp năng lực số… và đó là tất yếu của thời đại.
Khó khăn của học trực tuyến đang hiển hiện cũng được tôi đưa ra thường xuyên, không chỉ trong các hội thảo, mà ở bất cứ cuộc nào “nói được”. Tôi còn nói cho tôi, cho cộng sự của tôi, để chúng tôi từng phút tự mình thoát ra khỏi cái “mớ vô hạn chiều khó khăn”. Nhưng ở hội thảo này, tôi đề cập đến những gì chính chúng ta đang cản trở việc giáo dục trực tuyến/ cản trở chính chúng ta trong một tiến trình học tập suốt đời.
Điển hình như:
- Niềm tin, nhận thức của chúng ta về giá trị giáo dục nói chung, về giáo dục/dạy học trực tuyến nói riêng. Chúng ta có thực sự hiểu rằng đó là phương thức giáo dục của thời đại 4.0 chứ không phải là giải pháp tạm thời, ứng phó. Khi nhận thức được tính cấp thiết, tính tất yếu và sức mạnh của công nghệ chính chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này cho giáo dục của chính mình, của con cái mình; để tự mình đầu tư, giám sát và cả đòi hỏi những chương trình học đúng nghĩa là giáo dục trực tuyến cho con cái chúng ta được hưởng thụ. Và hơn nữa, cùng nhau thực hành để nó có hiệu quả thực sự chứ không phải là thứ sẽ tạo thêm cho chúng ta khó khăn, sợ hãi.
- Nhầm lẫn về “giá” của học trực tuyến sẽ rẻ hơn, dễ làm hơn… Bởi công nghệ chỉ có giá trị khi có người dùng và người dùng lại xác nhận được rằng nó sẽ thật sự khác biệt. Vậy thì phải đầu tư rất nhiều và công nghệ thì làm gì có dễ… Nếu có “rẻ” hơn thì chắc là, công nghệ/ học trực tuyến sẽ cho ta những trải nghiệm mới, mà trước kia “có tiền” thì cũng chưa chắc đã được hưởng.
- Ngại thích ứng với công nghệ mới. Chuyện này là có thật, chính những phụ huynh của tôi, và cả không ít phụ huynh mà chúng tôi khảo sát được. Chẳng hạn, chúng ta có đang ngại sử dụng đồng bộ hệ thống không? Hay chúng ta chỉ muốn dùng những gì chúng ta quen thuộc (thỉnh thoảng tôi cũng là người như thế, vì tôi cũng khó chịu với cái mới, và thật tệ, tôi nhận ra mình đang tạo ra sự ì trệ cho chính bản thân, cho những gì xung quanh nữa!!!). Rồi, chúng ta có thể làm rối một quá trình giáo dục, vì chính chúng ta không tuân thủ quy trình và sự phối hợp…
Nói đến giáo dục, là chúng ta nghĩ đến tương lai, vì đó là trồng người. Phụ huynh chúng ta có thể là cái “trần nhà” làm hạn chế tầm nhìn của thế hệ sau, hạn chế sự lựa chọn của các con vì chúng ta tạo ra cái hộp/ cái nhà tuy an toàn mà lại thiếu sự thích nghi, phát triển. Còn thực tế cây đời xanh tươi đang là: Người Việt Nam chúng ta hiện có giá trị sức lao động/năng suất lao động rất thấp, và “kĩ năng công nghệ” trong lao động cũng rất thấp.
Hãy nghĩ đến giáo dục suốt đời để chúng ta tự phát triển bản thân mình thích ứng với thế giới, sáng tạo ra thế giới tương lai, khi đó công nghệ sẽ là công cụ tốt của chúng ta khi chúng ta là người làm chủ hiểu biết.