Chuyển đổi số trong giáo dục: Không chờ “hiệu lệnh”

GD&TĐ - Năm 2020 chứng kiến nhiều thay đổi mang tính đột phá của giáo dục, cũng như những phép thử cho sự vững vàng và phát triển của ngành trong năm tiếp theo.

Học sinh Hà Nội trong giờ học trực tuyến.
Học sinh Hà Nội trong giờ học trực tuyến.

Phép thử chưa từng có tiền lệ là việc dừng đến trường nhưng không dừng học cho thấy nhiều điều cần phải khắc phục bên cạnh thành tích đạt được. Chỉ riêng vấn đề đó cũng đã tạo ra “bản lề” thách thức, những điều kỳ vọng về một nền giáo dục số theo định hướng tầm nhìn đến năm 2030.

Thay đổi về chất quá trình dạy học

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phương thức dạy học trực tuyến lần đầu tiên được áp dụng trên phạm vi cả nước. Thực ra, việc triển khai dạy học trực tuyến sớm hay muộn cũng tất yếu xảy ra như một phương thức (hay hình thái dạy học) cùng song hành với dạy học trực tiếp truyền thống như trước đây.

Xét theo quan điểm học thuyết Kinh tế chính trị Mác - Lê nin về phương thức sản xuất phát triển có thể nhận thấy sự phát triển tương đồng và tất yếu của “phương thức dạy học” mới này. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ giáo dục mới, quan hệ nội tại và bên ngoài của quá trình dạy học trực tuyến đã làm thay đổi về chất quá trình dạy học hiện nay, tạo tiền đề cho chuyển đổi số trong gáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục mang tính đột phá tạo sự thay đổi căn bản, hoàn toàn không phải chỉ là việc “đổi mới” các quy trình bằng định dạng số và thiết bị công nghệ (theo cách hiểu tăng cường ứng dụng công nghệ) và càng không phải là cái đích đến cuối cùng của giáo dục.

Các mức độ của quá trình này, vốn được nhiều chuyên gia nhấn mạnh, như số hóa, thay đổi quy trình thủ tục dựa trên nền tảng số, hay thay đổi cấu trúc, văn hóa, tạo ra những giá trị mới, thay đổi về chất của tổ chức, không phải là những bước tuần tự trước sau để vượt qua, cũng như không phải là các mốc đánh dấu từng mức độ hoàn thành. Chuyển đổi số trong giáo dục cần thực hiện đồng bộ, liền mạch và lâu dài với những bước đi có lộ trình và phù hợp với điều kiện bối cảnh.

Thực tế gần 20 tháng triển khai dạy học trực tuyến trên phạm vi rộng vừa qua đã chứng minh việc chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến không thể đợi đến khi “số hóa” bài giảng hay quy trình tổ chức hoạt động dạy học rồi mới bắt đầu thực hiện trong nhà trường. Có thể hoàn thành những chỉ tiêu đặt ra của quá trình chuyển đổi số tại một thời điểm nào đó, chứ không thể đặt ra mốc khi nào chuyển đổi số được hoàn thành!

TS Tôn Quang Cường với hệ thống tích hợp nền tảng Zoom và LMS trong triển khai thi trực tuyến.
TS Tôn Quang Cường với hệ thống tích hợp nền tảng Zoom và LMS trong triển khai thi trực tuyến.

Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng

Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục thời gian qua (mà thực chất chỉ là “quá độ số” hay “dịch chuyển số”) mới chỉ đưa ra được một số giải pháp thực hiện để “giữ nhịp” cho quá trình giáo dục không bị chậm so với các quá trình phát triển công nghệ. Việc thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục là điều cấp thiết đặt ra hiện nay đối với lực lượng tham gia vào hoạt động giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục không chờ “hiệu lệnh bắt đầu” hay chỉ đạo nào đó từ bất kỳ cơ quan quản lý hay cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện từ chính bên trong từng hoạt động chức năng của giáo viên, nhà giáo dục, với sự hiện diện và hỗ trợ của công nghệ giáo dục mới, hướng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, chỉ số đã đặt ra theo định hướng Chương trình chuyển đổi số quốc gia (2020). Trong từng bài dạy hay hoạt động giáo dục, nếu mỗi giáo viên thấm nhuần tư tưởng này, quá trình chuyển đổi số có thể diễn ra ở “cấp độ bài học” với các thuộc tính của nó.

Có thể coi việc thay đổi cách tư duy và tổ chức một bài dạy theo hướng trò chơi hóa học tập dựa trên nền tảng công nghệ là một ví dụ điển hình (trong đó mỗi bài học là một trò chơi, nội dung bài học chính là luật chơi, giáo viên là người cùng chơi và công nghệ là “đồ chơi”).

Triển khai một tiết học trong môi trường trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải vận dụng tổ hợp các năng lực để tái cấu trúc lại nội dung học liệu, bài giảng, thực hiện các hoạt động sư phạm và dạy học theo trình tự logic, thay đổi cách giao tiếp và tương tác với học sinh, tiến hành kiểm tra đánh giá… theo tư duy công nghệ và bằng công cụ công nghệ số!

Hay nói cách khác, chuyển đổi số cấp độ giờ học là làm thế nào để những con người thật, hoạt động thật (nhưng tương tác ảo) diễn ra trong môi trường số (ảo) mà kết quả đạt được vẫn phải là thật ở người học?! Tương tự, việc các nhà quản lý tư duy lại cách áp dụng các hệ thống quản lý học tập, nội dung học tập, giải pháp công nghệ mới… sẽ dẫn đến đổi mới tư duy, đánh giá lại các mô hình quản trị, quản lý và sử dụng nguồn lực cũng như mô hình, phương thức dạy học trong giai đoạn tới.

Công nghệ giáo dục mới thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục

Những dự báo về xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu những năm tới đưa ra bức tranh khá khả quan với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 19,9% (giai đoạn 2021 - 2028); hơn nửa triệu app ứng dụng miễn phí dành cho giáo dục với khoảng hơn 3.000 app mới ra đời mỗi ngày trên thiết bị di động.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng Internet và kết nối thiết bị di động lần lượt là 70,3%, 157,9% dân số, trong đó tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 16 đến 64 có kết nối di động và sở hữu điện thoại thông minh chiếm tới 96,9% (tính đến tháng 1 năm 2021).

Báo cáo của TechFest Vietnam 2021 cho thấy, hiện nay có khoảng 700 doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển công nghệ giáo dục (trong tổng số 2.000 doanh nghiệp phổ biến các giải pháp công nghệ giáo dục nói chung). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.