Kỹ năng dạy làm văn nghị luận cho học sinh giỏi Văn

GD&TĐ - Cô Trần Thị Lan - Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 3 (Thanh Hóa) chia sẻ những kỹ năng quan trọng giúp giáo viên rèn học sinh giỏi thực hiện tốt các dạng văn nghị luận. Đây cũng là chia sẻ bổ ích cho giáo viên và học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia tới.

Kỹ năng dạy làm văn nghị luận cho học sinh giỏi Văn

Lưu ý 3 kiểu đề văn nghị luận xã hội

Phần văn nghị luận xã hội có thể nói tới ba kiểu đề: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí, nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học.

Dù lý thuyết các phần này không xa lạ với đối tượng học sinh giỏi, nhưng để có được một bài văn hay, sâu sắc giáo viên phải dạy cho học sinh:

Nhận dạng rõ ràng kiểu bài, xác định được vấn đề cần nghị luận. Nhất là đối với những bài luận đề được rút ra từ những câu chuyện ngụ ngôn ngắn, câu chuyện trong quà tặng cuộc sống, các câu danh ngôn, các ý kiến....

Muốn xác định được luận đề của những đề bài ấy, giáo viên yêu cầu học sinh phải đọc kĩ đề, phải hiểu được câu chuyện, câu nói, ý kiến ấy đề cập đến vấn đề gì qua hệ thống ngôn từ giàu tính hình tượng, đa nghĩa , hàm súc, ... và phải đặt câu hỏi tại sao lại nói như vậy, nói như vậy là có ý nghĩa gì?...

Với kĩ năng làm bài: Cần vận dụng các thao tác nghị luận một cách uyển chuyển, linh hoạt và kết hợp chúng để bài viết đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, vận dụng tổng hợp các phương thức biểu đạt: Bên cạnh kết hợp nhiều thao tác lập luận, bài văn nghị luận xã hội cần phải kết hợp với các phương thức biểu đạt như biểu cảm, thuyết minh, tự sự, miêu tả,... nhất là phương thức biểu cảm.

Bởi văn nghị luận thuyết phục người đọc không chỉ ở lí trí mà còn phải tác động vào tình cảm, cảm xúc.

Đặc biệt, văn nghị luận xã hội không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức xã hội mà cao cả hơn là giúp học sinh nhận thức đúng đắn những vấn đề đạo đức nhân sinh cao đẹp trong đời sống, từ đó, giúp giáo dục nhân cách.

Vì thế, đối với kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, cần yêu cầu cao ở học sinh khi rút ra được ý nghĩa, bài học nhận thức và hành động về một tư tưởng, đạo lí.

Còn với kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống, phải yêu cầu cao ở học sinh khi bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.

Lưu ý với dạng văn nghị luận văn học

Với dạng nghị luận văn học, giáo viên nên hướng dẫn học sinh nắm lại lí thuyết về từng kiểu bài nghị luận văn học, cụ thể:

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ: Với kiểu bài này, giáo viên hướng dẫn học sinh cách làm bài. Theo đó, yêu cầu nắm bắt được nhân vật trữ tình trong văn bản, phải xác định được nhân vật trữ tình chủ thể hay trữ tình nhập vai và phải nắm bắt được sự vận động, phát triển của tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình đó;

Phân chia bài thơ làm các phần, đoạn và phải xác định được luận điểm của từng phần và từng đoạn;

Phải phân tích nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ, câu thơ như cách viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, âm thanh... để làm nổi bật nội dung tư tưởng mà nhà thơ muốn thổ lộ. Nhưng không nên dàn trải, bình quân mà phải có sự lựa chọn và chú trọng vào chi tiết nghệ thuật độc đáo.

Sau khi phân tích phải tổng hợp, khái quát, đánh giá, nâng cao vấn đề.

Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi: Giáo viên chia tách thành các kiểu bài với cách tiếp cận và nắm bắt cụ thể như sau:

Phân tích nhân vật: Nhân vật là “công cụ” giúp nhà văn phản ánh tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh của nhà văn. Nhân vật chính thường điển hình cho một giai tầng nào đó trong xã hội, thậm chí một thời đại.

Vì vậy, khi giúp học sinh nhận thức một nhân vật, giáo viên phải giúp các em hướng tới khái quát được các giá trị đó.

Ngoài ra, nhân vật là con đẻ của nhà văn trong suốt cả một quá trình thai ngén vì thế khi phân tích nhân vật cũng là để nhận ra tài năng, đặc điểm bút pháp nghệ thuật của nhà văn.

Các phương diện cơ bản khi phân tích nhân vật tự sự bao gốm:

Lai lịch: Chính là hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống trong quá khứ của nhân vật... Điều này phần nào chi phối đến tính cách, số phận của nhân vật.

Ngoại hình: Miêu tả ngoại hình nhân vật nhằm hé mở tính cách, chiều sâu nội tâm bên trong. Nhưng với một số trường hợp, cũng có thể “trật khớp” giữa ngoại hình và tính cách.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm văn học được cá thể hóa cao độ, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Nội tâm nhân vật: Đó là thế giới bên trong của nhân vật với những cảm xúc, cảm giác, tình cảm, suy nghĩ... Thâm nhập thế giới nội tâm phong phú của nhân vật trở thành cuộc hành trình đầy thú vị của nhà văn, cũng là điều hấp dẫn với người đọc và người phân tích tác phẩm sau đó.

Cử chỉ, hành động: Bản chất con người ta bộc lộ chân xác, đầy dủ nhất qua cử chỉ, hành động. Vì thế phân tích nhân vật cần phân tích được cử chỉ hành động và cách hành xử của nhân vật ấy.

Vai trò của tình huống truyện đối với việc thể hiện nhân vật trong tác phẩm tự sự: Khi phân tích nhân vật, cần quan tâm thích đáng đến tình huống truyện. Vì thông qua tình huống truyện, nhân vật sẽ phần nào thể hiện được tính cách, số phận nhân vật.

Giáo viên cần lưu ý học sinh không nên máy móc mà phải linh hoạt ở từng nhân vật văn học cụ thể để đạt hiệu quả cao khi làm bài.

Nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi: Đây là dạng đề liên quan đến một vấn đề, một phương diện về nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm văn học. Giáo viên phải giúp học sinh chỉ ra được những biểu hiện, ý nghĩa của vấn đề đó trong tác phẩm.

Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Ý kiến bàn về văn học có thể là một nhận định về văn học, một danh ngôn về vấn đề trong văn học. Vấn đề đó có thể thuộc lí luận văn học, về văn học sử, về tác phẩm, phong cách tác giả.

Để làm tốt được kiểu bài này giáo viên phải hướng dẫn học sinh như sau:

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh phải nắm được kiến thức về lí luận văn học, về văn học sử, về tác phẩm, về phong cách tác giả, quan điểm sáng tác...

Kiến thức có được là nhờ vào cả một quá trình tích lũy, tổng hợp trong cả quá trình học tập, từ sách giáo khoa, từ các bài giảng của thầy cô, từ các văn hay của các bạn học sinh trong các kì thi học sinh giỏi.

Yêu cầu về phương pháp: Phải hiểu đúng toàn diện nội dung, tinh thần của ý kiến, nhận định để xác định đề bài đề cập đến vấn đề gì, bản chất của vấn đề là gì?

Khi phân tích, chứng minh nhận định, học sinh phải biết nhìn nhận xem ý kiến, nhận định đó xác đáng chưa, sâu sắc chưa, có khía cạnh nào phải bàn thêm không, nếu có chúng ta cũng có thể sử dụng thao tác bình luận để làm sáng rõ quan điểm của mình.

Nghị luận về một vấn đề mang tính chất tổng hợp

Đây là dạng đề yêu cầu học sinh phải biết tổng hợp, khái quát so sánh, đối chiếu những vấn đề trong các tác phẩm văn học.

Nhưng những tác phẩm văn học phải ra đời trong một giai đoạn lịch sử, có cùng chung đề tài, xu hướng, trào lưu.

Khi so sánh, người làm bài chỉ ra được sự giống nhau, khác nhau của từng tác phẩm văn học cùng mang đề tài, xu hướng, trào lưu ấy để thấy được sự độc đáo thú vị trong quá trình khám phá, phát hiện cũng như tài năng văn chương của các nhà văn.

Để làm tốt được kiểu bài này giáo viên phải hướng dẫn học sinh như sau:

Yêu cầu về kiến thức: Nhóm các văn bản về cùng một đề tài, một xu hướng, một trào lưu văn học

Yêu cầu về phương pháp: Xác định được vấn đề cần phải làm sáng tỏ là gì? Giải thích cho người đọc hiểu khái niệm của vấn đề đó; biểu hiện của vấn đề đó trong từng tác phẩm cụ thể; so sánh để chỉ ra sự giống nhau, khác nhau của vấn đề đó trong từng tác phẩm; lý giải nguyên nhân vì sao có sự giống nhau và khác nhau đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.