Tham dự hội thảo có đại diện các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường THPT, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Tình trạng bạo lực học đường là một thực trạng đáng lo ngại và đang có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù ngành giáo dục Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, chú trọng xây dựng văn hóa trường học nhưng thời gian gần đây, các vụ việc vi phạm vẫn xảy ra.
Hội thảo đã cùng nhau nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng cũng như nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay, và đưa ra các giải pháp, đề xuất để hạn chế.
Trong đó, cần nhìn nhận lại thế nào là bạo lực học đường, vai trò, trách nhiệm của nhà trường đối với vấn đề này như thế nào. Bởi mọi vấn đề đều liên quan đến giáo dục, nhưng trường học lại là phạm vi nhỏ hơn. Và để giải quyết được thực trạng này, không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự phối hợp với các ban, ngành khác và toàn xã hội.
Riêng đối với các nhà trường, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh; Cần có bộ phân quản sinh trong mỗi trường học; Đưa giáo viên có chuyên môn về tâm lý giáo dục để làm cầu nối và giải tỏa những vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi học trò; Phối hợp chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường – phụ huynh – học sinh.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại một số quan niệm giáo dục truyền thống để phù hợp với bối cảnh hiện tại, giáo dục bằng tình thương, trách nhiệm…, thay đổi phương pháp kỷ luật học sinh vi phạm.
Để các biện pháp trên mang lại hiệu quả, đòi hỏi các nhà quản lý, giáo viên, các ban ngành khác vận dụng linh hoạt, phù hợp và đặc biệt là ý thức của bản thân các em học sinh.