Cho con đi trải nghiệm nếm mùi "lao động" là hiện tượng mới nổi lên vài năm gần đây mà một bộ phận phụ huynh sống ở thành thị áp dụng, phần để con bớt mải chơi game thái quá, phần để con nhận ra giá trị của đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt.
Dạy con về giá trị đồng tiền
Ở thành thị, nhiều bậc phụ huynh đang cố tìm cách dạy kỹ năng sống rất thực tế cho con (những điều không có trong sách vở và trong bài giảng của thầy, cô giáo ở trường). Chị T.H.Minh (Ba Đình, Hà Nội) kể, cậu con trai (tên Q) năm học 2018 - 2019 sắp tới mới vào lớp 10, nhưng từ lâu cậu bé đã có thói quen ghi chép lại những điều trải qua trong cuộc sống hàng ngày.
Vì kết quả học tập tốt, thi kết quả tốt, đạt được mục tiêu vào học ở trường THPT mà Q và gia đình mong đợi, nên Q được bố mẹ thưởng chuyến nghỉ mát ở biển ngay trong mùa hè. Q tỏ ra khá hài lòng với những cố gắng của bản thân mà cậu viết lại trong cuốn sổ ghi chép rằng đó là "thành tích nho nhỏ".
Tuy nhiên, sau khi cả nhà đi nghỉ mát vui vẻ mừng Q thi đạt nguyện vọng vào lớp 10, trở về với thành phố ồn ào và náo nhiệt, trước khoảng thời gian nghỉ hè dài, bố Q muốn sắp xếp cho con trai 15 tuổi có một trải nghiệm về lao động. Quán cà phê mà chủ là bạn của gia đình chị Minh khá đông khách và chồng chị đã chọn làm nơi trải nghiệm thực tế cho cậu con trai vừa học xong lớp 9 hiểu thế nào là lao động theo cách “giản đơn” nhất.
Vào một buổi sáng Chủ nhật của tháng hè đầu tiên vừa tạm biệt cấp 2, bố Q gọi dậy thật sớm để bắt đầu ngày đầu tiên trải nghiệm cảm giác “đi làm”.
“Thành phố đã bắt đầu thức giấc, chúng tôi đi qua đường Phạm Hùng... Quán hiện ra trong cảnh sáng sớm tinh mơ, gợi ra sự yên bình sẽ đến” - cậu bé yêu thích viết lách mô tả cảm giác hào hứng với ngày đầu tiên "đi làm" như người lớn.
Cậu bé Q tả lại: “Ngày làm việc bắt đầu bằng việc kê ghế, trải khăn, phủi bàn và lau kính. Chỉ chưa đến một dòng nhưng xin hãy hiểu là nó không hề dễ dàng như bạn nghĩ. Cả một quán cà phê, dù bé thôi (40 - 50 bàn) nhưng vẫn khiến người ta phải đau lưng, mỏi gối, tê tay”. Sau màn lau dọn, Q phải đứng ngoài cửa quán để canh khách và đến 7 giờ thì Q được ăn sáng.
“Nghiệp vụ” phục vụ quán cà phê mà con chị Minh phải làm “không nhiều”, “không quá nặng nhọc” với cậu bé 15 tuổi lanh lợi, nhưng cậu cũng phải thừa nhận là “khá nặng nhọc”, dù chỉ học cách bưng bê, cách chào mời, cách lôi kéo khách gọi món và cả cách để đứng 8 tiếng 1 ngày không bị mỏi chân...
Mồ hôi hòa nước mắt
Cho con đi trải nghiệm nếm mùi “lao động” là hiện tượng mới nổi lên vài năm gần đây mà một bộ phận phụ huynh sống ở thành thị áp dụng, phần để con bớt mải chơi game thái quá, phần để con nhận ra giá trị của đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt.
Chị H.L.Phương (cán bộ quản lý chuỗi nhà hàng Âu nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành phố) trao đổi với PV Báo GD&TĐ rằng đúng là: “Mấy mùa hè gần đây nhiều phụ huynh cũng ngỏ ý xin cho con vào làm thêm tại hệ thống cửa hàng của công ty ở vị trí nhân viên phục vụ bàn. Họ hầu như luôn đề cập đến việc không cần thù lao, chỉ cần những đứa trẻ 14, 15, 16 tuổi có được trải nghiệm ý nghĩa trong dịp hè”.
Không xin được cho cậu con trai ham mê game làm thêm ở hàng cà phê, bị các chủ quán từ chối vì cậu bé mới vừa học xong lớp 8 dù cao lớn hơn lứa tuổi, nhưng còn quá non nớt để đi làm công ăn lương, anh D.M.Hưng (Giải Phóng, Hà Nội) nhờ một người nhà bán cơm bình dân và phở ở thị xã Sơn Tây cho con trai anh được “cắm” trại hè 10 ngày tại quán.
Vì con anh Hưng đã qua lại quán ăn của nhà người họ hàng nhiều rồi, nên khi bố mẹ ngọt lời đi làm thêm cho vui mấy ngày hè, cậu bé thích thú đồng ý ngay, dù chưa hình dung ra công việc thực sự không đơn giản như bê một bát phở ra bàn ăn cho khách.
Giữa đợt Hà Nội nắng nóng, vợ anh Hưng có vẻ nhụt chí về chuyện cho con trai đến nhà họ hàng lao động, sợ con khổ. Nhưng anh Hưng hỏi ý kiến con trai thì cậu bé vẫn dứt khoát “con đi làm để kiếm tiền tiêu riêng, con cần mua một số thứ...”. Nhìn con quyết tâm đi lao động kiếm tiền, hai vợ chồng anh Hưng nhìn nhau mừng thầm, dù từ bé cu cậu đã được chiều hết nấc, chẳng phải động chân động tay làm việc nhà bao giờ, kể cả rửa bát, quét nhà còn chưa biết làm.
Nhưng người họ hàng nổi tiếng nghiêm khắc trong họ đã quả quyết với anh Hưng, sẽ “dạy dỗ” cậu con anh chu đáo, để chỉ sau 10 ngày cu cậu không chỉ biết làm việc nhà, không chỉ tự lo được cho bản thân những sinh hoạt đơn giản, mà còn biết phục vụ và chia sẻ cực nhọc với người khác. Thế là cu cậu sẽ xa rời được những trò game yêu thích trên máy tính nhiều ngày đây! Vợ chồng anh Hưng chắc mẩm.
Lái chiếc ô tô sang trọng đi một quãng đường hơn 40 km từ nội thành Hà Nội, anh Hưng đưa con trai đến gửi nhà họ hàng. Ngay khi đặt chân đến quán, bác chủ quán cũng là người họ hàng đã nhắc nhở con anh Hưng: “Không có chuyện khóc đòi về nhà vì nhớ nhà đâu nhé! Đàn ông con trai thì phải quyết tâm, đã định làm gì là phải làm đến cùng. Ở đây ăn, ngủ và làm việc với các anh chị nhân viên, cháu sẽ thấy quen ngay ấy mà”.
Nhưng chỉ được đến ngày thứ 4 phục vụ ở quán ăn của người họ hàng, con trai anh Hưng đã gọi điện về kêu than với mẹ: “Con không sợ phải dậy sớm từ 5 giờ đâu. Con cũng không ngại phải chờ hết khách, tận 2 - 3 giờ chiều mới được ăn bữa trưa. Con có thể ngủ cùng các anh chị nhân viên ở cái phòng nóng chảy mỡ chỉ có 2 cái quạt chạy lờ đờ mà kêu như có máy bay lượn qua lượn lại…
Nhưng mẹ có thể cho con về nhà một hôm rồi con lại đi làm được không? Con nhớ phòng của con, nhớ cái điều hòa mẹ mới thay… mát rượi, con nhớ món thịt rang cháy cạnh mẹ làm, hay mai mẹ bảo bố đón con về ăn một bữa gà quay mẹ nấu được không?”. Nghe con trai nói không ngừng nghỉ qua điện thoại, vợ anh Hưng xót con quá, con vừa cúp điện thoại là chị gọi ngay cho chồng mếu máo: “Thôi đưa con về đi anh! Nó không chịu nổi đâu. Để mùa hè sang năm lại cho con đi lao động tiếp”.
(Còn nữa)