6 nguyên tắc dạy con về giá trị đồng tiền

GD&TĐ - Khi dạy con về giá trị của đồng tiền, có lẽ điều mà các phụ huynh lo lắng nhất chính là ranh giới giữa tiền và đạo đức. Để dạy con kiếm tiền, trước hết chúng ta cần phân biệt rõ ràng ranh giới giữa có đạo đức và vô đạo đức trong cách kiếm tiền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh rằng: Với những cách kiếm tiền chân chính, có tiền sẽ là thành công và đem lại nhiều sự thoải mái cho mọi người. Nhưng đồng tiền không chân chính sẽ là con đường đưa người ta đến tù tội và cao hơn. Để làm rõ với trẻ điều này, cha mẹ nên áp dụng một số nguyên tắc sau:

Không chấp nhận đồng tiền "không sạch"

Để làm được việc này để thành tấm gương tốt cho con cái, cha mẹ phải dũng cảm từ chối những đồng tiền mà chạm phải vấn đề lương tâm hoặc pháp luật. Nói không với những đồng tiền không trong sáng, trẻ sẽ học được thái độ đó từ cha mẹ và sẽ biết nên làm gì khi bị cám dỗ.

Không "thuê" con làm việc nhà

Không trả tiền cho con khi chúng làm việc nhà là một nguyên tắc quan trọng. Biến việc nhà thành những công việc kiếm ăn của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy không cần có trách nhiệm với gia đình. Chúng sẽ nghĩ, việc gia đình là việc của bố mẹ, khi nào bố mẹ trả tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Điều đó cũng sẽ khiến con cảm thấy hoang mang trước ranh giới tiền và đạo đức.

Nếu chúng ta vạch ra thật rõ ràng ranh giới: việc gì cần làm, cần cống hiến cho cộng đồng, cho gia đình, cho những người thân yêu và việc gì làm để kiếm tiền thì trẻ sẽ noi theo dễ dàng hơn.

Trẻ cần được ưu tiên học hơn là kiếm tiền

Khi con đang trong tuổi đi học, cha mẹ nên hướng con ưu tiên việc học tập hơn là việc kiếm tiền. Nếu con có những hành vi vi phạm điều này, một hình phạt đủ nặng sẽ khiến con phải dừng bước trước barie chắn giữa niềm khao khát kiếm tiền và sự tích lũy kiến thức cũng như kĩ năng sống.

Không lợi dụng con để kiếm tiền

Đã có không ít các cha mẹ đặc biệt là các cha mẹ có con "thần đồng" đã đem con ra để kinh doanh. Tuổi thơ của các cháu bị ảnh hưởng không ít, đồng thời trẻ sẽ dễ dàng coi thường cha mẹ, coi thường người lớn và tương lai chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cha mẹ khó khăn, vất vả cũng ráng sức làm việc cho tốt. Đừng đặt bài toán kiếm ăn trước mặt con, bài học về tiền nếu không hợp lý sẽ thành "lợi bất cập hại".

Đừng bao giờ tỏ ra đáng thương

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ huynh cũng đừng lấy gia cảnh của mình ra để đổi lấy lòng thương hại của người khác. Khi trẻ thấy việc kiếm tiền trở nên dễ dàng bằng cách chỉ cần rên rỉ, khóc lóc, kể lể sự vất vả khó khăn, trẻ sẽ coi đó là việc rất hay, rất nên làm. Đương nhiên, trẻ sẽ không biết thương tiếc những đồng tiền đó mà sẽ có nhiều hành vi thiếu nghiêm túc, tạo ra nhân cách xấu cho trẻ.

Đừng dễ dàng cho tiền con

Tiền sẽ làm hư trẻ chỉ ở trong trường hợp trẻ quá dễ dàng có tiền mà không đổ chút mồ hôi công sức nào. Lúc này, trẻ coi thường tất cả, công sức của cha mẹ, giá trị lao động và giá trị cuộc sống. Vì thế, hãy để trẻ tìm hiểu giá trị đồng tiền bằng công thức khó khăn hơn một chút, bằng những việc làm phù hợp với sức lực và lứa tuổi.

"Dạy con trẻ sớm tự lập, có ý thức phụ giúp gia đình bằng các việc làm đem lại thu nhập là điều đáng quý. Đó là bước đi đầu tiên giúp trẻ trưởng thành trong suy nghĩ, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên để con quá sa đà vào công việc mà sao nhãng việc học tập.

Bằng việc giáo dục tài chính từ nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn con đường tiến tới thành công trong tương lai cho con cái mình. Để việc dạy con về đồng tiền sớm đem lại những lợi ích tốt đẹp, cha mẹ chỉ cần luôn dùng tình yêu thương và trách nhiệm để đồng hành cùng con trên mọi bước đường cuộc sống!". - TS. Vũ Thu Hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ