(GD&TĐ) - Ngày 3/6, QH thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Buổi thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên cả nước.
Không có cơ sở để phải đổi tên nước
Báo cáo tổng hợp của Thường vụ QH về kết quả thảo luận tại tổ của các ĐBQH về Dự thảo cho biết: Nhiều đại biểu cho rằng giữ nguyên tên nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng CNXH và phát triển đất nước, bảo đảm tính ổn định. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (CHXHCN VN) đã quen thuộc với nhân dân VN và bạn bè quốc tế.
ĐB Trần Văn Tư (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc đổi tên nước, nhưng quan điểm phổ biến vẫn là giữ nguyên. Chẳng hạn, cử tri Đồng Nai có 700.000 ý kiến góp ý cho sửa đổi tên nước nhưng duy nhất chỉ có một ý kiến đề xuất lấy tên gọi là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên gọi CHXHCN VN là thời khắc lịch sử đấu tranh của cả dân tộc và được kiểm nghiệm hơn 30 năm qua chứ không phải ngẫu nhiên mà có. “Không có cơ sở thì không nên đổi tên nước vì việc đổi tên sẽ gây ra xáo trộn không cần thiết” - ĐB Trần Văn Tư nhấn mạnh.
Đồng tình, ĐB Trương Thị Thu Trang (Đoàn Tiền Giang) cũng khẳng định không nên đổi tên nước để đảm bảo tính ổn định của mục tiêu phát triển, xây dựng CNXH.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) phát biểu ý kiến thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp |
Nhất trí giữ nguyên Điều 4
Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng là nội dung thu hút sự tham gia nhiều nhất của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại Hội trường ngày 3/6. Đa số các đại biểu tán thành và nhất trí giữ nguyên Điều 4 như Dự thảo đã công bố.
“Đảng CSVN là đảng cầm quyền. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN là tất yếu và phù hợp với quy luật lịch sử từ trước tới nay” - ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) khẳng định. Theo ông, Đảng có vai trò to lớn đối với đất nước từ khi ra đời cho đến nay: Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 đến những thành tựu to lớn của đất nước hiện nay đều có vai trò to lớn do Đảng lãnh đạo.
ĐB Huỳnh Thế Kỷ (Đoàn Ninh Thuận) bổ sung: Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp. Vì vậy không thể phủ nhận vai trò của Đảng CSVN.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Thị Huệ (Đoàn Thái Nguyên) đề xuất Dự thảo cần làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Cơ chế này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng.
Không thu hồi đất vì các dự án phát triển kinh tế, xã hội
Một nội dung khá quan trọng khác của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được nhiều ĐBQH cho ý kiến là vấn đề về sở hữu đất đai và thu hồi đất, được quy định tại dự thảo Hiến pháp (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo tiếp tục khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là hợp lý.
Theo ĐB Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc), trong tình hình hiện nay việc quy định đất đai, các tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân là quy định phù hợp. Sở hữu đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến chính trị xã hội. Do đó, việc quy định đa sở hữu đất đai trong tình hình hiện nay chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội.
Ông đề nghị chỉ thu hồi đất đối với ba trường hợp: Quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Không quy định thu hồi đất vì lý do là các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Quy định này nhằm ngăn chặn việc thu hồi đất tràn lan, không hiệu quả và gây nhiều bức xúc cho nhân dân như thời gian vừa qua.
Ngay trước các quy định về sở hữu đất đai và thu hồi đất là quy định về vị trí của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp. Đây cũng là nội dung vẫn còn nhiều băn khoăn từ các đại biểu QH với sự lựa chọn khác nhau. Trong số 3 phương án Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, rất nhiều ĐBQH bày tỏ sự nhất trí với phương án 3: Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Theo đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam), các thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau và không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, vì kể có thể thiếu và thừa. Tuy nhiên, cũng có ĐB lại đề xuất nên chọn phương án 2 khẳng định tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước để thể hiện được rõ hơn bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN của nền kinh tế.
Hôm nay ngày 4/6, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Khánh Sơn