Trước hết, Chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 9 có nhiều nội dung quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của toàn cầu, trong đó có Việt Nam – và lại ở một thời điểm hệ trọng: Nước ta bước vào năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Điều này đòi hỏi các Đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích thấu đáo, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Số tiền 271 nghìn tỷ đồng Chính phủ đề xuất cho Chương trình này là một nguồn lực khổng lồ và cần thiết cho sự phát triển của vùng cao bởi sau hơn ba thập niên cải cách và mở cửa, “lõi nghèo” đang dồn vào vùng này. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn lực này còn phụ thuộc vào việc các đại biểu có tìm ra lời giải để vùng miền núi thể hiện được hết các tiềm năng và nguồn lực, qua đó đưa vùng này phát triển hay không!
Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch và bình đẳng hơn. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia - chuẩn bị cho “ngày hội non sông” vào năm tới....
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ ghi một dấu mốc quan trọng trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bằng việc xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng là động lực để xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch để thu hút được nhiều các nhà đầu tư đến từ EU.
Sự “đặc biệt” của Kỳ họp thứ 9 còn ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn Đại biểu Quốc hội không họp trực tiếp như truyền thống mà thực hiện chức năng đại biểu từ xa bằng hình thức họp trực tuyến. Rõ ràng, thích ứng với bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, cụ thể ở đây là sự xuất hiện của dịch Covid-19, là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức. Chẳng hạn, khi trường học đóng cửa, ngành Giáo dục đã triển khai các hình thức dạy học qua Internet để bảo đảm nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh. Bệnh viện cũng bắt đầu áp dụng một phần khám bệnh từ xa. Thương mại điện tử tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ từ trước khi có dịch.
Đối với Quốc hội, hình thức họp trực tuyến là nét mới, một mặt thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội; mặt khác vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của Kỳ họp. Nhìn xa hơn, một hệ thống Quốc hội điện tử (từ việc họp, thảo luận trực tuyến cho đến việc cốt lõi nhất là tăng hiệu quả kết nối, tương tác với cử tri thông qua các ứng dụng công nghệ) cần được xây dựng và phát triển cho một Quốc hội hiệu quả hơn, đại diện tốt nhất cho cử tri trong thời đại số.