Chúng tôi không có tham vọng mổ xẻ ý kiến của người đi trước, chỉ xin ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe khi điền dã bên gốc cây Chu huyền thoại.
Hình ảnh cây Chu trong sử thi Mường
Sử thi Đẻ đất đẻ nước kể: Anh em nhà lang Cun Cần, lang Cun Khương bấy giờ làm “vua kẻ Sang, lang kẻ Chợ”, giàu có, thịnh vượng. Một hôm, gặp đàn kiến.
Chúng chê nhà lang muôn đời chẳng bao giờ giàu bằng chúng, không thể biết tới cây Chu đồng, cội nguồn của sự giàu sang. Anh em nhà lang lập tức sai người trong các Mường bản đi tìm kiếm, mãi mà không biết cây ở đâu.
Rồi họ phát hiện, trong Mường có tay thợ săn nghèo đói là Tặm Tạch bỗng dưng giàu có hơn gấp bội. Anh em lang gọi Tặm Tạch đến định đánh cho một trận, bắt khai ra nguyên cớ nào mà giàu hơn cả lang.
Sau nghĩ lại, lang chuốc rượu cho thật say, khiến Tặm Tạch kể hết các bí mật mà chàng đã thề phải giữ kín. Trong lần đi săn, chàng tình cờ được các loài muông thú giúp đỡ mà tìm thấy cây Chu ở đồi Lai Li Lai Láng của Mường Ống, chỉ đem về hai quả Chu mà giàu có vậy.
Hôm sau, nhà lang tập hợp dân các Mường, sai Tặm Tạch dẫn đường đi tìm cây Chu. Trót có lời hứa không để lộ bí mật, nên nhà cửa Tặm Tạch bỗng lại nghèo xơ xác, nhưng vẫn đành ngậm ngùi dẫn lang đi. Đó là một cuộc viễn chinh hoành tráng vượt qua biết bao sông núi trùng điệp để tới đồi Lai Li Lai Láng.
Thấy cây Chu, anh em nhà lang lại muốn dân Mường chặt cả cây đem về cho mình, để không ai có thể giàu sang hơn họ được nữa. Dùng lưỡi rìu to bằng tấm ván thuyền mà chặt, nhưng chặt mãi mà cây không đổ, vết chặt hôm sau tự nhiên lành lại.
Sau, phải lấy máu của Tặm Tạch bôi vào rìu thì mới chặt được. Cây đổ nằm không nhúc nhích, phải lấy xương của Tặm Tạch làm đòn bẩy, kê làm đà trượt để vận chuyển cây ra sông Mã.
Hành trình chuyển cây Chu xuôi sông Mã về Đồng Chì tam quan kẻ Chợ cũng kỳ vĩ không kém, với rất nhiều gian khổ, hy sinh. Có cây Chu, nhà lang trở nên giàu có. Họ dùng cây Chu dựng nên nhà lang, biểu tượng cho sự phồn thịnh cực đỉnh của bản Mường...
Muốn giải mã những bí ẩn phía sau những câu chuyện lấp lánh ấy, chúng tôi không chỉ ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, điền dã quanh không gian văn hóa Lai Li Lai Láng, mà còn vượt dốc tìm đến ngọn đồi có gốc cây Chu huyền thoại. Tại sao sự thịnh vượng của tất cả Mường bản lại phụ thuộc vào một dải núi đồi nằm bên bờ sông Mã này?
Các nhà nghiên cứu nói gì về cây Chu?
Nhà thơ Vương Anh, người có công sưu tầm và biên dịch pho sử thi đồ sộ Đẻ đất đẻ nước từ năm 1976 đã giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về cây Chu.
Bản thân ông cũng đã lăn lộn trên miền đất này. Khi còn là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, ông từng lập sa bàn khu vực đồi Lai Li Lai Láng, xây dựng kế hoạch mở tuyến du lịch văn hóa theo các địa danh “Đẻ đất đẻ nước” kết hợp ở Thanh Hóa và Hòa Bình.
“Tôi từng cùng các nhà nghiên cứu văn hóa Việt lừng danh như Niculin (Liên bang Nga), Sugino (Nhật Bản)... đến đồi Lai Li Lai Láng. Giáo sư, tiến sĩ Đông phương học Niculin có lần trao đổi với tôi về cái gốc của “cây Chu đá, lá Chu đồng, bông thau, quả thiếc” trong sử thi Đẻ đất đẻ nước, rằng: Núi không bao giờ câm lặng, núi có cuộc đời, núi có hơi thở, núi có kho tàng trên nghĩa báu vật, núi có mặt trên thế gian này như một nhân chứng vĩ đại. Cái núi Lai Li Lai Láng ở tận Mường Ống Việt Nam xứng đáng là núi Thần, núi Mẹ. Núi đồi biết hóa thân đẻ ra cái gốc của một sử thi Mường Việt...” - Ông Vương Anh chia sẻ.
Trong lời giải thích về cuốn Mo – Sử thi và thần thoại của dân tộc Mường do ông Vương Anh chủ biên, ông Phan Đăng Nhật cho rằng: “Hình tượng cây Chu đồng đánh dấu sự ra đời của kim loại, sự xuất hiện giai cấp và cùng với nó là những bi kịch xã hội”.
Cũng tại cuốn sách đó, GS.TS, NGND Phan Hữu Dật có hướng suy nghĩ khác: “Chu là cây dâu gia đất. Nhưng ở đây nghĩa là cội nguồn của cây rừng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Cây Chu là cây thần, tượng trưng cho sự tôn kính, cây lâu năm đã được coi như con người”.