Bằng tình yêu thương trẻ, các thầy, cô ở đây đã vượt qua được mặc cảm, kỳ thị của xã hội để đến với nhóm trẻ, nuôi dạy nhiều lứa học sinh có hoàn cảnh bất hạnh hoàn thành bậc tiểu học, tiếp tục học lên cao để có văn hóa, kiến thức phấn đấu hòa nhập cộng đồng.
Dạy học bằng cả tình thương và trách nhiệm
Trường Tiểu học Yên Bài B (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) cách Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội chỉ một quả đồi chè. Trường núp bóng dưới dãy cây bàng và trong đồi chè xanh biếc, nên thơ. Trước thềm năm học mới, nhà giáo Phùng Hải Nam - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trường đang đón nhận 18 trẻ nhiễm HIV của cơ sở 2 học hòa nhập từ lớp 1 - 5. Các cháu đều là những mảnh đời bất hạnh, đa phần là mất cả bố lẫn mẹ, chỉ còn lại người thân trong họ hàng gửi vào cơ sở 2 nên rất cần tình thương yêu của các thầy cô ở trường và các thầy cô, bằng tình yêu thương con trẻ của mình đã bù đắp cho các con những tình cảm đó.
Trong năm học vừa qua 2017 - 2018, tuần 2 buổi học sinh lớp 5 được đưa từ cơ sở 2 đến trường vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần. Với lý do là vào thứ Hai, các cháu sinh hoạt dưới cờ và thứ Sáu sinh hoạt lớp. Các trẻ từ lớp 1 - lớp 4 chỉ sinh hoạt vào thứ Hai đầu tuần. Song song với các buổi học tại trường, các ngày khác, trẻ được các thầy cô chuyên trách vào tận cơ sở để dạy học văn hóa.
Nói về những nhọc nhằn khi dạy học cho nhóm trẻ nhiễm HIV, cô Phùng Thị Thúy Hà người gắn bó với nhóm trẻ 11 năm, chia sẻ: Có rất nhiều khó khăn do xã hội kỳ thị trẻ nhiễm HIV, bản thân trẻ thì ít em còn bố mẹ, người thân, đồng thời độ tuổi của trẻ cũng không đồng đều. Không phải cứ đến tuổi nào là các trẻ được chuyển vào lớp cùng độ tuổi. Vì có trẻ 6 tuổi học lớp 1 tiểu học đúng độ tuổi nhưng có trẻ do trước đó không được đi học nên 12, 13 tuổi trẻ vẫn phải học từ lớp 1 cùng với trẻ đúng độ tuổi...
Cô phân tích: Do sức khỏe của trẻ nhiễm HIV không được khỏe mạnh nên không thể chơi đùa thoải mái như những đứa trẻ bình thường được. Hàng ngày, trẻ phải uống thuốc ARV đúng giờ, sinh hoạt có chừng mực theo sự cho phép của nhân viên y tế...
Trường Tiểu học Yên Bài B, nơi có nhiều trẻ nhiễm HIV đang theo học hòa nhập |
Phương pháp dạy học đặc biệt của người mẹ thứ 2
Quan sát bằng mắt thường, trẻ nhiễm HIV trông vẫn bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng theo cô Phùng Thị Thúy Hà, khi dạy học, các cô phải dựa trên mức độ sức khỏe, sắc mặt hàng ngày của trẻ, chọn những những bài học, hoạt động cơ bản nhất để dạy cho trẻ.
Ví dụ có 5 bài cần học thì chỉ dạy những bài học cơ bản nhất cho trẻ, nếu dạy hết thì các em khó có thể tiếp thu. Hoặc như các cô phải linh hoạt trong PPDH, cường độ giảng dạy, vừa dạy vừa dựa theo thời tiết, nếu hôm nào trái gió trở trời, thay đổi thời tiết, trẻ nhiễm HIV sẽ rất mệt mỏi, các em mệt mỏi bò ra cả bàn, giáo viên phải cho các em thư giãn, nghỉ ngơi, trò chuyện để trẻ khỏe hơn mới dạy tiếp. Nói chung là không có PPDH nào sẵn có để áp dụng cho trường hợp dạy trẻ nhiễm H.
“Nhìn các em nhỏ nhiễm HIV những lúc được đến trường học với các bạn cùng lớp, các em hào hứng muốn kết thân với các bạn trong lớp, tình thương, lòng trắc ẩn của mình lại nhen lên. Những lúc ấy đã tiếp thêm ngọn lửa cho bản thân khi được giao nhiệm vụ dạy trẻ nhiễm HIV. Càng tiếp xúc thường xuyên với trẻ, càng thương trẻ hơn, có nhiều đồng cảm, chia sẻ với các con hơn” - cô Hà xúc động chia sẻ.
Những ngày hè, các cô đều đặn tuần 3 buổi vào cơ sở 2 dạy học hè cho trẻ nhiễm HIV, tháng 8 tựu trường, học sinh được học đều đặn 5 buổi/ tuần. Đối với trẻ ở đây, phải được học ôn dần dần để không quá sức cho trẻ. Gần năm học mới, nhà trường cũng đã đề nghị đơn vị nuôi dưỡng các em chuẩn bị đầy đủ SGK, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục để học sinh của cơ sở 2 có đầy đủ hành trang như các bạn bước vào năm học mới.