Kỳ 1: Mong đến trường sớm
Chuẩn bị hành trang đến trường
Trong khuôn viên xanh ngát của cơ sở 2 có đầy đủ lớp học theo nhóm lớp, nhóm độ tuổi. Lớp học do các tổ chức xã hội và nguồn ngân sách Nhà nước chung tay xây dựng. Trong các khu nhà Thỏ Đế, Dế Mèn, Hướng Dương, Hoa Mai là trẻ mầm non các độ tuổi đang chơi đùa, tập múa hát, vẽ tranh hoặc chơi các trò chơi. Ở đây còn có hẳn một dãy nhà lớp học nép mình dưới vườn cây xanh mát với 4 phòng học và đầy đủ trang thiết bị dạy học. Trong lớp học, các cán bộ tư vấn giáo dục đang hướng dẫn bọn trẻ bọc sách vở mới còn thơm nguyên mùi giấy mới, mực in. Nhìn bọn trẻ mồ hôi nhễ nhại, hào hứng đón nhận những quyển sách lớp 1, 2 rồi về bàn học ê a đánh vần mà nao lòng.
“Nếu điều trị tốt thì người nhiễm HIV có thể có cuộc sống khá lâu dài như lịch sử bệnh này đã chứng minh và họ đều có quyền làm việc, được sống như những công dân bình thường. Trách nhiệm của xã hội là tạo điều kiện bình đẳng cho các cháu được học tập và đóng góp cho xã hội khi họ còn sức lao động và mong muốn được kiếm sống bằng sức lao động của mình” - ông Giang chia sẻ.
“Các cháu tuy mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng về mái nhà chung này, các cháu được chăm sóc y tế, được ăn, được học như những đứa trẻ bình thường khác” - ông Phạm Đình Giang - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội - chia sẻ. Cơ sở 2 tiếp nhận các cháu nhiễm HIV từ mọi miền của Tổ quốc. Đa phần các cháu đều không còn bố mẹ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện trong số hơn 70 trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây, có 64 trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Nhiều cháu đã quá tuổi phổ cập, phải học hòa nhập.
Để chuẩn bị cho năm học mới, đến thời điểm này, thành phố đã hỗ trợ cơ sở vật chất, sách, bút, vở. Các tổ chức có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ trang phục, SGK, sách tham khảo, đồ dùng cá nhân khác cho trẻ. Ngoài ra, đơn vị còn tự liên kết với nhiều tổ chức hỗ trợ xe đạp cho trẻ học THCS. Phương châm của thành phố là trong độ tuổi còn đi học, phải bằng mọi cách trang bị kiến thức kỹ năng cho trẻ để trẻ đi học, tái hòa nhập cộng đồng. Có những trẻ quá tuổi phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vẫn phải học lớp 1 để hoàn thành cấp tiểu học. Sau bậc THCS, trẻ nào có đủ sức khỏe, có học lực thì tiếp tục động viên các cháu học tiếp THPT để sau này dễ bề học chuyên nghiệp. “Nếu không tiếp tục học THPT trẻ được học nghề” - ông Giang khẳng định.
Nỗ lực hòa nhập cộng đồng
“Tại cơ sở 2, mỗi cháu một hoàn cảnh éo le nhưng có chung một điểm là trước khi vào đây các cháu bị gián đoạn ít nhiều thời gian đi học. Do vậy về đến cơ sở, các cháu được trường tiểu học nơi cơ sở 2 đứng chân là Trường Yên Bài B vận động ra lớp để đảm bảo độ tuổi phổ cập và tái hòa nhập” - ông Giang cho biết. Nhiều năm trước, từ 2006 - 2007, việc đưa trẻ từ đơn vị đến trường học hòa nhập với cộng đồng vô cùng khó khăn vì người dân hết sức kỳ thị với những người nhiễm HIV. Họ có cái nhìn rất thiếu thiện cảm với nhóm trẻ ở đây ra trường để học hòa nhập. Có người còn chuyển con, em mình sang trường khác học để phản đối việc cho học sinh cơ sở 2 theo học tại Trường Tiểu học Yên Bài B. Phản đối của người dân lên đến đỉnh điểm khi họ cho rào đường từ cơ sở 2 ra trường học để không cho nhóm trẻ nhiễm HIV đến trường.
Trước những khó khăn như vậy, từ năm học 2012 - 2013, đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng học để các trẻ học tập tại chỗ. Từ đó đến nay, học sinh cấp tiểu học được học tại đơn vị, nhà trường bố trí 3 giáo viên chuyên trách vào giảng dạy tại cơ sở 2, có tiết các giáo viên dạy ở đây phải thực hiện dạy lớp ghép, kiểm tra các nhóm độ tuổi và năng lực tiếp thu của các em để tiến hành ghép lớp 1+2, 3+4 và lớp 5. Các giáo viên được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố chi trả lương, phụ cấp đứng lớp ghép, phụ cấp khác theo chế độ hiện hành. Mỗi tuần 1 buổi, các em chỉ ra trường để sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 hàng tuần.