Biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả. Nhất là đối với mỗi nhà trường, nơi có một lực lượng rất đông, các em đều đang ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đang trong quá trình hình thành nhân cách và hoàn thiện thể lực là những đối tượng rất đáng quan tâm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, vì thế công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cần được đặc biệt chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Hơn hết chính đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục phải trang bị cho học sinh những kiến thức về HIV/AIDS cũng như các biện pháp phòng chống lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
Đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 5532/BGDĐT-CTHSSV của Bộ GD&ĐT về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016, với chủ đề hưởng ứng: “Hướng tới mục tiêu 90 – 90 - 90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
Trong đó tập trung vào triển khai chiến dịch cao điểm về truyền thông, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của nhà trường về Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên; truyền thông vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học hòa nhập với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV.
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS như Lễ ra quân phát động, Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng; các hoạt động tọa đàm, giao lưu về chủ đề HIV/AIDS, trưng bày, triển lãm, ca nhạc hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử; đặc biệt các mô hình, can thiệp của người nhiễm HIV làm chủ trong phòng, chống HIV/AIDS và giúp nhau trong cuộc sống. Chú trọng đến những người dễ tổn thương, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới và hải đảo.
Gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; tuyên truyền vận động, hướng dẫn họ tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài ra huy động đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường để hình thành những thế hệ tương lai của đất nước một môi trường sống lành mạnh, an toàn.