Và để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì trước hết phải hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020. Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS đòi hỏi không một quốc gia nào có thể giảm bớt nỗ lực phòng, chống AIDS vào lúc này.
Thiệt thòi rơi vào phụ nữ, trẻ em gái
Thái Lan là nước từng chịu sự tàn phá nặng nề của dịch HIV/AIDS nhưng đến nay căn bệnh này đã được khống chế. Có rất nhiều phụ nữ ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm miễn phí khi mang bầu. Việc tiếp cận thuốc dễ dàng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho các bà mẹ mà còn giúp họ sinh ra đứa con khỏe mạnh.
Ở Việt Nam, hình thái dịch đã có sự thay đổi, theo hướng dịch chuyển từ nam sang nữ. Con đường lây truyền chủ yếu chuyển từ tiêm chích ma túy sang quan hệ tình dục không an toàn. Nếu như 10 năm trước đây, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV mới ở mức 10% thì năm 2007 tăng lên trên 24% và hiện nay là 32,4%. Nữ giới nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm tới 50% tổng số ca mắc. Có đến gần 50% phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên. Tỷ lệ này ở nam quan hệ tình dục đồng giới cũng khoảng 63%.
Nữ giới nhiễm HIV gia tăng đồng nghĩa với việc có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra đối diện với nguy cơ mắc bệnh. Với tỷ lệ nhiễm HIV như hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo ThS Nguyễn Lan Hương, Phòng Điều trị chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), điều tra bà mẹ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm và điều trị thuốc ARV cho thấy, cứ 100 bà mẹ được điều trị dự phòng thì chỉ có 7 - 8 trẻ sinh ra nhiễm HIV, đặc biệt nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện điều trị sớm thì cứ 100 trẻ sinh ra chỉ có 3 trẻ nhiễm HIV.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khả năng dự phòng giảm lây truyền mẹ con còn hạn chế do mức độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh thấp, xét nghiệm muộn làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con. Hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chỉ bao phủ được khoảng 60% số bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nhiều phụ nữ sau sinh không tiếp tục đến cơ sở y tế dẫn đến tình trạng mất ấu sau khi sinh con cao gây khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
AIDS không còn biệt lập
Cũng như Việt Nam, tình trạng phụ nữ, trẻ em gái chưa được tiếp cận với các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Ước tính, mỗi ngày trên thế giới lại có thêm 2.000 ca nhiễm HIV mới trong thanh niên, chiếm 1/3 tổng số các ca nhiễm mới, nhưng chỉ có 28% số nữ thanh niên có kiến thức đúng về HIV.
Kết thúc dịch AIDS bền vững phải bắt đầu từ nữ giới, đây là cam kết của các nhà lãnh đạo trên thế giới tại Hội nghị Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Kết thúc đại dịch AIDS vừa diễn ra. Theo đó, các nước cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên đóng một vai trò cốt lõi hơn trong công tác phòng, chống AIDS, thông qua thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và dự phòng lây nhiễm HIV. Các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết gánh nặng về HIV đối với phụ nữ, đặc biệt là nữ thanh niên và trẻ gái vị thành niên ở khu vực tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi.
So với tuyên bố chính trị đưa ra năm 2016, mục tiêu tại hội nghị này quan tâm nhiều hơn đến nữ giới (quyền tình dục, không bị phân biệt đối xử…) thông qua việc đến năm 2020 giảm số nhiễm mới HIV trong trẻ gái vị thành niên và nữ thanh niên độ tuổi 15 - 24 trên toàn thế giới xuống dưới 100.000 ca mỗi năm. Xóa bỏ bất bình đẳng giới, lạm dụng và bạo hành trên cơ sở giới.
Chấm dứt mọi hình thức bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, như bạo hành trên cơ sở giới, bạo hành tình dục, bạo hành trong gia đình và trong các quan hệ bạn tình, bao gồm cả trong môi trường xung đột, hậu xung đột và hoàn cảnh nhân đạo. Khuyến khích và hỗ trợ nâng cao vai trò chủ động của thanh niên, đồng thời mở rộng giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và bảo vệ các quyền con người.
- Để AIDS không còn biệt lập, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia sử dụng cách tiếp cận lồng ghép và tổng hợp nhằm giải quyết một loạt các vấn đề về y tế, bao gồm bệnh lao, viêm gan B và C, ung thư cổ tử cung, u nhú ở người, các bệnh không truyền nhiễm, các bệnh mới xuất hiện và bệnh tái bùng phát.
- Đến năm 2020 giảm 75% số tử vong do lao ở những người nhiễm HIV.
- Phấn đấu đến năm 2020, tiếp cận được 90% những người cần được điều trị lao, bao gồm 90% người có nguy cơ cao, và điều trị thành công cho ít nhất 90% trong số này.
- Đến năm 2020, giảm 30% các ca nhiễm mới viêm gan mãn tính B và C.
- Đến năm 2020 điều trị được 5 triệu người nhiễm viêm gan B mãn tính và 3 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính.