Nhưng thực tế, nhiều bà mẹ đã từ chối cơ hội đem đến cho con mình một sức khỏe, cuộc sống tốt hơn.
Vừa ra đời đã mang bệnh
Theo thống kê của Cục Phòng - chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong quý 1/2018, cả nước ghi nhận trên 2 ngàn người nhiễm HIV mới, trong đó có 454 người tử vong. Trong số người nhiễm HIVmới được phát hiện có không ít là phụ nữ đang mang thai.
ThS Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết: Năm 2017, cả nước có hơn 2,7 triệu phụ nữ mang thai, trong đó có gần triệu phụ nữ mang thai sinh con. Có khoảng 50% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 1,1 ngàn phụ nữ mang thai dương tính với virus HIV.
Theo ThS Lan Hương, trong số phụ nữ mang thai làm xét nghiệm tầm soát HIV, có 53% thực hiện xét nghiệm trong khi mang thai và 47% thực hiện khi có dấu hiệu chuyển dạ. Con số trên nói lên nhiều điều: Vẫn còn 50% trong tổng số các bà mẹ mang thai ở nước ta không biết mình có mắc bệnh hay không. Họ cũng không được tầm soát bệnh trong suốt thời gian mang thai và khi đẻ.
Với người có làm xét nghiệm, nếu chủ động thực hiện trong quá trình mang thai sẽ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời giảm gần tuyệt đối khả năng truyền bệnh cho con. Với người xét nghiệm khi chuyển dạ đã bỏ lỡ cơ hội điều trị trước đó nhưng cũng được thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền mẹ con trước, trong và sau đẻ. Tuy nhiên, với nhóm này, tỷ lệ tuân thủ điều trị, kiểm soát bệnh cho hai mẹ con không cao do sinh xong họ về nhà, không để lại địa chỉ cụ thể để theo dõi, giám sát nên gần như… mất dấu.
Trẻ chịu hậu quả
Cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, hiện bệnh do virus HIV có thuốc điều trị dự phòng giúp người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh nếu tuân thủ phác đồ điều trị, sinh hoạt khoa học, hợp lý.
Tính đến tháng 3/2018, có 1.828 trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, có 1.817 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đã điều trị dự phòng. 2 tháng sau sinh, qua xét nghiệm có 15 trẻ dương tính với HIV. Như vậy, việc điều trị dự phòng bằng thuốc đã giúp hàng ngàn trẻ tránh được căn bệnh trên.
Tuy nhiên, so với số lượng phụ nữ mang thai mỗi năm, số người chủ động dự phòng lây nhiễm cho con không nhiều. Hơn nữa, việc điều trị bỏ dở giữa chừng hay từ chối điều trị của người mẹ là nguyên nhân chính khiến mỗi năm cả nước vẫn ghi nhận xấp xỉ 200 trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ khi chào đời. Với những trẻ này, sức khỏe, cuộc sống và tương lai của các em chắc chắn sẽ gập ghềnh, chông chênh hơn những trẻ khác.
Trẻ không được dự phòng lây nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, không tiếp tục được điều trị sau khi chào đời cũng cho thấy những rào cản trong quá trình tiếp cận với dịch vụ mà người dân gặp phải. Hơn nữa, việc theo dõi, chuyển tiếp phụ nữ mang thai nhiễm HIV dương tính và con của họ sang cơ sở điều trị còn phức tạp khiến nhiều người ngại tiếp cận.
Đây là lý do chính khiến cho chương trình dự phòng lây nhiễm mẹ con dù được chứng minh đem lại hiệu quả cao trong việc giảm tình trạng truyền bệnh từ mẹ sang con nhưng chưa đến được với tất cả phụ nữ mang thai, chưa giúp phụ nữ mang thai hiểu được tầm quan trọng của việc làm này để chủ động thực hiện các xét nghiệm.
- Năm 2010, tỷ lệ dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm 2 tháng sau sinh của trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là 10,8%. Con số này của năm 2017 giảm xuống còn 1,8% nhờ dự phòng lây truyền mẹ con.
- Để 100% thai phụ được dự phòng lây truyền HIV mẹ con, Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cùng Bộ Y tế triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ 1-30/6. Với chủ đề Xét nghiệm HIV sớm - hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020 nhằm đem lại cơ hội sàng lọc, điều trị bệnh cho tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh.