Kỳ 2: Đi vào cuộc sống

Kỳ 2: Đi vào cuộc sống

(GD&TĐ) - Công nghệ giáo dục (CGD) trước khi vào đại trà đã được kiểm chứng qua thực tiễn, chắc chắn ở từng công đoạn, đạt độ tin cậy mới đưa vào nhà trường.

->> Phương pháp “thầy thiết kế - trò thi công”

Thầy thiết kế, trò tự thi công trong học tập
Thầy thiết kế, trò tự thi công trong học tập
 

Năm học 1978 - 1979 thành lập Trường Thực nghiệm Hà Nội.

Năm học 1985 – 1986, khi mô hình thực nghiệm đã ổn định, có kết quả, Bộ GD&ĐT bắt đầu từng bước đưa hình mẫu này về địa phương.

Năm học 1989 - 1990 có 22 tỉnh, thành phố tiếp nhận CGD cho hơn 1.000 lớp với 40.000 học sinh.

Theo báo cáo tổng kết 25 năm thành lập và triển khai CGD, tính đến 2003, CGD đã được 43 tỉnh và thành phố đón nhận. Hàng trăm nghìn học sinh học theo phương án này cho thấy một bức tranh thực hiện chương trình này trên phạm vi cả nước ngày càng lan tỏa, rộng khắp. Thành phố Hải Phòng triển khai đại trà 100% các trường tiểu học. Thành phố Hồ Chí Minh đã có 21/22 quận huyện, 208/436 trường với gần 70 ngàn học sinh học Tiếng Việt, Văn và Giáo dục Lối sống chương trình CGD.

Nhiều đánh giá tích cực của địa phương về chương trình CGD nói chung, chương trình Tiếng Việt 1 nói riêng. Không chỉ là vấn đề học chữ, CGD đã làm thay đổi quan hệ giữa con người với nhau, trước hết là giữa thầy và trò, sau là giữa nhà trường với gia đình và nói chung làm cho mọi quan hệ trở nên lành mạnh, tự nhiên.

Tổng kết 20 năm thực nghiệm, Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận định:

“Nắm được bản chất kiến thức và có tư duy lôgic, học sinh thực nghiệm hoàn toàn có khả năng xử lí tốt các kĩ năng đọc, nói, viết, làm toán thành thạo, có tốc độ nhanh và chắc chắn. Đáng kể hơn là sự phát triển toàn diện của học sinh về nhân cách: Chăm ngoan, học giỏi, có lòng nhân ái, vị tha, độc lập, tự tin và hồn nhiên” và “Ai đã qua dạy thực nghiệm đều thấy nghề dạy học, đặc biệt ở lớp một, cấp một thực sự là tinh xảo, đậm đặc tính sư phạm và đều không muốn quay về dạy theo lối cũ”.

Ông Đậu Văn Đình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: “Tiếng Việt 1 CGD có tính khả thi cao trong việc thực hiện mục tiêu dạy học tiếng mẹ đẻ: Học sinh nắm chắc, thực hành nhanh, các kĩ năng đọc, viết được thực hiện khá cơ bản và vững chắc ngay từ cuối lớp Một”. Và “Có đơn vị miền núi đã mạnh dạn áp dụng cho 100% số trường tiểu học và đã thu được kết quả dạy học cao hơn hẳn so với chương trình hiện hành”.

Cô và trò đều tự tin khi áp dụng phương pháp dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục

Cô và trò đều tự tin khi áp dụng phương pháp dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục

 

Dưới đây là tâm sự của một cô giáo ở Huế:

“Hai mươi ba năm trong nghề dạy học với ba chương trình và sách giáo khoa khác nhau, chương trình để lại trong tôi một ấn tượng khó quên nhất vẫn là chương trình CGD của thầy Hồ Ngọc Đại.

Tiếc thay cho những ai đi dạy nhưng chưa một lần được dạy chương trình này!” (Lê Thị Cúc, Kỉ niệm 20 năm thành lập Trường tiểu học Lê Quý Đôn – TP Huế).

Từ năm 2002, do thực hiện thống nhất sách giáo khoa, chương trình CGD và một số chương trình khác không được tiếp tục triển khai.

Trong thời gian này, GS. Hồ Ngọc Đại vẫn kiên trì hoàn thiện bộ sách CGD, đặc biệt là Tiếng Việt lớp 1. Ông đã đưa Công nghệ học vào thiết kế. Tiết học là đơn vị cơ bản của Công nghệ học. Công nghệ học là biểu hiện trực quan của tư duy kĩ thuật và tư duy sản phẩm trong giáo dục. Sản phẩm giáo dục tự bao hàm trong mình quy trình làm ra nó, quy trình này là hình thái kĩ thuật của tư duy.

Công nghệ học Tiếng Việt lớp 1 được tổ chức và kiểm soát bằng quy trình 4 việc chặt chẽ, giúp học sinh làm chắc chắn, ai làm cũng như ai, làm đâu chắc đấy. Hết tiết học này sang tiết học khác, tiết học nào cũng làm theo quy trình 4 việc, học sinh sẽ học được cách làm việc trí óc. Mỗi ngày học sinh đều học thêm một cái mới, cái cũ được ôn tập, củng cố trong cái mới đang học, ngày càng vững chắc, và do vậy, mỗi ngày trẻ lại có niềm vui, niềm hạnh phúc đi học. Học sinh tự mình thực thi quá trình, rồi được hưởng sản phẩm do mình làm ra và đó cũng chính là tự học. Thầy giáo hành nghề bằng cách thực thi bản thiết kế cho từng tiết học và như thế cũng học nghề.

Không chỉ hoàn thiện sách giáo khoa, sách thiết kế. GS. Hồ Ngọc Đại còn viết Tài liệu tập huấn giáo viên dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1. Mong muốn của ông là giáo viên không chỉ làm được và làm đúng theo thiết kế, mà còn hiểu vì sao phải làm như thế và có thể tiến tới làm đẹp, làm nhanh.

Việc sử dụng một chương trình, một bộ sách cho tất cả học sinh ở các vùng miền với các điều kiện kinh tế, văn hóa khác nhau đã thể hiện nhiều bất cập. Từ năm học 2008 - 2009, Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm dạy Tiếng Việt 1 ở những vùng khó, có nhiều dân tộc thiểu số. Kết quả khả quan ở những địa phương tham gia càng ngày càng khẳng định sự thành công của CGD. Cách triển khai của Bộ GD&ĐT rất bài bản: GS. Hồ Ngọc Đại đào tạo đội ngũ cốt cán trung ương, đội ngũ cốt cán Trung ương lại đào tạo đội ngũ cốt cán địa phương. Khi về đến địa phương, cốt cán trung ương và cốt cán địa phương phối hợp chặt chẽ để đào tạo giáo viên. Thành phần của đội ngũ cốt cán địa phương luôn có cán bộ quản lí (cấp Sở, cấp Phòng, cấp Trường). Sự thực thi và giám sát chặt chẽ của đội ngũ quản lí là điểm mấu chốt thành công của từng địa phương. Việc hỗ trợ kĩ thuật của đội ngũ cốt cán đến từng trường được tiến hành ngay từ đầu học kì 1 và được lặp lại ở đầu học kì 2. GS. Hồ Ngọc Đại và các cộng sự của ông không ngần ngại khó khăn, đến cả những vùng hẻo lánh xa xôi nhất, chỉ có học sinh dân tộc thiểu số để dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm, hướng dẫn giáo viên làm đúng, làm đẹp. Từ năm học 2013 - 2014, Bộ GD&ĐT đã cho làm đĩa hình các giờ dạy Tiếng Việt 1 CGD, việc tập huấn giáo viên trở nên dễ dàng hơn vì có mẫu chuẩn.

Chỉ sau vài năm, tính đến năm học 2013 - 2014, lại có 36 tỉnh/thành hào hứng tham gia học Tiếng Việt 1 CGD với số lượng học sinh lên tới gần 190.000 em. Và cũng năm học này, chương trình Tiếng Việt 1 CGD lại được triển khai ở tất cả các vùng miền trên cả nước, ở những nơi nào người ta thấy được lợi ích của nó thiết thân với học sinh.

Ngô Thị Tuyên

Kỳ cuối: Vai trò của Tiếng Việt 1 CGD trong nền giáo dục nước ta

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.