Kỳ 1: Chớm hè, đuối nước lại gia tăng

Kỳ 1: Chớm hè, đuối nước lại gia tăng
Những cái chết thương tâm
Thảm họa chết đuối của trẻ em liên tục được cảnh báo, Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ Đề án và thí điểm  “phổ cập” bơi lội cho học sinh ngay từ cấp tiểu học  từ 4 năm học trước, nhưng tỉ lệ học sinh chết đuối vẫn nhiều. Hàng loạt những cái chết thương tâm vẫn đang diễn ra. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, trong các loại hình tai nạn thương tích mà trẻ em dưới 18 tuổi đã gặp thì đuối nước là sát thủ hàng đầu cướp đi mạng sống của trẻ em. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng có trên 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do các tai nạn thương tích.
Vì đâu nên nỗi?
Tại sao cứ vào dịp hè là số trẻ em bị chết đuối lại tăng đột biến? Nguyên nhân chủ yếu do mùa nắng nóng, thời tiết oi bức, các em thường rủ nhau đến nơi có nguồn nước để tắm mát. Được nghỉ học sớm, kết thúc những kỳ thi căng thẳng HS cũng thường bốc đồng, nổi hứng rủ nhau đi chơi xa mà không có sự quản lý của người lớn. Các vụ trẻ em bị đuối nước thường diễn ra ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Trong môi trường trẻ em đang sinh sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ  mất an toàn. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên vẫn là do sự bất cẩn, thiếu quan tâm của người lớn trong gia đình, do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị xây dựng khi để lại "những cái bẫy công trình" không có biển cảnh báo, do trẻ em thiếu ý thức và kỹ năng bảo vệ bản thân khi vui chơi tại những nơi nguy hiểm... Ở những vùng có nhiều sông, suối, ngòi, việc thiếu những cây cầu bắc qua khiến học sinh hằng ngày phải đi thuyền bè đến trường đang tiềm ẩn nguy cơ đuối nước…
Trẻ vẫn loay hoay tìm chỗ bơi. Ảnh: Tuấn Hải
Trẻ vẫn loay hoay tìm chỗ bơi. Ảnh: Tuấn Hải
 

 Đuối nước dẫn đến "chết chùm" là do trẻ không biết bơi hoặc thiếu kĩ năng cứu người khi bị đuối nước. Sự việc thường xảy ra bất ngờ và nhanh cho nên việc nhận được sự trợ giúp của người lớn là khó nếu những trẻ chứng kiến không kêu cứu. Những em dũng cảm lao xuống nước cứu bạn khi bạn bị đuối nước đều là những em biết bơi, nhưng vì không được trang bị kiến thức cứu  người đuối nước nên khi tiếp cận bạn, thường bị bạn ôm chặt dẫn đến cả hai cùng bị nhấn chìm. Để phòng tránh hiểm họa này, trách nhiệm của cha mẹ phải được đặt lên hàng đầu trong việc hướng dẫn con em mình tập bơi và thường xuyên nhắc nhở con về sự nguy hiểm của tắm sông, ao, hồ....

Trước tình trạng học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra gần đây ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngày 21/5 Bộ GD&ĐT đã có Công văn hỏa tốc số 3341/BGDĐT-CTHSSV gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và TCCN về việc tăng cường công tác phòng, tránh tai nạn do đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, khuyến cáo HSSV không nên tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác.

Bà Ninh Thị Hồng - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Trong khi việc dạy  bơi chưa thể tổ chức đại trà được cho học sinh  thì việc cần thiết nhất mà gia đình và nhà trường phải làm là  dạy cho trẻ một số kĩ năng đơn giản nhất và thường xuyên nhắc nhở trẻ em  là  tránh nguy cơ: Không rủ nhau đi tắm, đi chơi tại những nơi ao hồ sông suối, những nơi có biển báo nguy hiểm; Không trực tiếp cứu người đuối nước khi không biết bơi mà phải kêu cứu thật to, chạy đi tìm người giúp đỡ. Trong điều kiện an toàn có thể dùng gậy dài để người dưới nước bám vào; Dùng phao cứu sinh nếu có; Kĩ năng hô hấp nhân tạo cho người bị đuối nước...                                                                                                                                                                                                        Về phía nhà trường, trước khi cho HS nghỉ hè, các nhà trường cần quan tâm phổ biến cho HS ý thức về hiểm họa sông nước và các biện pháp phòng tránh. Bên cạnh việc dạy bơi cần cung cấp kĩ năng tự bảo vệ cho học sinh khi đối mặt với nguy cơ đuối nước.  Tổ chức Đoàn, Đội  cần chú ý tổ chức tốt các hoạt động trong dịp hè để thu hút HS tới sinh hoạt vui khỏe, an toàn.

Ở các  địa phương, công tác cứu hộ và bảo hộ cần được quan tâm thích đáng. Tại những nơi nguy hiểm cần đặt biển báo, biển cấm, có người canh trực, ở những khúc kênh rạch nguy hiểm phải làm rào chắn và tuyên truyền cảnh báo cho người dân biết.
Khi mỗi trẻ em được dạy cho biết bơi, được cha mẹ quan tâm, dạy dỗ, được nhà trường cung cấp kĩ năng và  được cả xã hội chung tay, bảo vệ thì tai nạn đuối nước của trẻ em mới giảm được.

Những vụ đuối nước thương tâm trong hơn 1 tháng qua

Nghệ An: Ngày 24/4, tại 2 huyện Kỳ Sơn và Nam Đàn, liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 HS tử nạn; Ngày 30/4, em Nguyễn Văn Nam (HS lớp 12T7 trường THPT Đô Lương 1) dũng cảm cứu 5 HS THCS ở xã Trung Sơn trong dòng nước dữ và em đã kiệt sức; Ninh Thuận: Ngày 18/4, 6 HS trường THCS Huỳnh Phước (Ninh Phước) tắm sông chết đuối.
Hà Tĩnh: Ngày 18/4 xảy ra vụ đuối nước khiến 2 HS lớp 4 tử vong; Ngày 26/5 khu vực kênh Linh Cảm, xã Gia Hanh (Can Lộc) 5 em HS rủ nhau ra bắt cua đồng bị chìm thuyền, 2 em chết đuối.
Đắc Lắk: Ngày 14/5, 4 HS chết đuối trong lúc tắm tại khu vực hồ thủy điện Sêrêpok 4 (Buôn Đôn)
Khánh Hòa: Ngày 26/5, 3 HS bị chết đuối khi đi tắm bị trượt chân xuống hố thi công của công trình chỉnh trị sông Quán Trường (Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, TP Nha Trang)
Phú Yên: Ngày 19/5, 13 HS lớp 7B Trường THCS Nguyễn Thị Định (TP Tuy Hòa) rủ nhau rabiển tắm thì 2 em chết đuối.
Hà Nội: Ngày 15/5 có 2 HS lớp 1 đuối nước.
Khánh Linh
Kỳ 2: Gỡ khó để "phổ cập dạy bơi"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ