Kon Tum: Người dân rủ nhau viết đơn xin thoát nghèo

GD&TĐ - Khi cuộc sống đã vơi bớt khó khăn, nhiều người dân xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất lại cho những hộ cơ cực hơn.

Cán bộ xã Đăk Tờ Re tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Cán bộ xã Đăk Tờ Re tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Những ngày qua, hàng chục hộ dân tại xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) đã tự nguyện rủ nhau viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất lại cho những hoàn cảnh khốn khó hơn.

Gia đình ông A Thinh (51 tuổi, thôn 8) có 7 người con, trong đó 4 người đã lập gia đình. Để lo cho 3 người con được ăn học đủ đầy, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào 3 sào mì, 3 sào lúa và hơn 800 gốc cây cà phê. Tuy nhiên, cuộc sống của vợ chồng ông cũng không dư giả, chỉ đủ giúp no cái bụng qua ngày.

“Mặc dù, kinh tế gia đình chỉ thuộc diện đủ ăn, nhưng mình vẫn quyết định xin ra khỏi hộ nghèo. Bởi 2 vợ chồng mình vẫn còn sức lao động và lo được cho 3 người con ăn học. Trước khi xin ra khỏi hộ nghèo mình biết rằng sẽ không được hưởng các chế độ, như: Bảo hiểm y tế, con cái đi học không còn chính sách hỗ trợ.

Nhưng gia đình vẫn quyết tâm thoát nghèo, bởi mình không muốn ỷ lại, trông chờ và làm gánh nặng cho Nhà nước. Mình muốn tự vươn lên trong cuộc sống để làm gương cho các con noi theo”, ông A Thinh chia sẻ.

Tương tự, ngôi nhà mà vợ chồng chị Y Nghiệp (29 tuổi, thôn 5, xã Đăk Tờ Re) sinh sống cùng 2 người con chỉ rộng khoảng 30m2. Căn nhà này cách đây vài năm gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Trong ngôi nhà nhỏ, chiếc tivi 21 inch sờn cũ là vật dụng giá trị nhất.

Chị Y Nghiệp cho hay, kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào 1ha mì và 1 sào lúa. Tuy nhiên, số diện tích trên không đủ lo cái ăn, cái mặc cho những thành viên trong nhà. Chính vì vậy, ngoài vụ mùa 2 vợ chồng vẫn đi làm thuê, cuốc mướn để có tiền trang trải cuộc sống và chữa trị căn bệnh viêm gan của chị Nghiệp và 2 người con nhỏ.

“Vợ chồng mình còn trẻ, có sức lao động nên mình xung phong xin thoát nghèo. Mình muốn nhường suất hỗ trợ, hưởng các chính sách của Nhà nước cho những người già, tàn tật và khó khăn hơn. Hai vợ chồng mình sẽ cố gắng làm việc lo cho các con và phát triển kinh tế gia đình”, chị Y Nghiệp tâm sự.

Ông A Lum xin thoát khỏi hộ nghèo khi cuộc sống đã vơi bớt khó khăn.
Ông A Lum xin thoát khỏi hộ nghèo khi cuộc sống đã vơi bớt khó khăn.

Mặc dù có 8 người con, nhưng gia đình ông A Lum (54 tuổi, trú thôn 5) cũng tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

“Tôi có 8 người con, nhưng 2 người đã lập gia đình, 4 đứa đã có công việc ổn định. Hiện tại, vợ chồng tôi chỉ còn lo cho 2 người con ăn học nên cũng vơi bớt khó khăn. Với 2 sào lúa, 1ha sắn, cùng với việc vợ chồng còn sức khỏe tôi tin rằng gia đình sẽ lo đủ ăn mặc và cho các con ăn học đủ đầy. Chính vì vậy, tôi bàn với vợ xin thoát nghèo chứ cứ dựa vào chính sách, chế độ của Nhà nước thì xấu hổ lắm”, ông Tum nói.

Ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, cho biết, năm 2019 - 2020, toàn xã Đăk Tờ Re có hơn 50 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Theo ông Thái, để thay đổi nhận thức, cũng như nếp nghĩ cách làm, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên phát triển kinh tế.

“Nhiều hộ dân xin thoát nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, nâng cao được nhận thức của người dân trong việc lao động, sản xuất để phát triển kinh tế”, ông Thái nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ