Kon Tum: Giải mã bức tượng đá cổ ở núi Ngọc Linh

GD&TĐ - Một bức tượng đá được phát hiện năm 1979 tại vùng lõi dãy núi Ngọc Linh ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Việc xác định lai lịch bức tượng nhằm định hình lịch sử của vùng đất này trong quá khứ.

Thung lũng của suối Đăk Brôih và Đăk Yang nơi phát hiện bức tượng cổ.
Thung lũng của suối Đăk Brôih và Đăk Yang nơi phát hiện bức tượng cổ.

Bí mật về truyền thuyết tình yêu

Liên quan đến bức tượng đá cổ được phát hiện tại huyện Đăk Glei (Kon Tum), ông Phạm Bình Vương, Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, các ngành chức năng đang tiến hành nghiên cứu.

Theo ông Vương, trong một chuyến khảo sát, kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, ông nhận được thông tin về một bức tượng đá và các hiện vật tại làng Đăk Đoát (xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei).

Về ngoại hình, bức tượng đội mũ cánh sen (3 cánh lớn) có 3 lớp, giữa cánh sen có nhụy hình chữ nhật. Cánh sen rộng 13cm, cao 10cm. Đai mũ có 2 đường chỉ nổi song song cách nhau 4cm. Trong đó chia thành các ô, cách nhau bằng đường chỉ nổi, mỗi ô trang trí hoa 4 cánh, giữa có nhụy nhỏ.

Bên cạnh đó, dưới đai là 18 nửa vòng tròn kế tiếp nhau. Tượng có tai to, dái tai dày chảy xuống tận vai, đeo bông tại hình bầu dục kích thước 9cm x 5cm.

Ngoài ra, bức tượng trán cong lối giữa có khắc nổi hoa văn hình tròn đường kính 6cm. Mắt hình khuyên, lông thấp và mũi thẳng, dẹp, cánh mũi rộng. Môi trên ngăn, mỏng có ria mép vắt thẳng ra 2 bên. Không những vậy, miệng rộng, có 2 răng nanh đè lên môi dưới và môi dưới to, dày. Đồng thời, bức tượng với cằm ngắn, có vết xẻ giữa cằm.

Cằm và cổ tạo góc tù, cổ to, cao, đeo vòng có gắn 6 chiếc lục lạc (chuông nhỏ). Lục lạc khắc nổi, rõ núm và hạt lắc trong lục lạc. Đặc biệt phần ngực trang trí hoa văn khắc rãnh hình ô trám mô tả một phần chiếc áo giáp.

Theo ông Vương, bức tượng này được người dân phát hiện năm 1979 và được đưa về UBND huyện Đăk Glei. Đến năm 1993, bức tượng được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum lưu giữ. Vào thời điểm được phát hiện, bức tượng nằm sâu trong dãy núi Ngọc Linh ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum.

Ông Vương cho hay, người dân ở đây kể lại rằng, trước đây vị trí phát hiện bức tượng đá này phía sau là núi cao, trước mặt là thung lũng có dòng nước chảy qua với nhiều cây cổ thụ lớn bên cạnh những tảng đá khổng lồ.

Khi đó, bức tượng bằng đá nguyên khối đã bị ngã, nằm lộ thiên, tượng chỉ còn lại phần đầu. Tương truyền, người dân địa phương gọi tượng này là người anh hùng A Đriếp gắn với câu chuyện liên quan đến người vợ xinh đẹp tên là Bia.

Cần lời giải khoa học

Kon Tum: Giải mã bức tượng đá cổ ở núi Ngọc Linh ảnh 1
Bức tượng cổ còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp.

Bức tượng cổ còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp.

Không chỉ vậy, người dân tại làng Đăk Đoát còn cho hay, khi đó có một khối đá lớn được dựng đứng cao khoảng 2m, trên mặt đá có khắc hình “cây đinh ba” vẻ hơi nghiêm khoảng 1m, nằm cách tượng A Đriếp khoảng 20cm. Khối đá lúc bấy giờ nằm trên một triền đồi, phía Tây là núi Ngok Yang ở độ cao trên 1.000m, phía Đông là thung lũng Đăk Broi kéo dài theo dòng sông Pô Kô.

Bên cạnh di tích này có dòng suối Đak Yang đổ về Đăk Brôih. Tại ngã ba của dòng suối Đăk Yang - Đăk Brôih, lúc bấy giờ người dân đã phát hiện rất nhiều nhẫn vàng có đính ngọc, dây chuyển vàng, hạt chuỗi bằng vàng.

Theo ông Vương, đến nay vẫn chưa có một ghi chép cụ thể, một nghiên cứu chuyên sâu nào về bức tượng trên. Hiện tại lai lịch của bức tượng vẫn còn là một ẩn số cần được giải đáp. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết có thể bức tượng này là của người Chăm cổ. Tuy nhiên, bức tượng có từ thời gian nào, do ai tạo ra vẫn chưa có một kết luận cụ thể.

Ông Vương cho hay, việc xác định lai lịch bức tượng nhằm định hình lịch sử của vùng đất Kon Tum như thế nào trong quá khứ. Bên cạnh đó, thực hiện khai thác, nghiên cứu và bảo tồn. Khi các nhà chuyên môn sâu khai mở, khai quật khảo cổ học nếu phát hiện những dấu tích Chăm sẽ vén một bức màn lịch sử rằng người Chăm đã sống ở mảnh đất Tây Nguyên như thế nào.

“Để trả lời cho sự bí ẩn của bức tượng và những dấu tích được phát hiện cần có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên ngành”, ông Vương nói.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ Việt Nam:

Bức tượng đá được người dân phát hiện vào năm 1979 là tượng Chăm Nam Thần. Nó ra đời khoảng thế kỉ VII - VIII. Trong một chuyến công tác, chủ trì khai quật di chỉ khảo cổ Lung Leng (di chỉ đồ đá) ông vô tình phát hiện nền tháp Chăm trên mảnh đất Kon Tum. Sau đó, một số nền gạch của tháp Chăm được đưa về Chủng viện Thừa sai Kon Tum để trưng bày, lưu giữ.

Bức tượng chứng tỏ rằng có dấu tích của người Chăm từng sinh sống trên mảnh đất Kon Tum. Theo đó, vào thời gian trước đây một số cộng đồng người Chăm đã lên Kon Tum sinh sống. Những người này tham gia trao đổi hàng hóa với Tây Nguyên theo các con sông lớn, như sông Ba. Bên cạnh đó, buôn bán với Lào, Campuchia qua các cửa khẩu.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiếm xuất hiện những dấu tích của người Chăm, ngoại trừ một số nền gạch của tháp Chăm và bức tượng. Về dấu tích Chăm chủ yếu xuất hiện ở khu vực huyện Ayun Pa. Đến nay vẫn còn vết tích của tháp, tượng và bia ở khu vực huyện Ayun Pa, huyện Chư Păh (Gia Lai).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.