Hủ tục dai dẳng dưới chân núi Ngọc Linh

Chôn sống trẻ sơ sinh khi mẹ mất, dỡ nhà bỏ làng vì những cái “chết xấu” hay tảo hôn… là những hủ tục tồn tại ở nhiều ngôi làng thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Hủ tục dai dẳng dưới chân núi Ngọc Linh

Ngày cuối tháng 10, vừa từ trường học về, Hồ Thị Vong (11 tuổi, xã Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam) phải tất bật lo cơm nước cho 3 đứa em nhỏ. Từ khi bố mẹ lần lượt qua đời, ông bà nội đã già yếu, mọi lo toan chất lên đôi vai nhỏ bé của Vong. Chị em Vong là một trong nhiều nạn nhân của hủ tục.

hu-tuc-dai-dang-duoi-chan-nui-ngoc-linh

Những ngôi làng ở dãy núi Ngọc Linh đến nay vẫn còn nhiều hủ tục dai dẳng, chưa thể xóa bỏ. Ảnh. Tiến Hùng.

Hơn một năm trước, trong vòng 10 ngày bố mẹ của Vong đang yên đang lành bỗng dưng ăn lá ngón tự tử. Đến giờ không ai hiểu vì sao đôi vợ chồng này lại tìm đến cái chết, nhưng dân làng tin rằng tự tử là cái "chết xấu", là do "con ma rừng" bắt đi. Vì vậy, sau đám tang vài ngày, họ xúm đến phá dỡ ngôi nhà của chị em Vong để đuổi được con ma ra khỏi làng.

Mồ côi bố mẹ, lại không còn nhà, bốn chị em phải bám víu vào ông bà nội đã 80 tuổi. “Ở làng này chỉ có vài chục hộ sinh sống thôi nhưng vài năm nay đã có đến 6 trường hợp ăn lá ngón tự tử. 

PNhững cái chết xấu nào cũng phải phá nhà để đuổi con ma đi chứ không phải chỉ riêng nhà của con tôi”, ông Hồ Văn Suốt (ông nội Vong), nói. 

Hằng ngày, Vong cùng người em trai kế mới 8 tuổi phải lên rẫy phụ giúp ông bà, chiều về bốn chị em lại lủi thủi trong ngôi nhà trống hoác bởi trong làng không đứa trẻ nào chơi cùng. “Họ nói bố mẹ em bị ma bắt, sợ nên không dám chơi cùng mấy đứa em”, Vong ngậm ngùi nói.

Thương cảm trước hoàn cảnh của chị em Vong, gần đây một số nhà hảo tâm đã quyên góp tiền dựng cho mấy chị em căn nhà nhỏ ngay bên cạnh Trường Tiểu học Trà Cang. Có nhà để ở nhưng đôi mắt của 4 đứa trẻ dường như vẫn còn đau đáu, mặc cảm về cái chết của bố mẹ mình.

hu-tuc-dai-dang-duoi-chan-nui-ngoc-linh-1

Quan niệm tự tử là cái "chết xấu", bố mẹ mất, nhà của bốn chị em Vong cũng bị dân làng phá bỏ để đuổi con ma. Ảnh. Tiến Hùng.

Nằm cách ngôi làng của Vong chừng 4 tiếng đi bộ, nóc Lấp Loa (xã Trà Tập), cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một ngày đầu năm 2014, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sơn (43 tuổi), xảy ra cãi cọ vì người vợ thường xuyên say rượu.

Trong lúc xô xát, Sơn cầm dao đâm chết vợ rồi vào rừng treo cổ tự vẫn, bỏ lại 4 con nhỏ. Sau đám tang, cả nóc Lấp Loa đốt trụi ngôi nhà của vợ chồng anh Sơn để đuổi con ma đi chỗ khác khiến những đứa nhỏ không còn nơi trú ngụ. Một số người thậm chí bỏ nóc đi nơi khác sinh sống vì sợ con ma rừng ám.

Từ một “thiếu gia” của vùng cao khi có mẹ làm chủ tịch xã, chỉ trong chốc lát Lê Hồng Phấn (14 tuổi, xã Trà Cang), cũng trở thành đứa trẻ không nhà vì quan niệm cái “chết xấu”. 

Mẹ Phấn, bà Nguyễn Thị Kim Cúc vốn là Chủ tịch xã Trà Cang, tháng 8/2013 bà Cúc lâm bệnh nặng rồi qua đời. Nửa năm sau, chồng bà cũng mất trong một vụ tai nạn giao thông. 

Để đuổi con ma, dân làng Xê Đăng cũng phá nát ngôi nhà được xem là khá giả nhất vùng của Phấn. “Em thương bố mẹ, em không sợ ma xấu nhưng dân làng đã quyết phá thì em cũng phải nghe theo. Không ai cản nổi đâu”, Phấn ngậm ngùi nói.

Có những ngôi làng với hàng chục hộ dân đang định cư yên ổn cũng bỏ đi nơi khác sinh sống, quyết làm lại từ đầu chỉ vì quan niệm về cái “chết xấu”. 

Theo Công an huyện Nam Trà My, từ đầu năm đến nay có 12 vụ tự tử xảy ra ở xã Trà Nam. Ba ngôi làng ở thôn 1 lần lượt bỏ đi nơi khác sau những cái chết liên tiếp mà người dân quan niệm là ‘chết xấu”. 

Một số ngôi làng thậm chí nằm ở trung tâm xã, vốn đông vui bỗng dưng hoang tàn. Hàng chục hộ dân mang theo vài vật dụng và tháo dỡ những tấm gỗ lớn để dựng nhà, bất chấp cuộc sống mới khó khăn ra sao.

“Chúng tôi đã tuyên truyền, thuyết phục quá nhiều lần thậm chí còn dọa sẽ xử phạt nhưng phép vua thua lệ làng. Họ vẫn bất chấp bỏ vào rừng tìm nơi ở mới, kéo theo nhiều hệ lụy” - Một cán bộ xã Trà Nam phân trần.

Không chỉ có những hủ tục lâu đời liên quan đến “chết xấu”, dân làng Xê Đăng và Ca Dong ở huyện vùng cao được xem là nghèo nhất nước này còn có những tục lệ dai dẳng như nối dây, tảo hôn…. 

Cách đây không lâu, thậm chí một vị cán bộ cấp tỉnh là người Xê Đăng vẫn còn theo tục này. Khi vợ mất, vị cán bộ đã lấy em gái của vợ. 

Theo tục nối dây thì khi vợ mất, người chồng sẽ lấy em vợ, khi chồng mất, người vợ sẽ lấy em chồng khiến cho cuộc sống ở đây bị đảo lộn….

hu-tuc-dai-dang-duoi-chan-nui-ngoc-linh-2

Mồ côi bố mẹ, lại mất nhà, mọi lo toan dường như chất lên đôi vai của người chị cả 11 tuổi. Ảnh. Tiến Hùng.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho hay chính quyền đang rất nỗ lực để giúp người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu này. 

“Nguyên nhân là do đói nghèo và nhận thức vẫn còn thấp. Người dân ở đây thường chọn những đỉnh núi hoặc lưng chừng núi để sống nên việc liên lạc rất khó khăn. Trước tiên phải thoát nghèo thì mới mong xóa bỏ được hủ tục” - Ong Bửu nói và cho hay huyện đang ra chủ trương rất mới nhằm giúp người dân xóa nghèo và nâng cao nhận thức.

Theo chủ trương của huyện, 3 công chức trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm kèm cặp một hộ gia đình thoát nghèo trong vòng một năm. 

Trong thời gian này, 3 công chức sẽ phải liên tục bám lấy hộ được giao để tuyên truyền kiến thức, văn hóa đồng thời dạy họ từ cách thức làm ăn, canh tác hiệu quả cho đến cách chi tiêu hợp lý.

“Đặc biệt phải nói không với việc hỗ trợ người dân tiền. Muốn họ thoát nghèo, nâng cao nhận thức thì phải cho họ cần câu chứ không cho con cá được, làm như vậy họ sẽ ỉ lại. 

Ngoài ra chúng tôi cũng đề ra các biện pháp không cho người dân uống rượu nhiều….” - Vị chủ tịch huyện nói và cho hay chủ trương này lần đầu tiên được áp dụng trên phạm vi cả nước và nếu Nam Trà My thành công, sẽ nhân rộng sang các địa phương khác.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.