Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần những bước cải cách triệt để

GD&TĐ - Sáng 12/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì buổi kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Chưa cải cách triệt để

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để thu hút đầu tư, tạo dư địa cho tăng trưởng, Tổ công tác đã có 2 cuộc kiểm tra đối với các bộ quản lý chuyên ngành và có ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào ngày 28/2 và ngày 30/5.

Đồng thời, Tổ công tác đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra đối với từng Bộ, gồm: Tư pháp; Tài chính; GD&ĐT; VH-TT&DL trong việc xây dựng phương án rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất cập.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau các cuộc kiểm tra, Tổ công tác đã có báo cáo kết quả kiểm tra các bộ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, trong đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm việc cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Tiếp đó, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện ngay một số nhiệm vụ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh như Văn bản số 413/TTg-TH ngày 30/3/2018, Văn bản số 6135/VPCP-TH ngày 28/6/2018. Đến nay các bộ đã thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong việc cải cách hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh nhưng còn chuyển biến chậm.

DN vẫn bị phiền hà

Nhắc lại mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thực trạng: “Rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của DN”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến câu chuyện được đưa ra tại Hội nghị về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức: Một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc vỏ ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong hay không; có DN dán nhãn hiệu suất năng lượng cho 4 chiếc tủ lạnh mất đến 149 triệu đồng nhưng nhãn đó chỉ cho riêng sản phẩm từng DN….

Hay trong buổi làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vào chiều 11/7, bên cạnh những đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhận được nhiều ý kiến “phàn nàn” của các DN Hoa Kỳ liên quan đến các thủ tục hải quan, một số vướng mắc khi thực hiện các Nghị định hay những vụ việc cụ thể như: Giá thịt bò để áp giá tính thuế cao hơn giá thị trường; nhập khẩu hạt giống vào Việt Nam bị chậm cấp phép…

Rườm rà kiểm tra chuyên ngành

“Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chi phí phục vụ kiểm tra mà các DN phải chịu vẫn còn lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước cùng loại không được thừa nhận. Đơn cử như cứ 5 lô hàng DN nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi, lô hàng đó được chứng minh không có rủi ro, DN hoạt động tốt, chấp hành kiểm tra tốt” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Dẫn con số của Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam là 76 giờ, “cao hơn đáng kể” so với mức bình quân của ASEAN-4 là 28 giờ. Như vậy, khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất khi DN nhập khẩu…

Trước các thực trạng trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không hợp lý về điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo hướng xây dựng một Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo và trình Chính phủ trước ngày 15/8.

“Thời hạn báo cáo Chính phủ là trước 30/7. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong giai đoạn soạn thảo là chủ yếu” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.