Kinh nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử trường phổ thông

GD&TĐ - Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng được lãnh đạo ngành giáo dục, các trường THPT và các giáo viên Lịch sử quan tâm. 

Kinh nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử trường phổ thông

Đây là công việc đòi hỏi sự công phu và sáng tạo. Hiệu quả của công việc bồi dưỡng học sinh giỏi là sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định là lòng yêu nghề, tâm huyết và sự tận tụy của người thầy đối với học sinh.

Phát hiện học sinh giỏi

Để công tác này đạt hiệu quả, trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên cần lưu tâm nhiều vấn đề. Phát hiện và chọn học sinh giỏi. Đây là khâu đầu tiên giữ vai trò quan trọng về hiệu quả của việc bồi dưỡng học sinh giỏi. 

Việc phát hiện và chọn học sinh giỏi phải được tiến hành kĩ lưỡng, không chỉ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của năm học trước mà còn tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. 

Đồng thời việc chọn học sinh giỏi cần đảm bảo các yêu cầu: Học sinh phải yêu thích bộ môn, có tinh thần vượt khó trong học tập, có nguyện vọng dự thi cùng khối vào các trường Đại học…

Đây là động cơ giúp học sinh vượt khó vươn lên trong quá trình tham gia bồi dưỡng. Là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, có năng lực nhận thức tốt ở bộ môn tham gia bồi dưỡng. Chọn những học sinh có chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, ít sai chính tả và diễn đạt tương đối tốt. 

Tổ chức thi khảo sát để nhận xét và đánh giá năng lực của học sinh, loại bỏ những học sinh còn nhiều hạn chế về kiến thức và kĩ năng bộ môn. Qua các đợt kiểm tra sàng lọc, Giáo viên có thể bổ sung học sinh mới thay cho học sinh không đạt yêu cầu trong quá trình bồi dưỡng.

Phương pháp bồi dưỡng là khâu quan trọng nhất

Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như các hoạt động giáo dục khác, người giáo viên phải biết xây dựng chương trình bồi dưỡng với những chương, bài ứng với số tiết dạy cụ thể (Dựa theo hướng dẫn bồi dưỡng học sinh giỏi của Sở GD &ĐT). 

Về nguyên tắc, giáo viên phải bồi dưỡng toàn bộ chương trình ( Lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại, lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến nay). 

Tuy nhiên, cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Lịch sử thế giới từ cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến nay: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917; công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô (1921-1941); sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít; Cuộc chiến tranh thế giới thư hai; Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 đến nay); phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ La tinh; Đông Nam Á và tổ chức ASEAN; Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu; Quan hệ quốc tế, Cách mạng khoa học - kĩ thuật. 

Lịch sử Việt Nam từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đến nay: Những cuộc kháng chiến, khởi nghĩa chống ngoại xâm (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII), các nền văn minh sông Hồng, nền văn minh Đại Việt, những truyền thống quý báu của dân tộc, phong trào đấu tranh chống xâm lược Pháp của nhân dân ta ( từ năm 1858 đến năm 1918);

Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cuộc vận động thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939-1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)…

Bất cứ hoạt động dạy học nào trên lớp nhất thiết giáo viên phải có giáo án, nhất là hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi càng yêu cầu giáo án phải được chuẩn bị cụ thể và yêu cầu cao hơn. 

Việc soạn giáo án bồi dưỡng học sinh giỏi đòi hỏi sự công phu, đầu tư nghiên cứu về nội dung và phương pháp. Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, việc thực hiện nguyên tắc dạy học liên môn là hết sức quan trọng. 

Giáo viên phải biết nghiên cứu và khai thác thơ văn, những kiến thức địa lí….có liên quan để vận dụng vào trong bài giảng của mình.

Phương pháp bồi dưỡng là khâu quan trọng nhất trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi. Khâu này thể hiện rõ hoạt động của thầy và trò. 

Giáo viên yêu cầu học sinh phải chuẩn bị trước những vấn đề cần bồi dưỡng (đọc sách giáo khoa, nghiên cứu những vấn đề mà giáo viên định hướng, tham khảo những tài liệu có liên quan…). 

Do yêu cầu chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi quá rộng nên giáo viên phải biết chọn lọc, cung cấp kiến thức cho phù hợp. Trên nền kiến thức phổ thông đồng thời nâng cao những kiến thức trọng tâm của chương trình. 

Trong hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải sử dụng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh (nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề, thảo luận, đàm thoại…). 

Điều đó sẽ giúp cho học sinh phát triển tư duy và rèn luyện được kĩ năng bộ môn. Nếu sử dụng cứng nhắc phương pháp truyền thống “thầy đọc, trò ghi” thì giáo viên không mất thì giờ và trí não nhưng học sinh bị nhồi nhét về kiến thức, nhàm chán và không có hứng thú với bộ môn. 

Học tập và bồi dưỡng học sinh giỏi đối với các bộ môn khoa học xã hội, nhất là bộ môn Lịch sử không phải học thuộc lòng, tức chỉ mới nhận biết kiến thức. Chẳng hạn như ở bộ môn Lịch sử thì mới chỉ biết Lịch Sử chứ chưa tỏ ra hiểu Lịch Sử hay nói cách khác “Tư duy lịch sử còn yếu”. 

Do quan niệm học bồi dưỡng như vậy, nên trong các kì thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, nhiều học sinh tỏ ra rất thuộc bài nhưng không đạt giải. 

Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên không chỉ cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức về các sự kiện và hiện tượng lịch sử mà còn chú ý rèn luyện những kĩ năng bộ môn như phân tích, giải thích, so sánh, tổng hợp, đánh giá, tìm nguyên nhân, trắc nghiệm khách quan, xâu chuỗi các sự kiện hiện tượng lịch sử để tìm ra nét truyền thống, những bài học lịch sử.

Bên cạnh đó, giáo viên cần xây dựng và sử dụng các dạng bài tập trong quá trình bồi dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, củng cố tri thức bộ môn cho học sinh. 

Nó là một trong những biện pháp phát triển năng lực nhận thức độc lập và sáng tạo của học sinh. Đồng thời sử dụng các dạng bài tập còn là hình thức quan trọng để kiểm tra và đánh giá học sinh. Bài tập rất đa dạng và phong phú, được xây dựng trên một số bài học, một chương hay cả một quá trình học tập.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá

Thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh giúp giáo viên hiểu rõ việc học tập của học sinh, phát hiện những thiếu sót trong kiến thức và kĩ năng để kịp thời sửa chữa. 

Qua đó, giúp học sinh tự khẳng định mình và giúp giáo viên thấy được những thành công, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong giảng dạy. 

Có thể sử dụng các hình thức kiểm tra : trình bày miệng, kiểm tra 15 đến 30 phút, kiểm tra việc làm bài tập về nhà, đặc biệt trong quá trình bồi dưỡng tổ chức kiểm tra viết từ 2 đến 3 lần dưới dạng một đề thi (từ 120 đến 180 phút). 

Hình thức kiểm tra này ngoài việc đạt được mục đích yêu cầu trên còn có tác dụng rèn luyện chữ viết, cách sử dụng từ ngữ, chính tả và hành văn cho học sinh, đồng thời làm quen với các dạng đề thi.

Thực tế cho thấy công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung và môn Lịch sử nói riêng muốn đạt hiệu quả cần phải được coi trọng và thực hiện tốt những công việc chủ yếu: 

Biết phát hiện và chọn đúng đối tượng học sinh giỏi nhằm đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, làm cơ sở cho việc bồi dưỡng đạt hiệu quả cao; Xây dựng chương trình và nội dung bồi dưỡng vừa mang tính bao quát vừa mang tính trọng tâm để xác định những vấn đề cần bồi bổ, nâng cao kiến thức cho học sinh. 

Cần quan tâm thực hiện nguyên tắc dạy học liên môn để giúp học sinh biết khai thác và mở rộng kiến thức; Quán triệt và thực hiện tốt phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho bài giảng; Trong quá trình bồi dưỡng cần tập trung rèn luyện những kỹ năng bộ môn cho học sinh qua câu hỏi thảo luận, làm bài tập lịch sử, kiểm tra đánh giá vv giúp học sinh biết cách giải quyết vấn đề đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ