Đây là nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức khoa học lịch sử một cách hiệu quả, qua đó giáo dục và phát triển toàn diện học sinh và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Công nghệ thông tin làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các phương pháp dạy học khác, cho nên giáo viên có thể ứng dụng nó để hỗ trợ cho việc tường thuật, hoặc miêu tả các sự kiện, hiện tượng lịch sử... kết hợp với lời trình bày sinh động.
Giáo viên cũng có thể chiếu một đoạn phim tài liệu hoặc tư liệu tham khảo để học sinh đọc và tìm hiểu.
Ứng dụng CNTT để tường thuật diễn biến lịch sử
Ví dụ, với bài 25 - Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950) ( Lịch sử 9), khi dạy về chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, giáo viên sử dụng lược đồ chiến dịch Việt Bắc có kí hiệu, hình ảnh với hiệu ứng sinh động thể hiện hướng tiến công của quân bộ, quân thủy và quân dù của Pháp; hướng tiến công của ta và nơi ta bao vây, tiêu diệt địch... Dựa vào lược đồ, chiếu đến đâu, giáo viên tường thuật diễn biến của chiến dịch đến đó.
Lưu ý: Là một câu chuyện, cho nên khi tường thuật, lời nói của giáo viên không chỉ lưu loát rõ ràng, mà còn phải thể hiện tình cảm của mình theo kịch tính của câu chuyện. Mở đầu bài tường thuật, giáo viên có thể trình bày với nhịp độ vừa phải, nói diễn cảm để thu hút học sinh vào ngay câu chuyện.
Trình bày tình tiết các sự biến thông qua từ ngữ gợi cảm, gợi tả thể hiện âm thanh, màu sắc, cử chỉ, động tác của con người cụ thể, với ngữ điệu nói cao dần, giáo viên tạo cho học sinh xúc động sâu sắc về những gì mà các em hình dung được, tạo cho các em cảm giác dường như đang sống, tham dự, chứng kiến sự kiện đang xảy ra.
Đến chỗ tình tiết phát triển cao thì lời nói của giáo viên phải hơi lên giọng, nhịp điệu vừa phải nhưng cần thiết nhấn mạnh những từ ngữ có hình ảnh để khắc sâu như: ... làm cho học sinh hồi hộp theo dõi câu chuyện.
Khi tình tiết giảm đi thì nhịp điệu nói của giáo viên phải hơi nhanh, hơi hạ giọng. Kết thúc bài giảng giáo viên phải nói với nhịp độ vừa phải, hạ giọng và nhấn mạnh khi trình bày về kết quả tốt đẹp của trận chiến đấu, gây ấn tượng sâu sắc cho học sinh.
Như vậy học sinh sẽ được theo dõi diễn biến của sự kiện lịch sử trên màn hình, giống như đang được xem một bộ phim với hình ảnh sinh động nên các em sẽ dễ nhớ, dễ hiểu và hứng thú học tập.
Ứng dụng CNTT để miêu tả một sự vật lịch sử
Ví dụ, khi dạy bài 26 - Bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1950 - 1953) (Lịch sử lớp 9), giáo viên miêu tả Đông Khê như sau:
Đứng trên núi cao nhìn xuống đồn Đông Khê như một tuần dương hạm khổng lồ giữa biển rừng xanh biên giới. Đông Khê nằm giữa đường số 4 cách Cao Bằng 45 km, cách Thất Khê 24 km, xung quanh có 7 vị trí kiên cố đóng trên núi cao như một bức tường vững chắc bao bọc. Đồn Đông Khê có hàng chục lô cốt thấp sát mặt đất, nắp dày trên 1m, có hầm ngầm, tường cao, dây thép gai xung quanh.
Khi miêu tả giáo viên phải diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với sự vật miêu tả. Khi miêu tả những sự vật phức tạp, ngữ điệu của giáo viên phải chậm hơn lúc tường thuật, có những chỗ ngắt giọng ngắn, thỉnh thoảng giáo viên đặt câu hỏi tại sao để học sinh suy nghĩ (song không nhất thiết yêu cầu các em phải trả lời).
Ví dụ, khi trình bày xong vấn đề "Pháp - Mĩ coi Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm", giáo viên nên ngắt giọng, nêu câu hỏi: "Chúng đã bố trí công sự và lực lượng như thế nào mà dám nói là pháo đài bất khả xâm phạm ?".
Học sinh suy nghĩ vấn đề đặt ra song không trả lời câu hỏi, mà giáo viên tiếp tục trình bày về cách bố trí các công sự, lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ để cuối cùng rút ra kết luận và giải đáp câu hỏi đã đặt ra. Khi kết luận, giáo viên nên nói chậm, nhấn mạnh, hơi xuống giọng những từ cuối để khắc sâu trí nhớ của học sinh.
Cách giảng như vậy không đơn điệu, buồn tẻ mà khơi gợi sự tò mò, hiểu biết của học sinh. Các em theo dõi một cách hứng thú, phát huy tính tích cực trong tư duy và tiếp thu sự kiện một cách dễ dàng.
Ứng dụng CNTT để tìm hiểu tài liệu tham khảo
Ví dụ, khi dạy bài 23 - Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Lịch sử 9), mục I - Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố, giáo viên thực hiện như sau:
Chiếu văn bản Hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh; sau đó nêu câu hỏi: Em hiểu Hiệu triệu là gì? Học sinh trả lời, giáo viên kết luận. Tiếp theo, giáo viên đề nghị: Em nào có khả năng thể hiện tốt lời Hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh, hãy đọc cho cả lớp cùng nghe!
Phần lớn học sinh đã tập đọc diễn cảm và xung phong đọc. Giáo viên gọi khoảng hai em đọc, so sánh, nhận xét khả năng thể hiện của từng học sinh và khích lệ các em.
Tiếp đến, giáo viên nêu câu hỏi: Hãy nêu nội dung của lời Hiệu triệu? (kêu gọi toàn dân đứng lên khởi nghĩa, khẳng định khởi nghĩa sẽ thắng lợi)
Với phương pháp trên, hầu hết học sinh đều nhìn lên màn hình, cố gắng đọc diễn cảm, chứng tỏ các em đang bị lôi cuốn vào bài học.
Ứng dụng CNTT để tìm hiểu hình ảnh lịch sử
Ví dụ: Mục V, bài 28 - Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 - 1965), khi trình bày về cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị của quân và dân ta trong chiến đấu chống chiến lược "chiến tranh đặc biệt", giáo viên chiếu hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và hỏi: Các em cho biết, đây là ai và đang làm gì?
Bức ảnh khiến học sinh rất tò mò, xúc động và mong muốn khám phá, từ đó hào hứng với giờ học.