Kinh nghiệm tự làm bản đồ Việt Nam, tăng sức hấp dẫn giờ Địa lý

GD&TĐ - Bản đồ trong bộ môn Địa lí có vai trò quan trọng như một cuốn sách giáo khoa thứ hai, vô cùng hữu ích cho việc khai thác và lĩnh hội kiến thức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc rèn kĩ năng khai thác kiến thức trên bản đồ giúp cho học sinh tiếp thu được kiến thức Địa lí một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng và tăng hứng thú học tập bộ môn.

Khi được chủ động khai thác các đối tượng địa lí trên bản đồ, kiến thức thu được sẽ là kiến thức thật sự của học sinh. Học sinh sẽ nhớ lâu hơn, nắm vững hơn, hiểu rõ bản chất của vấn đề hơn và đặc biệt là thấy được mối liên hệ nhân quả giữa các đối tượng địa lí. 

Cũng từ đó phát triển khả năng tư duy một cách lôgic không chỉ trong bộ môn Địa lí mà còn phát triển trong nhiều bộ môn khác, ứng dựng trong nhiều vấn đề của thực tiễn đời sống.

Khai thác ưu điểm từ chất liệu lạ

Theo cô Lê Thị Ánh Nguyệt – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) - các bản đồ Địa lí ứng dụng trong các giờ học đều được làm bằng giấy, với ưu điểm nhẹ nhàng, dễ sử dụng và giá thành thấp.

Tuy nhiên, sử dụng bản đồ bằng giấy cũng có một số hạn chế nhất định, như theo thời gian có thể bị nhăn, nhầu nát, các đối tượng địa lí thể hiện trên bản đồ là cố định và chỉ thể hiện được một số đối tượng theo nội dung của bài học.

Chính bởi vậy có nhiều tiết học, trong cùng một tiết phải sử dụng nhiều loại bản đồ khác nhau. Đặc biệt với tính chất cố định các đối tượng địa lí nên hiệu quả trong các giờ thực hành Địa lí chưa cao, có chăng đạt kết quả khả quan với những cá nhân (số ít) tích cực khai thác kiến thức trên lược đồ, bản đồ.

Đồ dùng dạy học theo sáng tạo của cô Lê Thị Ánh Nguyệt được thiết kế trên chất liệu Formex – một chất liệu hoàn toàn mới lạ trong nhà trường và đặc biệt trong bộ môn Địa lí.

Formex là một dạng tấm xốp được tạo thành từ bọt hóa học cứng ép thành, trọng lượng nhẹ với cấu trúc chắc chắn. Chủ yếu được sử dụng làm tấm lót bồi sau đó dán bản in lên trên.

Formex thường có các kích thước chuẩn là 1220 mm x 2440 mm, 1560 mm x 2440 mm. Các tấm chuẩn có độ dày 2 mm, 3 mm, 5 mm, 10 mm.

So với chất liệu truyền thống là giấy, Formex có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn: Không thua kém giấy về độ nhẹ mà lại có độ bền cao, dễ dàng sử dụng và sáng tạo.

Không chỉ có vậy, Formex còn khá chắc chắn, cực kì thích nghi với ánh sáng và thời tiết thay đổi, không dễ cháy và giảm tiếng ồn…

Có thể nói, đây là loại vật liệu có khả năng khá ưu việt. Chính bởi vậy Formex được ứng dụng rất nhiều trong đời sống như : làm sản phẩm quảng cáo, thiết kế các công trình nội ngoại thất, các gian hàng trưng bày với các màu sắc bắt mắt, tươi trẻ.

“Tôi lựa chọn chất liệu này trong thiết kế “Bản đồ Việt Nam” tự làm với mong muốn bản đồ có thể ứng dụng trong nhiều tiết học, sử dụng bền, đẹp với thời gian dài. Nhìn chung có tính ứng dụng cao trong các bài học chứ không nhất thiết chỉ cố định sử dụng cho một vài bài cụ thể” – cô Lê Thị Ánh Nguyệt cho hay.

Bản đồ Việt Nam tự làm của cô Lê Thị Ánh Nguyệt
Bản đồ Việt Nam tự làm của cô Lê Thị Ánh Nguyệt 

Mô tả “Bản đồ Việt Nam” tự làm

“Bản đồ Việt Nam” của cô Lê Thị Ánh Nguyệt thiết kế có chiều cao 160 cm, bề rộng 120 cm đảm bảo học sinh có thể quan sát một cách dễ dàng ngay cả khi ngồi ở bàn cuối của lớp.

Tên “Bản đồ Việt Nam” được in rõ nét trên phông chữ hoa màu đỏ đậm, đính chắc chắn lên phía trên cùng của đồ dùng. 63 tỉnh thành phố của Việt Nam được tôi làm thủ công bằng cách cắt các mảnh ghép từ vật liệu Formex, sau đó sơn nhiều màu sắc, ghi rõ tên các tỉnh thành và đính lên một cách chính xác.

Bản đồ nhìn rất vui mắt, nhiều màu sắc sinh động, tươi trẻ phù hợp với tâm lí của học sinh Trung học cơ sở, phần nào có thể khơi gợi hứng thú học tập của học sinh hơn so với các bản đồ thông thường, quen thuộc.

Không chỉ vậy, các đối tượng địa lí tự nhiên khác cũng được cô Nguyệt cụ thể bằng các miếng ghép Formex dời, có thể đính lên trên bản đồ một cách dễ dàng và nhanh chóng theo từng nội dung đơn vị kiến thức như :

Khoáng sản: Gồm các loại khoáng sản có trữ lượng lớn và các loại khoáng sản chủ yếu tại các vùng.

Sông ngòi: Gồm 3 hệ thống sông lớn (sông ngòi ở Bắc Bộ, sông ngòi Trung Bộ và sông ngòi Nam Bộ).

Địa hình: Gồm 4 khu vực đồi núi chính (dãy Hoàng Liên Sơn, các cánh cung núi phía Đông Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam).

Khí hậu: Các loại gió, hướng gió chủ yếu trong các mùa khí hậu và thời tiết ở nước ta

Với chất liệu Formex nhẹ nhàng và các miếng ghép dời có thể đính lên bản đồ một cách dễ dàng, phù hợp với yêu cầu và nội dung của từng bài học, các đối tượng địa lí không cố định mà có thể di chuyển sao cho phù hợp nên có thể ứng dụng trong rất nhiều tiết học với nhiều đối tượng học sinh khác nhau cũng có thể thực hiện đồng thời (không chỉ chú trọng đến một số cá nhân tích cực).

Ứng dụng với bản đồ Việt Nam tự làm

Theo cô Nguyệt, bản đồ Việt Nam đặc biệt hữu ích trong chương trình Địa lí lớp 8 học kì II - Địa lí tự nhiên Việt Nam, tiêu biểu trong các bài như :

Bài 23: Vị trí, giới hạn, hình dạng lãnh thổ Việt Nam; bài 26: Đặc điểm tài nguyên khoáng sản Việt Nam; bài 27: Đọc bản đồ Việt Nam (phần hành chính và khoáng sản); bài 28: Đặc điểm địa hình Việt Nam;

Bài 29: Đặc điểm các khu vực địa hình; bài 30: Thực hành đọc bản đồ địa hình Việt Nam; bài 32: Các mùa khí hậu và thời tiết ở nước ta; bài 33: Đặc điểm sông ngòi Việt Nam; bài 34: Các hệ thống sông lớn ở nước ta ...

Không những thế, bản đồ Việt Nam tự làm còn ứng dụng tích cực trong nội dung chương trình Địa lí lớp 9 khi tìm hiểu sâu hơn, chi tiết hơn về các vùng trong cả nước.

“Nhìn chung đây là thiết bị dạy học có tính ứng dụng cao, có hiệu quả sử dụng trong nhiều giờ học địa lí không nhất thiết phải cố định theo một nội dung kiến thức nào mà quan trọng ở sự khai thác và sử dụng hợp lí của giáo viên.

Khai thác và sử dụng hợp lí mới đem lại hiệu quả cao cho tiết học, khơi gợi hứng thú, tính tích cực, chủ động của học sinh dưới vai trò tổ chức, điều khiển, hướng dẫn của giáo viên. Có như vậy thiết bị dạy học mới phát huy được hết các công dụng của nó.

Hơn nữa, hướng phát triển của “Bản đồ Việt Nam” tự làm là rất mở. Nếu có thêm thời gian, giáo viên có thể tiếp tục thiết kế thêm các yếu tố tự nhiên hoặc kinh tế để thể hiện trên bản đồ.

Ví dụ, thiết kế thêm 3 miền tự nhiên Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ;

Các miền khí hậu: Miền Bắc, miền Đông Trường Sơn, miền Nam; các kí hiệu về động, thực vật; các kí hiệu về chăn nuôi, trồng trọt, các điểm du lịch; các tuyến đường giao thông ...” – cô Nguyệt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ