Kinh nghiệm quốc tế về quản lí chương trình đào tạo giáo viên

GD&TĐ - GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ kinh nghiệm về quản lí chương trình đào tạo giáo viên của nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Mĩ, Úc, Anh, Pháp, Hà Lan, Đức...

Kinh nghiệm quốc tế về quản lí chương trình đào tạo giáo viên

Quản lí chương trình phi tập trung

Theo GS Đinh Quang Báo, ở Mĩ, quá trình đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ sư phạm là trách nhiệm của từng bang.

Tuy vậy, vẫn có những điểm cốt lõi tương đồng giữa tất cả các bang của liên bang do có những cơ quan chứng nhận cấp liên bang chịu trách nhiệm soạn các tiêu chuẩn cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng nhận hành nghề cho giáo viên.

Những tiêu chuẩn chuyên môn, kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm là các yếu tố được qui định trong chương trình đào tạo giáo viên.

Bang California có Hội đồng cấp chứng chỉ kiểm định giáo viên chịu trách nhiệm về chuẩn nghề nghiệp, cấp giấy phép hành nghề giáo viên kiểm định chương trình đào tạo giáo viên.

Ở Úc, GS Đinh Quang Báo cho biết, chương trình đào tạo giáo viên do các cơ sở đào tạo qui định; nhưng ở 4 bang và 2 vùng lãnh thổ có cơ quan lập pháp chịu trách nhiệm về đăng kí hành nghề giáo viên. Ở các bang còn lại việc này do nhà trường tuyển dụng trực tiếp qui định.

Như vậy, Mĩ và Úc là hệ thống quản lí chương trình phi tập trung là chủ yếu.

Kinh nghiệm của một số nước Châu Âu

Ở Anh, đào tạo giáo viên được quản lí trực tiếp của nhà nước. Theo GS Đinh Quang Báo, từ 1984, chính phủ Anh ban hành những tiêu chí chi tiết để công nhận các chương trình đào tạo của các trường đại học.

Gần đây, việc quản lý đào tạo giáo viên được tăng cường hơn. Nhà nước ban hành khung tham chiếu năng lực nghề nghiệp giáo viên mà giáo viên muốn đăng kí phải đáp ứng. Những yêu cầu của chính phủ đối với đào tạo giáo viên được qui định trong chuẩn năng lực nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu đối với chương trình đào tạo giáo viên.

Ở Anh và một số quốc gia những qui định về cấp chứng chỉ, bằng cho giáo viên, về quá trình đào tạo (gồm kiểm định chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào, đầu ra, chương trình bồi dưỡng) do sự phối hợp của các cơ quan như cục đào tạo giáo viên, cơ quan tiêu chuẩn giáo dục và Hội đồng giảng dạy Anh quốc thực hiện.

Ở Hà Lan, việc đưa ra những hướng dẫn tối thiểu về các yêu cầu đầu vào, đầu ra và nội dung chương trình đào tạo giáo viên do Bộ Giáo dục và Cục thanh tra giáo dục thực hiện.

Ở Cộng hòa liên bang Đức, chuẩn đào tạo giáo viên là công cụ để đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiếp cận năng lực. Chuẩn đã được Hội nghị Bộ trưởng văn hóa giáo dục ký “thỏa thuận về chuẩn đào tạo GV-khoa học giáo dục”.

Chuẩn được các bang sử dụng làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Sau kì thi Quốc gia tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo giáo viên, các giáo viên mới ra trường này còn phải trải qua giai đoạn đào tạo tập sự.

Ở Pháp, từ 2008 các học viện đào tạo giáo viên trở thành trường thành viên thuộc các trường Đại học. Chính phủ qui định kế hoạch, chương trình đào tạo cho các trường thành viên.

Kinh nghiệm của một số nước Châu Á

Kinh nghiệm về quản lí chương trình đào tạo giáo viên của một quốc gia, vùng lãnh thổ ở Châu Á được GS Đinh Quang Báo chia sẻ gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Theo đó, ở Trung Quốc, giáo dục sư phạm là máy cái của công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, nên chính quyền Trung ương nắm quyền quyết định sự phát triển hệ thống đào tạo giáo viên.

Vì Nhà nước tổ chức giáo dục sư phạm thì sẽ bảo đảm giáo dục sư phạm không bị quấy nhiễu bởi nhân tố kinh tế hoặc các nhân tố khác để bảo đảm được chất lượng và số lượng.

Dưới sự lãnh đạo thống nhất của nhà nước, các cơ quan quản lí giáo dục các cấp trực tiếp quản lí các cơ sở đào tạo giáo viên, quản lí nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, biên chế nhân sự, phân phối chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ 1993, sau khi ban hành chương trình cải cách giáo dục và phát triển giáo dục Trung Quốc, quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có các trường Sư phạm được tăng lên, theo đó các trường sư phạm quản lí đào tạo ban đầu và được giao quản lí việc bồi dưỡng giáo viên.

Ở một số nước như Nhật bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Singapore,...: Bộ giáo dục quản lí dầu hết các khía cạnh của quá trình đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ