Phóng viên (PV): Chắc chắn ông đã nghiên cứu Chương trình GDPTTT. Theo ông, đâu là những điểm mới đáng chú ý nhất của chương trình này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Theo tôi, sự thay đổi lớn nhất của chương trình GDPTTT nằm ở kế hoạch GD, đặc biệt là ở tên gọi các môn học cũng như thời lượng học tập ở từng cấp học. Điểm thay đổi lớn nhất là các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như trước đây.
Có thể điểm qua một số thay đổi đáng chú ý - nếu so sánh với chương trình GDPT hiện hành cũng như dự thảo trước đó: Ở tiểu học, học sinh (HS) được lựa chọn Ngoại ngữ. Nội dung môn học GD Thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; HS được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Còn ở Trung học cơ sở (THCS) các môn Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1 không có thay đổi so với dự thảo trước đó. Xu hướng giảm tiết thể hiện rõ như: môn GD Công dân, thời lượng ở các lớp 8, 9 giảm từ 52,5 tiết/năm xuống còn 35 tiết/năm, giống các lớp 6, 7. Môn Tin học giảm từ 52,5 tiết/năm giảm xuống còn 35 tiết. Còn ở THPT được gọi là giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp có sự thay đổi khá lớn. Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn:
- Nhóm môn Khoa học Xã hội: Lịch sử; Địa lý; GD Kinh tế và Pháp luật.
- Nhóm môn Khoa học Tự nhiên: Vật lý; Hóa học; Sinh học.
- Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ; Tin học; Nghệ thuật.
Có thể nói những thay đổi này minh chứng cho sự tiếp nhận thông tin đa chiều và có chú ý đến thực tế triển khai. Dĩ nhiên, trong những sự đổi thay ban đầu, vẫn có thể có những điều cần được tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục thay đổi sau giai đoạn thử nghiệm.
PV: Ở các nước phát triển, nhìn chung số lượng các môn học bắt buộc và bắt buộc có phân hóa chỉ dừng ở mức 5 – 6 môn cấp TH và 8 – 9 môn ở cấp THCS; THPT (giảm 20 – 30% số môn so với ta). Theo ông, chương trình GDPTTT của ta, có nên bớt hoặc gộp số môn học để bắt kịp thời đại được không? Bớt hoặc gộp môn nên theo hướng nào?
Tôi cho rằng câu hỏi này đã được giải quyết khi cập nhật những thông tin trên đã chia sẻ. Nếu phân tích chương trình GDPT của một số quốc gia có nền GD phát triển trên thế giới, dễ thấy xu hướng dạy học tích hợp tri thức khá rõ nét.
Việc phân chia các môn học hay các tri thức chuyên, chỉ thích hợp nếu chủ thể muốn nghiên cứu sâu. Tuy nhiên cũng nhận thấy rằng: chúng ta cần đảm bảo sự thích nghi của chương trình GDPTTT - cần mang tính toàn diện có kế thừa - chứ không thể “phủi sạch” hay “làm trắng”.
Xu hướng gộp nhóm tri thức bắt đầu thể hiện trong chương trình này. Tôi cho rằng đừng quá tập trung vào tên môn học (dù rằng nội hàm đã nói phần lớn khung tri thức), mà cần nhìn những động thái sâu của vấn đề trên bình diện con người, xã hội. Đơn cử như hoạt động trải nghiệm, nhóm môn tự chọn, lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp là tín hiệu cần được giải mã.
Hơn nữa, cần xem khung chương trình của từng môn học (tạm gọi) để hiểu được sự giao thoa của nó. Đây là nguyên tắc của những ai nghiên cứu và có cơ sở khoa học nhất định về việc xây dựng và phát triển chương trình học.
Dĩ nhiên có thể khẳng định rằng, cần tiếp tục xem xét và mong đợi ở sự tích hợp này: phải có lộ trình sát thực tiễn hơn- quyết liệt hơn khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.
PV: Mấy chục năm nay, các trường Sư phạm (SP) ở Việt Nam chỉ đào tạo GV dạy đơn môn (chủ yếu ở cấp THCS; THPT). Nay Chương trình GDPTTT bắt buộc GV sẽ phải dạy đa môn theo hướng “tích hợp - liên môn - lồng ghép”, hướng tới phát huy cao nhất năng lực của người học. Các trường SP của ta liệu có vượt qua được thách thức lớn nhất này không? Vượt qua bằng cách nào - thưa ông?
Trước hết, xin khẳng định trong cái khó có những cái “khôn” hay cái thích ứng. Mấy chục năm qua, đừng quên ngay tại các Trường ĐHSP; CĐSP đã có nhiều ngành đào tạo song ngành: Sử - GDCD; Sử - Địa; Hóa - Sinh; Thể dục - GDQP; Sử - GDQP; GDCD - Đoàn Đội; Toán - Tin; Toán - Lý; Hóa - Sinh… Những minh chứng này nằm ngay trong lịch sử của GD nước nhà, ở lịch sử phát triển của ngành SP, trong ký ức của từng người đã từng là HS, SV…
Xin khẳng định ở đây, nếu những “kinh nghiệm” này có thể đáp ứng một thời khó khăn về GV do tình hình chung, thì chính những GV được đào tạo đã tích hợp kiến thức khi dạy - hay họ đã nhìn thấy sự giao thoa kiến thức để triển khai, tổ chức dạy học từ lâu nay…
Thứ nữa, chương trình GDPTTT cũng không phải bắt buộc GV dạy đa môn theo hướng “tích hợp - liên môn - lồng ghép”. Ở đây xin nhấn mạnh đó là xu hướng cần được mềm hóa và cần xem xét, khi tìm hiểu chương trình GDPT chi tiết từng môn học cập nhật nhất. Ví dụ chương trình GDCD cần tích hợp trong nội tại, để đảm bảo các kiến thức về Đạo đức; Giá trị sống - Kỹ năng sống; GD Pháp luật; GD toàn cầu; GD truyền thống trong cái nhìn của Triết lý GD.
Chúng ta cần công bằng với mục tiêu GDPT mà chúng ta muốn đạt được. Phải thấy nội dung GDPT nào thiết yếu có liên quan - thì mới có thể xem xét xu hướng tích hợp nếu cần. Hơn thế nữa, việc khẳng định rằng bắt buộc có thể là sức ép - nếu chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý GD và GV đủ tâm huyết, tài năng - để đáp ứng tốt nhất việc thực thi chương trình GDPT mới…
PV: Một trong những rào cản nặng nề nhất, “đầu vào” của các trường SP của chúng ta vẫn có ít thí sinh có học lực xuất sắc - giỏi đăng ký dự thi vào SP. Bên cạnh đó, điểm chuẩn bình quân “đầu vào” các trường SP cũng chỉ nằm ở top trung bình so với cả nước. Như vậy, quả là hết sức đáng lo cho chất lượng “đầu ra” của các “lò” SP… Ông có trăn trở gì không?
Trước hết, xin khẳng định rằng có thể chúng ta có ít thí sinh có học lực xuất sắc - giỏi đăng ký dự thi vào SP là điều tồn tại nhưng không phải không có. Nghề dạy học không đơn giản nhìn vào điểm tuyển sinh. Vì nghề dạy học là nghề đặc biệt, trong đó năng lực song hành với phẩm chất của nhà giáo… Cũng cần nhìn nhận đến một số môn học đặc thù - để nhận ra rằng không chỉ có con số điểm tuyển sinh là có tất cả…
Cái nhìn sơ sài về ngành SP- rồi vội vã đánh giá nó cũng như bao ngành nghề khác- đã làm mất hẳn sự tôn trọng ắt hẳn phải có đối với GV mầm non, GV tiểu học, GV Nhạc - Họa - Thể dục (khi đây là những ngành cần có năng khiếu). Nếu có cái nhìn công bằng, chúng ta sẽ có thể nhận thấy ngay trong lĩnh vực đào tạo SP, đã có sự phức tạp của nó ở tính chất đa nhóm…
Ngoài ra, xin khẳng định, chúng ta đừng nhìn về điểm số tuyển sinh của một vài ngành đào tạo SP ở một số trường địa phương để có cái nhìn ảm đạm. Một số ngành - xin khẳng định ngành đào tạo SP: GV Văn; Toán; Tiếng Anh; Hóa… có điểm tuyển sinh là 24, 25, 26… Ai dám chê là thấp?
Một minh chứng là ngành SP GDMN; SP GDTH đều có điểm tuyển sinh khá cao… Vậy các vấn đề cần xem xét đó là: sở thích cá nhân và sự tính toán chọn ngành - nghề của thí sinh, công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông đã thật sự làm tốt chưa, “đầu ra” của SVSP gặp khó vì những nguyên nhân chủ quan - khách quan nào…? Không nên đổ hết mọi sự: SVSP sau khi tốt nghiệp tìm việc làm khó khăn là do các trường SP.
Nói như thế để chính xác hóa vấn đề, chứ không có nghĩa là không đáng lo. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao hiệu quả đào tạo GV của các trường SP - dựa trên việc nâng cao năng lực- nghiệp vụ các trường SP, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường SP…
Đó còn là việc tuyển dụng GV có thật sự khách quan- trung thực hay không? Việc sử dụng GV có đảm bảo công bằng chưa? Rồi chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo có đúng với chủ trương “quốc sách hàng đầu” chưa? Để thực hiện hàng loạt chính sách - giải pháp hết sức quan trọng này, chỉ riêng ngành GD&ĐT không thể làm nổi. Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò hướng nghiệp của gia đình, của các trường phổ thông, của các tổ chức xã hội…, đối với ngành SP ra sao!
PV: Xin cám ơn ông!