Chia sẻ tâm huyết của nguyên hiệu trưởng về nâng cao chất lượng giáo viên

GD&TĐ - Từ thực tế bồi dưỡng, đào tạo, quản lí giáo viên phổ thông, từ trao đổi giao lưu, học tập kinh nghiệm giáo dục của một số nước, NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên - Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, từng là hiệu trưởng 3 trường THCS tại Hà Nội – chia sẻ một số giải pháp đã được áp dụng có hiệu quả trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo

Giải pháp đầu tiên được cô Trần Thị Kim Liên chia sẻ là nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo giáo viên ở các nhà trường sư phạm bám sát với yêu cầu thực tế của các trường phổ thông.

Nhà nước và Bộ GD&ĐT cần có chế độ chính sách ưu tiên đặc biệt, khuyến khích thu hút các sinh viên giỏi vào trường sư phạm và sinh viên giỏi được phân công công tác khi ra trường. Đây là những chính sách các nước tiên tiến đã và đang thực hiện.

Để tránh tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu, hàng năm phải có sự đánh giá điều tra tỉ lệ biến động của đội ngũ giáo viên về các môn từ đó đào tạo đáp ứng cơ cấu chuyên môn, bổ sung hợp lí.

Đồng thời, khẩn trương, tích cực đào tạo lại một bộ phận giáo viên cho các bộ môn có sự tích hợp nội dung giảng dạy mới của chương trình đổi mới SGK sắp tới.

Chính sách chăm lo đời sống nhà giáo

Giải pháp này, cô Trần Thị Kim Liên nhắc đến chính sách tiền lương phải đảm bảo đời sống cho giáo viên để họ chuyên tâm cho công việc. Đội ngũ giáo dục rất cần sự ổn định nên cần làm cho họ yên tâm gắn bó với nghề, yên tâm với công việc, hạn chế sự xáo trộn không cần thiết.

Điều này nhiều nước tiên tiến vẫn duy trì và trong một quốc gia chỉ có nghành giáo dục và vài ngành trọng điểm là có sự ưu đãi đặc biệt này.

Người nước ngoài cũng xin phép dự giờ giáo viên người Việt và nhận xét cường độ làm việc của chúng ta trên lớp rất cao. Lớp học ở nước ngoài chỉ thường 25-30 học sinh là cao, của chúng ta có khi 55-60 học sinh. Trường phổ thông của Đức thường có 500 học sinh, có 4 cán bộ quản lí; trong khi Việt Nam trường 3000 học sinh, có 3 CBQL. Như vậy mới thấy lao động của nhà giáo Việt rất nhiều khó khăn, vất vả.

NGƯT Trần Thị Kim Liên 

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong từng trường học

Để làm được điều này, theo cô Trần Thị Kim Liên, cần thực hiện một loạt các giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: làm tốt công tác nâng cao nhận thức tư tưởng về vai trò trách nhiệm của nhà giáo về năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn nghề nghề nghiệp để giáo viên hiểu và ý thức được những việc mình phải thực hiện trong công việc và cuộc sống. Có thể điều chỉnh một số tiêu chí của chuẩn cho phù hợp với thực tiễn đổi mới giáo dục.

Thứ 2: đánh giá thực trạng của từng đội ngũ với các thế mạnh yếu, ưu điểm nhược điểm trước yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục để xây dựng chiến lược của nhà trường, mục tiêu kế hoạch, tổ chức nhân sự đội ngũ hợp lí cho việc dạy học, xây dựng các điều kiện phục vụ nâng cao chất lượng...

Thứ 3: cần động viên khuyến khích mọi người tích cực tự học tự bồi dưỡng, làm thay đổi tư duy thụ động trì trệ cho rằng đào tạo ở trường sư phạm là đủ hoặc cho rằng cứ dạy lâu là lên lão làng.

Thứ 4: Tổ chức thường xuyên và định kì các lớp học tập, bồi dưỡng chuyên đề về giáo dục để đội ngũ có thể trao đổi kinh nghiệm giảng dạy chuyên môn, các phương pháp quản lí, giáo dục hiệu quả. .. giúp mọi người cùng nâng cao chuyên môn.

Thứ 5: Mời chuyên gia, giáo viên giỏi có kinh nghiệm cùng hợp tác trong các hoạt động giảng dạy bồi dưỡng đội ngũ để nâng cao chất lượng chuyên môn, thường xuyên cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

"Có thể mời chuyên gia của Anh, Đức... liên kết giảng dạy ngoại ngữ, cho giáo viên dự giờ người nước ngoài để học tập phương pháp dạy tích cực của họ.

Thứ 6: phát huy tinh thần dân chủ trong hoạt động của nhà trường để giáo viên được bàn bạc trao đổi thống nhất các hoạt động trong nhà trường về phân công chuyên môn, chi tiêu nội bộ, các qui trình quản lí dạy học, quản lí nhà trường,... Giáo viên được tôn trọng, được đề xuất kiến nghị, được tham gia kiểm tra, kiểm soát đánh giá các hoạt động một cách công khai rõ ràng trên tinh thần dân chủ, theo qui chế dân chủ trường học được thông các hội nghị cán bộ giáo viên định kì.

Thứ 7: Để xây dựng đội ngũ nhà giáo có nề nếp kỉ cương, tình thương, trách nhiệm và là một khối đoàn kết thống nhất, có sức mạnh sáng tạo khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, cần phát huy vai trò hoạt động tích cực của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường: Chi bộ Đảng, công đoàn, chi đoàn thanh niên, thiếu niên, cha mẹ hs.

Thứ 8: xây dựng các điều kiện làm việc giảng dạy học tập thật tốt đáp ứng với nhu cầu phục vụ đổi mới. Càng khó khăn càng sáng tạo, nghĩ cách tiết kiệm nhất để tạo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.

Thứ 9: Kết hợp với các lực lượng cùng phối hợp chăm lo đội ngũ giáo dục, thực hiện xã hội hóa giáo dục để có thêm nguồn lực hỗ trợ, nâng cấp giáo dục.

Tứ 10: đẩy mạnh phong trào thi đua trong giáo viên (kết hợp thi đua trong học sinh); động viên khen chê kịp thời, khen thưởng tôn vinh xứng đáng những người có thành tích, có hiệu quả giảng dạy tốt. Cần phải xây dựng quĩ khen thưởng cho cả thầy và trò, tránh nhất là cào bằng trong giáo dục.

Thứ 11: chọn lựa, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt và giao nhiệm vụ là bước đột phá khi xây dựng đội ngũ giáo viên, là khâu xây dựng mục tiêu và tổ chức nhân sự. Để có đội ngũ cán bộ quản lí tốt phải có sự phát hiện bồi dưỡng, sự tín nhiệm, đánh giá của đội ngũ gv tập thể sư phạm và các cấp lãnh đạo.

Thứ 12: Cán bộ QLGD phải được bồi dưỡng học tập chuyên môn nghiệp vụ quản lí, vững vàng về chuyên môn theo Chuẩn (nên rà soát và đổi mới một số tiêu chí của Chuẩn cho phù hợp với công cuộc đổi mới ). Nên mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết của đội ngũ quản lí bằng việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lí, tham quan học tập các mô hình giáo dục tiêu biểu điển hình trong và ngoài nước.

Thứ 13: đánh giá giáo viên, CBQL hàng năm vẫn diễn ra để xếp loại mang tính thi đua là chủ yếu, tuy có các tiêu chuẩn nhưng còn chung chung khó phân định được mức độ, thiếu chính xác, khách quan.

Muốn đánh giá chính xác giáo viên, cần sự kết hợp thêm các mặt, các tiêu chí khác; ngoài ra còn đánh giá qua các kênh thông tin phiếu tín nhiệm của quần chúng, phụ huynh, học sinh để khách quan,chỉ rõ được năng lực, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ