Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế

Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế

(GD&TĐ) - Ngày 11/10, tạiTrường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) diễn ra Hội thảo “Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam. 

Điều hành Hội thảo là các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam và quốc tế
Điều hành Hội thảo là các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam và quốc tế
 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Cộng đồng kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội đồng lý luận Trung ương, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đại diện lãnh đạo một số địa phương, Quỹ Friedrich Naumann (FNF), đại diện lãnh đạo Phái đoàn EU tại Việt Nam và một số Đại sứ quán các nước Đông Nam Á, và các Viện nghiên cứu và các Trường đại học khối kinh tế, kinh doanh và quản lý, doanh nghiệp.

Đây là Hội thảo quốc tế nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả và các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về kinh nghiệm hội nhập kinh tế, kinh nghiệm của các nước ASEAN trong việc tham gia và đóng góp cho việc thực hiện AEC vào năm 2015 cũng như những gợi ý cho Việt Nam tham gia thành công AEC.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Kinh nghiệm của các nước ASEAN trong việc tham gia vào AEC với 4 trụ cột gồm thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, vùng kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, trong đó phân tích: Nhận thức, các chính sách hoặc các chiến lược tham gia vào AEC, Lộ trình tham gia AEC và việc thực hiện lộ trình, Các tác động của việc tham gia AEC đến quốc gia.

Các bài học kinh nghiệm: Kinh nghiệm của EU và các khu vực khác về hội nhập khu vực, trong đó nhấn mạnh vào các vấn đề: Quá trình hình thành và phát triển của Liên minh Châu Âu, những thách thức của EU trong bối cảnh toàn cầu mới và những kinh nghiệm cho các nước ASEAN; Kinh nghiệm của các nước thành viên EU trong việc tham gia vào EU, so sánh giữa EU và AEC.

Hội thảo một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc thành lập AEC với các nước thành viên. Việc tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên ASEAN như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh.

Các nước ASEAN cũng sẽ tăng cường tham gia vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu và hưởng lợi hơn từ thương mại và đầu tư nội khối. Hội nhập kinh tế ASEAN, đặc biệt việc ủng hộ và tham gia tích cực AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác, nắm bắt được những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực nhằm mục tiêu phát triển.

Hiện các nước trong khu vực đã triển khai nhiều hành động chuẩn bị cho việc thành lập AEC và đã hoàn thành 70% khối lượng công việc theo lộ trình. Kinh nghiệm hội nhập của các nước ASEAN chỉ ra rằng, để có thể tận dụng tối đa các lợi ích mà AEC đem lại cần tiến hành các cải cách trong nước theo tiêu chuẩn và yêu cầu hội nhập. AEC cũng đặc biệt chú trọng thúc đẩy mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, đây là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN - 6, quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn.

Hiên Kiều

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ