Kinh nghiệm phân bổ ngân sách cho giáo dục ĐH ở Trung Quốc

GD&TĐ - Việc nghiên cứu kinh nghiệm tài chính giáo dục ĐH các nước trong khu vực, đánh giá hệ thống, mô hình phân bổ ngân sách hiện tại của Việt Nam là hết sức cần thiết để tìm ra những điểm hạn chế, cần cải thiện, qua đó có thể xây dựng một mô hình phân bổ ngân sách hoàn thiện hơn, hướng tới định lượng hơn.

Kinh nghiệm phân bổ ngân sách cho giáo dục ĐH ở Trung Quốc

Với nhận định này, PGS.TS Nguyễn Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ kinh nghiệm phân bổ ngân sách giáo dục một số quốc gia châu Á trong tham luận tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay”.

Dưới đây là kinh nghiệm phân bổ ngân sách cho giáo dục ĐH ở Trung Quốc – một nội dung trong tham luận của PGS.TS Nguyễn Trường Giang.

Kỳ thi đại học sẽ quyết định tương lai của nhiều người trẻ Trung Quốc - Ảnh: AFP
Kỳ thi đại học sẽ quyết định tương lai của nhiều người trẻ Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trung Quốc có hệ thống giáo dục ĐH lớn nhất trên thế giới, tính theo số lượng sinh viên tuyển sinh và số lượng bằng được cấp; xếp thứ 39 trên thế giới trong bảng xếp hạng của U21.

Hệ thống này đã chuyển từ một hệ thống hoàn toàn tập trung, hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách trước cải cách, sang hệ thống hiện nay cho phép nhiều trường có quyền tự chủ đáng kể, giao cho chính quyền cấp tỉnh chịu trách nhiệm về hầu hết các trường ĐH trên địa bàn tỉnh, và tỷ lệ sinh viên theo học tại các trường dân lập (có chất lượng khác nhau) ngày càng tăng, khoảng một nửa số trường dân lập lúc đầu liên kết với các trường công lập nhưng thu học phí cao hơn nhiều.

Ngoài ra, theo hai sáng kiến được tài trợ để thực hiện (Dự án 211 và 985), một số trường đang được thúc đẩy để trở thành trường “cao cấp”, “đẳng cấp thế giới” hoặc trường “nổi tiếng về nghiên cứu”. Nhiều trường nguyên là đơn ngành bị bắt phải sáp nhập với các trường khác để tạo thành các trường ĐH lớn hơn, đa ngành và hiệu quả hơn.

Tỷ lệ ngân sách nhà nước trong tổng chi tiêu giảm từ khoảng 92% vào năm 1993 xuống khoảng 67% vào năm 1999, sau đó là khoảng 43% trong năm 2005. Đồng thời, tỷ lệ của học phí và lệ phí trong tổng chi tiêu tăng từ khoảng 6% trong năm 1993 lên 17% vào năm 1999 và 32% vào năm 2004.

Xu hướng này được cho là vẫn tiếp tục và một số học giả Trung Quốc lập luận rằng hệ thống kế toán của giáo dục đại hiện tại làm cho việc giải thích trở nên khó khăn nếu không nói là không thể (Fengliang, 2012).

Học phí hiện nay ở Trung Quốc thay đổi tùy theo trường, chương trình và địa phương. Theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, học phí cần phản ánh các chi phí hoạt động của tổ chức, một phần phù hợp từ chính phủ, sự phát triển kinh tế của địa phương và thu nhập hộ gia đình chia đều cho mỗi sinh viên.

Trong khuôn khổ trường ĐH, sinh viên trong các chương trình khác nhau phải trả các mức học phí khác nhau. Đối với một số chuyên ngành như công nghệ phần mềm, mức học phí trong năm thứ 3 và thứ 4 tăng gấp đôi hoặc thậm chí gần gấp ba lần học phí trong hai năm đầu tiên.

Theo hướng dẫn từ chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh quy định mức học phí của tất cả các trường ĐH nằm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trong khi học phí chỉ có thể thu bằng mức tối đa 25% chi phí cho mỗi sinh viên hàng năm do Bộ Giáo dục đề ra, mức học phí trung bình toàn quốc vẫn cao hơn con số này.

Các mức học phí chuẩn của các trường được thông qua bởi chính quyền tỉnh hoặc hoặc tùy thuộc vào thẩm quyền của các cơ quan (Wang, 2009). Sinh viên thuộc sáu trường ĐH sư phạm quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục (tức là đào tạo giáo viên) đã được miễn học phí kể từ học kỳ mùa thu năm 2007. Những sinh viên này được yêu cầu phải làm giáo viên trong hệ thống k-12 giáo dục sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa: AFP
Ảnh minh họa: AFP

Với việc thực hiện tăng học phí và lệ phí trong các cơ sở giáo dục ĐH, một hệ thống hỗ trợ tài chính cho sinh viên đã bắt đầu được thực hiện trong những năm gần đây. Các hỗ trợ tài chính cho sinh viên bao gồm:

Trợ cấp: Chương trình Trợ cấp nhà nước được xây dựng vào năm 2002 nằm trao thưởng cho những sinh viên nghèo xuất sắc tại các trường ĐH chính quy.

Học bổng: Học bổng dựa trên thành tích là một trong những loại viện trợ chính dành cho sinh viên ĐH từ năm 1986.

Chương trình vừa học vừa làm: Năm 1994, "Quy định về việc thành lập Quỹ vừa học vừa làm trong các trường ĐH chính quy" đã được ban hành để yêu cầu tất cả các trường lập các quỹ vừa học vừa làm nhằm giúp đỡ sinh viên nghèo.

Miễn học phí: Chỉ có một số lượng rất hạn chế của sinh viên nghèo có thể nhận được loại viện trợ này.

Các khoản vay cho sinh viên: Chương trình cho vay đầu tiên bắt đầu vào năm 1986. Có ba loại chương trình cho sinh viên vay ở Trung Quốc: Chương trình cho vay thương mại cho sinh viên (GCSL), Chương trình trợ cấp cho vay của chính phủ (GSSL), và Chương trình Chính Phủ cho sinh viên thường trú vay (SRL) (ICHEFAP, 2009).

Trong năm 2009, học phí năm học được ước tính dao động từ khoảng 2.500 RMB cho các chương trình học phí thấp (chẳng hạn như sư phạm và nông nghiệp) tới khoảng 5.000 RMB cho các chương trình trung cấp (chẳng hạn như các chương trình khoa học tự nhiên và xã hội) và khoảng 10.000 NDT để một số chương trình nhu cầu cao (chẳng hạn như kế toán quốc tế, tài chính, kỹ thuật phần mềm) (xấp xỉ tương ứng 390 USD, 780 USD, và 1560 USD ở theo tỷ giá chính thức lúc đó).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.