Luôn bắt đầu từ việc học hỏi người đi trước
Ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Phạm Ngọc Liêm vẫn ý thức rõ được rằng cần phải trang bị thật nhiều kiến thức trước khi bước chân vào thương trường. Vì vậy mà sau khi tốt nghiệp đại học, anh đầu quân cho một công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp.
Tại đây, anh có dịp tiếp xúc với nhiều doanh nhân, chủ doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Chàng trai trẻ không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và sản xuất từ những khách hàng của mình. Ròng rã 3 năm, khi đã hiểu rõ tất cả mọi khía cạnh của việc điều hành 1 doanh nghiệp, anh mới quyết định bỏ việc và bắt đầu hành trình tự kinh doanh.
Tiếp đó, Liêm chọn nghề sản xuất và kinh doanh túi xách và ví da để khởi nghiệp. Anh dành thêm 2 năm để theo học từng đường may mũi chỉ của một vị “sư phụ” có hơn 30 năm kinh nghiệm may túi xách và ví da. Liêm cho rằng chỉ khi mình thực sự hiểu và giỏi về nghề thì mới có cơ may thành công.
Các sản phẩm của Lee & Tee |
Khởi nghiệp bằng lợi thế địa phương
Trọ học ở Tân Bình (TPHCM), Phạm Ngọc Liêm được tiếp xúc với nghề may mặc vốn là thế mạnh của khu vực này. Nhờ vậy, anh có điều kiện tìm hiểu sâu về những mảng sáng tối đa chiều của nghề trước khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất và kinh doanh. Đây là một điểm rất quan trọng với người khởi nghiệp. Nếu không tìm hiểu kỹ càng mà vội vàng chạy theo trào lưu, nguy cơ thất bại sẽ rất lớn
Doanh nhân Phạm Văn Tam, nhà sáng lập Tập đoàn Asanzo cũng có cùng suy nghĩ này. Theo anh, nhà khởi nghiệp khôn ngoan không bao giờ hấp tấp chạy theo xu thế mà phải biết kết hợp ưu điểm của bản thân với những thế mạnh nơi mình sinh sống. Chỉ khi ta tận dụng hết lợi thế mình có được mới đủ sức tồn tại và cạnh tranh với những đối thủ khác trên thương trường.
Luôn chuẩn bị sẵn sàng để chớp lấy cơ hội
Trong quá trình học may đồ da, Phạm Ngọc Liêm vẫn không quên hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình và chuẩn bị thật chu đáo mọi thứ, sẵn sàng cho việc khởi nghiệp ngay sau khi ra nghề.
Với số vốn ít ỏi, anh chỉ dám nhắm đến một căn nhà 10m2 ở cuối đoạn đường Cách Mạng Tháng 8 nhộn nhịp để đặt cửa hàng trưng bày và bán túi và ví da. Ròng rã suốt nhiều tháng trời, Liêm kiên nhẫn chờ đợi những người thuê cũ dọn đi để thế chỗ vào. Và khi chủ nhà vừa đăng bảng cho thuê, anh lập tức vào đặt cọc chỉ sau… 2 phút. Đây cũng chính là cửa hàng Lee&Tee đầu tiên của Phạm Ngọc Liêm.
Sai lầm khi ước lượng thu chi và sử dụng nguồn vốn thiếu hợp lý
Nhờ sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, những sản phẩm của Lee&Tee nhanh chóng thu hút được khách hàng. Công việc kinh doanh trong 3 tháng đầu thuận lợi đến mức Liêm muốn nhanh chóng mở thêm một cửa hàng mới. Lúc này, vấn đề về quản lý nguồn vốn bắt đầu xuất hiện.
Theo sổ sách của Liêm thì 2 cửa hàng vẫn đang sinh lợi. Nhưng thực tế Lee & Tee lại đang bắt đầu lỗ nặng. Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp non trẻ của Liêm rơi vào khủng hoảng khi không còn khả năng chi trả các chi phí liên quan. Anh bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần.
Về sau, khi phân tích thật kỹ càng, Liêm mới nhận ra sai lầm của mình. Anh đã ước lượng các khoản thu chi một cách rất mơ hồ, thiếu chặt chẽ và không hề chính xác. Thêm vào đó, các khoản chi cá nhân của anh và vợ đã thâm vào nguồn vốn lưu động của cửa hàng mà anh không hề hay biết. Đây là một sai lầm rất thường gặp ở những người mới bắt đầu khởi nghiệp như Liêm: nhầm lẫn giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp.
Giải pháp tài chính từ 2 chú heo đất
Biết được nguyên nhân, Phạm Ngọc Liêm bắt đầu thắt chặt các khoản chi tiêu của mình. Anh và vợ cắt giảm mọi chi phí cá nhân có thể để tập trung nguồn tiền giải quyết vấn đề tài chính của Lee&Tee.
Đối với các khoản chi cho các cửa hàng, Liêm tiếp tục chia 2 nhóm: chi phí cố định và chi phí phát sinh. Trong đó chi phí cố định bao gồm: Tiền mặt bằng, lương nhân viên, tiền nợ hằng tháng… Đây là các khoản chi bắt buộc hàng tháng và hầu như không thể cắt giảm, cần được ưu tiên đáp ứng trước. Các khoản chi này được anh cho vào chú heo đất thứ nhất có màu cam đều đặn mỗi ngày. Nhờ vậy mà đến cuối tháng anh luôn thanh toán đúng hẹn các khoản chi phí này.
Ngược lại, các khoản phát sinh khác như hao hụt, thất thoát… cần giảm thiểu đến mức tối đa. Riêng chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị hỗ trợ sản xuất cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng. Liêm sử dụng chú heo đất thứ 2 có màu xanh để giữ tiền cho các chi phí này.
Nguyên tắc của Liêm rất đơn giản: chú heo màu đỏ tượng trưng cho sự cấp bách, cần thiết trong hiện tại nên luôn phải được “cho ăn” đầy đủ trước tiên. Chú heo màu xanh tượng trưng cho hy vọng, là các khoản chi sẽ dùng trong tương lai sẽ được “cho ăn” sau. Nhờ cách làm rất đơn giản này, tình hình tài chính của Lee&Tee bắt đầu sáng sủa trở lại và dần đi vào ổn định.
Cũng từ đây, Liêm mới có đủ cơ sở và kinh nghiệm để phát triển kinh doanh một cách bền vững và ổn định. Sau 7 năm, từ một cửa hàng nhỏ có diện tích vỏn vẹn 10m2, hiện nay anh đã sở hữu 22 cửa hàng trên toàn quốc. Thành công của anh đến từ sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cùng với tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ trong cả hành trình khởi nghiệp nhiều gian nan và thử thách.