Kinh doanh thực phẩm online: Bất cập trong xử phạt vi phạm

GD&TĐ - Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Theo đó, quy định mức xử phạt tăng lên và được kỳ vọng sẽ có tác dụng răn đe hơn. Tuy vậy, với các cơ sở kinh doanh thực phẩm dưới hình thức online việc xử phạt được cho là còn khó khăn.  

Phần lớn thực phẩm bán online tự phát hiện nay không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn thực phẩm
Phần lớn thực phẩm bán online tự phát hiện nay không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn thực phẩm

Vô số thực phẩm bán online

Công nghệ phát triển, mua sắm online được người dân lựa chọn ngày càng nhiều, bởi sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh mặt hàng quần áo, các loại thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn cũng được tiếp thị liên tục trên các trang mạng.

Vào Google gõ từ khóa “đồ ăn online” vài chục giây cho tới hơn 80 triệu kết quả. Từ thịt bò sốt vang, đuôi bò hầm thuốc bắc, tới các đồ ăn vặt như chân gà sả ớt, khô gà, bánh sữa chân châu… với những lời mời chào vô cùng hấp dẫn. Lướt qua các chợ đồ ăn online mới thấy sự nhộn nhịp tưng bừng và doanh số cũng khá ổn của những chủ hàng qua những comment trao đổi.

Tuy nhiên, việc buôn bán thực phẩm online trên thực tế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cách bán hàng tự phát, phần lớn chủ hàng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Mai Nga ở Triều Khúc (Hà Nội) chia sẻ: Một lần vào Facebook nhìn ảnh và quảng cáo hấp dẫn về các món chè Huế tự làm, không kìm lòng được tôi đã đặt mua 5 suất chè đặc biệt. Nhận hàng rồi mở ra mà chả dám ăn vì cốc chè có mùi chua. Tôi có nhắn tin lại vài lần nhưng không thấy chủ hàng phản hồi. Vì vậy, khi Nghị định mới có hiệu lực, với mức xử phạt cao hơn hy vọng những người kinh doanh thực phẩm nói chung và những người kinh doanh mặt hàng này trên online sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khó xử phạt

Nghị định mới quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo; Tăng mức phạt tiền ở các hành vi vi phạm (chẳng hạn mức phạt lên tới 200 triệu đồng đối với tổ chức tập thể và 100 triệu đồng đối với cá nhân); Quy định nhiều hành vi bị xử phạt, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm…

Cùng với các dịch vụ kinh doanh có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, hình thức kinh doanh thực phẩm online cũng sẽ bị áp dụng các mức phạt này nếu vi phạm các tiêu chí mà Nghị định đã đặt ra. Tuy nhiên, phát hiện và xử phạt việc kinh doanh online được cho là gặp nhiều khó khăn. Vì trên thực tế, nhiều cơ sở lại chỉ tồn tại trên mạng và được chủ cửa hàng cam đoan bằng lời nói, khách hàng mua sản phẩm bằng niềm tin.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) nhấn mạnh: Trong Nghị định, mức xử phạt cao hơn, có tính chất răn đe hơn đối với những đơn vị và cá nhân vi phạm. Đối với việc xử phạt trong kinh doanh online, việc xác định chủ thể kinh doanh là do các cơ quan chức năng phát hiện.

Trên thực tế một cửa hàng có thể kinh doanh dưới nhiều hình thức: Bán hàng trực tiếp hoặc bán hàng online. Những cơ sở này nếu vi phạm về vệ an toàn thực phẩm thì sẽ bị phạt theo đúng quy định. Vấn đề ở đây là trước khi xử phạt thì phải xác định được chủ thể vi phạm hoạt động này.

Cũng theo ông Châu, hình thức kinh doanh quảng cáo online các sản phẩm chức năng không đúng thực tế đã được cấp phép cũng gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy Nghị định 115/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế cho nghị định cũ cũng góp phần tăng cường chế tài để quản lý hoạt động kinh doanh các mặt hàng này trên mạng Internet.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng bày tỏ ý kiến: Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực đã giúp cho việc phát hiện, cũng như mức xử phạt với cá nhân và tổ chức kinh doanh thực phẩm online vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được định danh rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, các cơ sở bán hàng online mọc lên quá nhiều cũng khiến cho vấn đề quản lý và xử phạt gặp khó khăn. Vì vậy, việc tăng cường về lực lượng tham gia kiểm tra giám sát từ cán bộ thị trường, công an cho tới tận tuyến phường xã là cần thiết. Còn khi các cá nhân bán hàng trên mạng thay đổi địa điểm thường xuyên thì sẽ khó khăn rất nhiều trong việc quản lý và xử phạt, thậm chí sẽ không truy tìm được chủ thể kinh doanh để xử phạt.

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;

b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;

c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;

c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín;

đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay;

e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.

(Trích Điều 15 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...