Kiev phải chấp nhận mất lãnh thổ và đứng bên lề NATO?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Đức, xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc với một số thỏa hiệp bất lợi cho Ukraine là chấp nhận mất lãnh thổ và không được gia nhập NATO.

Kiev phải chấp nhận mất lãnh thổ và đứng bên lề NATO?

Hôm 24/6, các quan chức chính quyền Nga thông báo rằng, các đề xuất trước đó của Moscow liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine vẫn có hiệu lực.

Tuy nhiên, họ khẳng định Điện Kremlin sẽ không thay đổi quan điểm của mình, bất kể áp lực từ phương Tây là như thế nào.

Hôm 26/6, nhà khoa học chính trị người Đức, chủ tịch của “Eurasian Society” là ông Alexander Rahr đã thu hút sự chú ý đến chi tiết đến những gì đang xảy ra trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu nói riêng và cả thế giới phương Tây nói chung, trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm “Eurasia.Expert”.

Ông Alexander Rahr đã dự đoán thời gian và kết quả có thể xảy ra về các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây về Ukraine, đồng thời nói về triển vọng có thể giải quyết cuộc xung đột giữa lòng châu Âu này và triển vọng địa-chính trị của nó.

Tất cả xuất phát từ mong muốn duy trì thế giới đơn cực

Vị chuyên gia Đức lưu ý rằng, phương Tây, đại diện bởi Hoa Kỳ, EU và một số quốc gia khác, đang cố gắng hết sức để bảo tồn thế giới đơn cực cũ, trong khi Nga, Trung Quốc và một số quốc gia đang cố gắng thay đổi trật tự thế giới cũ, xây dựng một thế giới mới đa cực.

Ông Alexander Rahr cho biết, có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi giữa Nga và phương Tây, mà vấn đề đầu tiên và cốt lõi có liên quan đến kiến ​​trúc an ninh châu Âu là phương Tây không muốn đưa Nga vào đó, mà họ muốn đẩy Nga sang châu Á.

Là một cường quốc thế giới, Nga cần ít nhất một vùng ảnh hưởng cho riêng mình ở khu vực, nhưng Liên minh châu Âu muốn xây dựng một “đế chế thuần hóa” với các giá trị tự do trên lục địa này.

Đối với phương Tây, các quốc gia không tuyên bố mô hình tự do của nền dân chủ phương Tây như Nga chính là kẻ thù.

Đổi lại, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã là thành viên hoặc đang tìm cách gia nhập câu lạc bộ BRICS đã bắt đầu tạo ra một thế giới đa cực, trong đó sẽ không có sự phụ thuộc vào phương Tây.

Tuy nhiên, quá trình này sẽ không thể diễn ra theo cách bình tĩnh (hàm ý là một quá trình hòa bình) và nhân loại sẽ phải đối mặt với sự đối đầu, vì phương Tây không bao giờ tự nguyện từ bỏ sự thống trị của mình và luôn mong muốn duy trì quyền tiếp tục áp đặt các tiêu chuẩn của mình cho mọi quốc gia.

Theo vị chuyên gia này, cơ hội cho sự phát triển hòa bình của nhân loại đã bị bỏ lỡ chính vì ước vọng duy trì thế giới đơn cực của Mỹ và các đồng minh.

Phương Tây, bằng chính đôi tay của mình, đã giết chết ngay cả đứa con tinh thần yêu thích của mình là “toàn cầu hóa”, vốn đã sụp đổ trong một cuộc chiến không cân sức từ những đòn trừng phạt của phương Tây đối với tất cả những ai không ngoan ngoãn tuân theo các định hướng của họ.

Nếu Nga và Trung Quốc muốn thiết lập một trật tự thế giới mới chống lại thế giới đơn cực của Mỹ, hầu hết các quốc gia trên hành tinh sẽ lại phải đưa ra lựa chọn bằng cách gia nhập một trong hai liên minh này.

Phương Tây sẽ dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ, năng lực quân sự và kinh tế của NATO và các đồng minh (Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác).

NATO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng trên các vùng biển cùng với Mỹ, vì vậy Nga được kỳ vọng sẽ là tâm điểm của việc xây dựng một kiến ​​trúc an ninh Á-Âu mới, đóng vai trò trụ cột kiềm chế châu Âu và các quốc gia thân Hoa Kỳ trong khu vực rộng lớn này.

Ukraine sẽ phải chấp nhận mất lãnh thổ và không thể vào NATO

Bàn riêng về cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine hiện nay, vị chuyên gia Đức cho rằng, một cuộc thảo luận thực chất về các vấn đề ổn định và an ninh ở châu Âu sẽ bắt đầu khi người ta xác định rõ ràng về kết cục của cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.

Hiện nay, phương Tây vẫn hy vọng rằng Kiev sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Moscow, thông qua các khoản ngân sách cho vay để duy trì hoạt động của đất nước Ukraine, cùng với những gói viện trợ vũ khí khổng lồ, liên tiếp leo thang về cấp độ sát thương.

Nếu ông Zelensky là người ca khúc khải hoàn, Liên bang Nga sẽ suy yếu và mất đi phạm vi ảnh hưởng, Moscow sẽ không còn là gì trong mắt phương Tây, nhưng nếu ông Putin giành chiến thắng, đó sẽ là một cú sốc mạnh mẽ đối với NATO, EU, Hoa Kỳ và thế giới phương Tây nói chung.

Khi đó, Brussels và Washington sẽ bắt đầu tích cực nói về việc thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh và triển khai một “cuộc đối đầu toàn diện” với Moscow, nhưng vẫn tìm kiếm tiếng nói chung về các vấn đề cần thiết, mà việc giải quyết nó không thể không có Nga.

Ông Alexander Rahr nhận định, đối với các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine, chúng có thể sẽ bắt đầu vào cuối năm 2024. Sẽ không có cuộc chiến tranh toàn diện nào giữa Liên bang Nga và NATO, vì Hoa Kỳ rất phản đối việc dẫn tới một kịch bản có thể lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Do ngay cả Mỹ cũng không muốn đối đầu quân sự của Nga nên chắc chắn không một nước phương Tây nào muốn tiến hành một cuộc chiến tranh với Nga.

Rahr tin rằng, cuối cùng Moscow và phương Tây sẽ đạt được một số thỏa hiệp bất lợi cho Ukraine mà cốt lõi là những vùng đất của Ukraine mà Moscow hiện coi là một phần lãnh thổ của mình và thực sự do quân đội Nga kiểm soát sẽ được phương Tây và Kiev công nhận là một phần của Nga.

Ở phía đối diện, Ukraine sẽ nhận được bồi thường từ phương Tây cho việc mất một phần lãnh thổ của mình dưới hình thức tiền bạc và tư cách thành viên trong EU, nhưng chắc chắn không phải trong NATO, bởi cả khối này không muốn thu nạp một quốc gia sẽ khiến họ tiếp tục lâm vào nguy cơ xung đột quân sự với một cường quốc hạt nhân số 1 thế giới.

Họ biết chắc chắn rằng, ngay khi vừa gia nhập NATO, chính quyền Kiev sẽ ngay lập tức gây chiến để lợi dụng sức mạnh của cả khối chống Nga, đòi lại các vùng lãnh thổ đã mất và khi đó, NATO không thể từ chối một cuộc chiến với Nga do những quy định trong Điều 5 Hiệp ước NATO về phòng vệ tập thể.

Mời xem GỢI Ý ĐÁP ÁN các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ sáng 27/6.

Lịch thi cụ thể:

Sáng 27/6 thi Ngữ Văn; Chiều thi Toán.

Sáng 28/6 thi tổ hợp KHTN (Lý-Hóa-Sinh)/KHXH (Sử-Địa-Giáo dục công dân); Chiều thi Ngoại ngữ.

Ngay khi kết thúc mỗi môn thi, mời quý độc giả xem Gợi ý lời giải, Gợi ý đáp án trên Báo Giáo dục và Thời đại (giaoducthoidai.vn) >>> TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ