Tạo điều kiện tối đa
Giữa tháng 4/2025, Sở GD&ĐT TPHCM công bố 4 điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dành cho thí sinh tự do, gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5), Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (Quận 1), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 10 và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 12. Tại các điểm tiếp nhận này, sở bố trí đầy đủ thiết bị, hệ thống mạng Internet và đội ngũ giáo viên trực, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh đến đăng ký dự thi.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đơn vị triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tự do. Cụ thể, sở thiết lập hệ thống tiếp nhận hồ sơ riêng biệt với quy trình đơn giản hóa, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và xử lý thủ tục nhanh chóng.
Đồng thời, sở thiết lập đường dây nóng nhằm kịp thời giải đáp thắc mắc trong quá trình đăng ký. Bên cạnh đó, sở phối hợp với các trường THPT trên địa bàn để chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng thi phù hợp cho cả thí sinh chính quy và thí sinh tự do.
“Trong thời gian tiếp nhận hồ sơ, sở tiến hành rà soát và đảm bảo hệ thống trực tuyến hoạt động ổn định. Tuy nhiên, sở vẫn khuyến khích thí sinh đến trực tiếp các trung tâm để được tư vấn và hỗ trợ, bởi theo quy định, thí sinh tự do phải lưu hồ sơ tại các điểm tiếp nhận.
Đối với thí sinh đến từ các tỉnh, thành khác, sở chỉ đạo trung tâm tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cụ thể, đồng thời khuyến khích các em dự thi theo chương trình mới và cung cấp thông tin rõ ràng về sự khác biệt giữa hai chương trình”, ông Minh thông tin thêm.
Là một trong 4 địa điểm được giao tiếp nhận thí sinh tự do, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 12 những ngày qua đã nỗ lực hỗ trợ thí sinh đến nộp hồ sơ, đăng ký dự thi và giải đáp các thắc mắc liên quan.
Bà Phạm Thị Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh khi đến đăng ký, trung tâm thành lập một bộ phận chuyên trách để tư vấn và hỗ trợ. Khi thí sinh đến, cán bộ sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng để các em có thể hoàn tất đăng ký nhanh chóng, thuận tiện”.
Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5) cũng thành lập tổ hướng dẫn và hỗ trợ gồm 8 thành viên, do một Phó Giám đốc trung tâm làm tổ trưởng. Về cơ sở vật chất, trung tâm bố trí một phòng riêng, có nhân viên trực trong giờ làm việc để hỗ trợ thí sinh tự do. Ngoài ra, trung tâm lập nhóm Zalo để giải đáp kịp thời mọi thắc mắc của thí sinh trước và sau kỳ thi.

Tư vấn kỹ chọn chương trình thi
Ghi nhận thực tế tại TPHCM cho thấy, nhiều thí sinh tự do chọn đăng ký dự thi theo Chương trình GDPT 2018, tức chương trình mới. Đây là chương trình mà các thí sinh này chưa từng học trong 12 năm phổ thông, với nhiều điểm khác biệt về kiến thức và môn học so với Chương trình GDPT 2006.
Đối với Chương trình GDPT 2006, Sở GD&ĐT TPHCM đã ưu tiên xét duyệt đơn vị đăng ký của các thí sinh từng trượt tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp tại các trường trên địa bàn thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Tuy vậy, sở cũng lưu ý thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn chương trình dự thi, đồng thời tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường đại học để biết trường nào chấp nhận kết quả thi từ chương trình nào.
Từng trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Kinh tế TPHCM, N.T.T., trú tại Quận 8, quyết định bảo lưu kết quả tại một trường đại học ở quận Bình Thạnh để ở nhà ôn luyện và thi lại. Vừa qua, T. đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và chọn thi theo Chương trình GDPT 2018 với ba môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
T. chia sẻ: “Chương trình mới khó hơn so với chương trình cũ, nhưng em lại thích thú với các bài tập theo hướng phát triển tư duy. Khi đến nộp hồ sơ, em được thầy cô tư vấn kỹ cả hai chương trình. Sau khi cân nhắc, em quyết định thử sức với chương trình mới. Hiện tại, ngoài việc học thêm ở trung tâm, em nỗ lực ôn tập để đạt được mục tiêu vào đại học mơ ước”.
N.H.S., trú tại TP Thủ Đức, cũng chọn thi theo Chương trình GDPT 2018 với tổ hợp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Chia sẻ lý do lựa chọn chương trình mới, S. cho biết: “Trong quá trình tìm hiểu, em thấy ít trung tâm mở lớp ôn theo Chương trình GDPT 2006, nên nếu chọn chương trình cũ, em buộc phải tự học là chính.
Trong khi đó, với chương trình mới, em có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học hơn và không phải lo lắng việc trường có chấp nhận kết quả thi hay không. Ngoài ra, nội dung chương trình mới gắn với thực tiễn hơn, đặc biệt là môn Toán. Ví dụ như phần toán thực tế, chỉ cần phân tích dữ kiện và đưa về bài toán thuần túy là có thể giải được. Với kiến thức sách giáo khoa, em tin mình có thể đạt điểm 8 trở lên”.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5) Đỗ Minh Hoàng cho biết thêm: “Trung tâm đã tiếp nhận 800 hồ sơ của thí sinh tự do, trong đó đa số đăng ký dự thi theo Chương trình GDPT 2018. Số trường đại học còn xét tuyển theo Chương trình GDPT 2006 hiện không nhiều, do đó khi thí sinh đến đăng ký, bộ phận phụ trách đã tư vấn kỹ để các em tìm hiểu đề án tuyển sinh của từng trường, từ đó có lựa chọn phù hợp”.
Năm 2025 - năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do còn nhiều thí sinh học theo chương trình cũ có nhu cầu dự thi, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT tổ chức các địa điểm đăng ký riêng cho nhóm thí sinh này. Bộ sẽ xây dựng 2 bộ đề thi tương ứng với 2 chương trình giáo dục. Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006 được bố trí tại các điểm thi riêng biệt.