80 ngày cao điểm ôn thi tốt nghiệp: Thầy và trò cùng nỗ lực

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Sơn La bước vào đợt thi đua 80 ngày cao điểm ôn thi tốt nghiệp với quyết tâm vượt chỉ tiêu, bảo đảm thi nghiêm túc, thực chất, không để học sinh bị bỏ lại phía sau.

Học sinh THPT huyện Mai Sơn thi thử môn Toán do nhà trường tổ chức.
Học sinh THPT huyện Mai Sơn thi thử môn Toán do nhà trường tổ chức.

Thi đua từ lớp học

Ngày 11/4, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La phát động “Đợt thi đua cao điểm 80 ngày cống hiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm 2025”. Đây không chỉ là chiến dịch mang tính phong trào mà nhanh chóng trở thành động lực thực tiễn, lan tỏa tới từng phòng học, giáo viên, học sinh.

Đợt thi đua kéo dài đến trước kỳ thi tốt nghiệp, huy động toàn ngành Giáo dục vào cuộc với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu” và khẩu hiệu hành động “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Hơn 12.600 học sinh lớp 12 là “nhân vật” chính của chiến dịch này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, đây là thời điểm then chốt, quyết định kết quả không chỉ của kỳ thi, mà còn là phép thử cho chất lượng giáo dục thực chất. Từ chỉ đạo của sở, các trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Lập kế hoạch ôn tập chi tiết; tổ chức thi thử bám sát cấu trúc đề; phân nhóm học sinh để phụ đạo hiệu quả; phát động giáo viên giảng dạy ngoài giờ miễn phí cho học sinh yếu.

Đặc biệt, ngành chú trọng giảm khoảng cách giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi thật, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả đợt thi đua. Sau 40 ngày triển khai, nhiều địa phương đã tổ chức hai đợt thi thử và bước đầu cho thấy kết quả chuyển biến rõ nét ở phổ điểm và tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu.

Xác định kỳ thi tốt nghiệp năm nay là ưu tiên số một, theo ông Nguyễn Danh Tân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La, nhà trường chọn những giáo viên giỏi nhất để ôn tập cho 262 học sinh lớp 12 với mục tiêu 100% đỗ tốt nghiệp. Nhà trường không muốn học sinh chỉ đủ điểm, mà phải đủ kiến thức thật.

thay-va-tro-cung-no-luc-1.jpg
Thầy và trò Trường THPT Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai trao đổi phương pháp ôn luyện hiệu quả.

Tiếp sức miễn phí

Tại Trường THPT Mộc Lỵ (thị xã Mộc Châu), từ đầu tháng 3, các thầy, cô đều đặn lên lớp mỗi chiều để ôn luyện miễn phí cho toàn bộ 455 học sinh lớp 12. Ông Nguyễn Minh Hải - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cấu trúc đề thi năm nay có nhiều thay đổi. Mỗi giáo viên đồng hành chặt chẽ cùng học sinh, dạy đến đâu củng cố đến đó. Chúng tôi không để các em chông chênh trong chặng nước rút”.

Đợt thi đua cũng là dịp để hàng trăm giáo viên thể hiện tinh thần tình nguyện, trách nhiệm, vì học sinh thân yêu. Nhiều giáo viên ở các trường THPT vùng cao như Trường THPT Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai), không chỉ giảng dạy trên lớp, mà còn tổ chức học tối, cuối tuần, thăm hỏi, động viên các em nhà xa trường, thiếu điều kiện học tập.

“Chúng tôi đồng hành từng giờ với học sinh. Các thầy, cô luôn sát sao, nhất là những em phải ở nhờ nhà người quen để đi học. Trường hợp có nguy cơ bỏ thi đều có giáo viên phụ trách riêng, hỗ trợ kèm cặp”, Hiệu trưởng Nghiêm Tiến Dũng thông tin.

Không chỉ giảng dạy, các thầy cô còn đồng hành, tư vấn chiến lược ôn thi hiệu quả cho học sinh. Thầy Ngô Gia Năm Hai - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT huyện Mai Sơn có hơn 20 năm kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh lớp 12. Theo thầy Hai, bên cạnh nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh cần luyện cách tiếp cận và xử lý câu hỏi nghị luận, phân tích hiệu quả bài làm văn, đồng thời luyện tập làm bài thi có bấm giờ để cải thiện tốc độ làm bài. Việc ôn thi phải được triển khai theo kế hoạch cụ thể từng tuần, ngày, nếu ôn tập dồn dập vào sát ngày thi dễ gây hoang mang, lo lắng và không hiệu quả.

“Thời điểm này, đa số giáo viên bộ môn như Ngữ văn, Toán, Vật lý, Tiếng Anh… đều được ban giám hiệu phân công đứng lớp bổ trợ thêm cho các em. Chúng tôi gác lại công việc cá nhân, chắt chiu từng giờ để ôn luyện cho học sinh. Mong muốn lớn nhất của giáo viên là truyền được thông điệp tích cực để thầy và trò cùng nỗ lực, học và ôn nghiêm túc, không để mỗi tiết học trôi qua lãng phí”, thầy Hai nói.

thay-va-tro-cung-no-luc-3.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La nghe thầy giáo giảng môn Vật lý.

Vững tinh thần, bền ý chí

Không khí đợt thi đua 80 ngày đã tiếp thêm động lực cho nhiều học sinh vùng cao. Từ những em có học lực trung bình đến khá giỏi, tất cả đang tập trung cao độ cho mục tiêu của riêng mình. Hoàng Văn Nguyên - học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La chia sẻ: “Ngoài giờ học chính khóa, em được thầy cô hướng dẫn ôn luyện buổi chiều, tối. Em quyết tâm đạt điểm cao để thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người dân”.

Còn Bạc Cầm Trang - học sinh lớp 12A Trường THPT Mường Giôn có mơ ước làm cô giáo tiếng Anh để dạy lại cho các em nhỏ trong bản. Nhờ các đợt ôn tập thử, em đã tự tin hơn nhiều và đặt mục tiêu đạt điểm thật tốt ở kỳ thi.

Tại các trường còn vận động giáo viên và phụ huynh ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập, chi phí ăn ở cho học sinh khó khăn. Cuộc vận động “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu, mà được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, sâu sát từng học sinh.

Theo báo cáo sơ kết đợt thi đua cao điểm 80 ngày cống hiến, toàn ngành đã biểu dương, khen thưởng 5 tập thể và 20 cá nhân tiêu biểu. Đây là những giáo viên, cán bộ giáo dục không ngại khó khăn, sẵn sàng đóng góp sức mình để nâng bước học sinh vượt vũ môn.

Còn chưa đầy 30 ngày trước kỳ thi, Sở GD&ĐT Sơn La xác định đây là giai đoạn then chốt. Các nhà trường được yêu cầu rà soát tiến độ ôn tập, phân loại học sinh, tập trung nâng cao chất lượng bằng các giải pháp cụ thể. Từng trường tổ chức thi thử thêm ít nhất một lần, tăng cường rèn tâm lý phòng thi cho học sinh.

Cùng đó, các đơn vị tiếp tục huy động toàn lực chăm lo cho học sinh nghèo, thí sinh tự do, học sinh yếu kém. Mỗi giáo viên là một người dẫn đường. Mỗi học sinh là một mục tiêu cần hỗ trợ. Và mỗi tiết học hôm nay là viên gạch đặt nền cho thành công ngày mai.

“Đợt thi đua cao điểm 80 ngày cống hiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm 2025” do Sở GD&ĐT Sơn La phát động không chỉ hướng đến tỷ lệ học sinh đỗ, mà quan trọng hơn tạo chuyển biến sâu sắc về tinh thần trách nhiệm, tính thực chất trong dạy - học - thi, góp phần định hình giá trị bền vững cho giáo dục trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Niken là vật liệu rất quan trọng trong ngành điện tử.

Sự nghiêm trọng giả tạo

GD&TĐ - Bất chấp những lệnh trừng phạt đang được phương Tây áp đặt với Nga, châu Âu vẫn đang tích cực mua niken từ Moscow.

Minh họa/INT

Khách xa đấu đối tác gần

GD&TĐ - Từ khi trở lại cầm quyền, ông Trump đã nhiều lần công khai ý muốn sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.