Kiên trì định hướng lớn trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Chúng ta sẽ xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định triển khai; đồng thời bổ sung vấn đề, đòi hỏi mới, tạo đột phá hơn nữa đối với GD-ĐT.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới - Ảnh: VGP/MK
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới - Ảnh: VGP/MK

Chiều 28/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ GD&ĐT, cùng các bộ, ngành liên quan, một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhiều chuyển biến sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 10 năm qua, những đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo đều liên quan đến các định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW; thể hiện tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo của Trung ương Đảng và chính quyền các cấp.

Theo Dự thảo Đề án trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, thể chế, chính sách về giáo dục và đào tạo đã tạo lập được hành lang pháp lý quan trọng. Công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Giáo dục mầm non đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, về cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non, đặc biệt mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 bảo đảm yêu cầu thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh, tăng cường định hướng nghề nghiệp; thực hiện xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn được thế giới ghi nhận…

Kết quả đào tạo nguồn nhân lực các trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam được nâng lên. Nội dung chương trình đổi mới theo hướng ngày càng hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, thực nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều người học, nhất là những ngành, nghề mà thị trường lao động có nhu cầu lớn. Giáo dục đại học có dịch chuyển tích cực về cơ cấu ngành nghề, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng sinh viên tốt nghiệp từng bước được cải thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh theo hướng tăng quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế… Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế có chuyển biến tích cực. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới.

Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp đánh giá kết quả quá trình học với kết quả cuối năm học. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đi vào nề nếp, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên tiếp tục được quan tâm hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, chất lượng ngày càng nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai như chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ, chậm ban hành, thiếu sự thống nhất giữa quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo với đầu tư, tài chính, ngân sách. Một số quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức đã tạo rào cản cho đổi mới giáo dục, đào tạo.

Các chính sách ưu đãi đặc thù về thuế, vốn và đầu tư trong giáo dục chưa thực sự tạo điều kiện đẩy mạnh thực hiện tự chủ và xã hội hóa giáo dục. Quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn phân tán, hạn chế. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục đại học đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW - Ảnh: VGP/MK

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW - Ảnh: VGP/MK

Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của Nghị quyết 29-NQ/TW trong cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu", phát triển nguồn nhân lực trong xu thế chuyển đổi mô hình phát triển trên thế giới từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

"Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, thì những tồn tại, hạn chế của hệ thống giáo dục, đào tạo được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW đã được khắc phục đến đâu sau 10 năm triển khai, nguyên nhân, giải pháp sắp tới là gì?", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng cho rằng công tác tổng kết cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, từ công tác thể chế hoá đến tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung phân tích, đánh giá khách quan tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đối với những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được.

Công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai mà cần tập trung làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, và thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng "văn bản có đầy đủ nhưng không vận hành được", "chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông".

"Các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới", Phó Thủ tướng lưu ý.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, chúng ta sẽ xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.

"Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay", Phó Thủ tướng nói.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.