10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW: Tầm cao mới của hợp tác quốc tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, việc đẩy mạnh quốc tế hóa ở các trường đại học đã nâng tầm cao mới.

Sinh viên quốc tế nghe chia sẻ về các điểm cần lưu ý khi đến học tập tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NTCC
Sinh viên quốc tế nghe chia sẻ về các điểm cần lưu ý khi đến học tập tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NTCC

Hội nhập quốc tế là một trong những giải pháp cơ bản để giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực trình độ cao.

Thu hút mạnh mẽ sinh viên quốc tế

Báo cáo của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM tại Hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (ngày 16/9) khẳng định, quốc tế hóa được xem như chiến lược hoạt động của trường trong 10 năm qua.

Việc này nhằm tăng cường số lượng người nước ngoài đến giảng dạy, học tập và gửi sinh viên của nhà trường đến tham gia học tập lấy tín chỉ, nghiên cứu, thực tập tại các cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Nhà trường luôn đặt mục tiêu gia tăng số lượng người nước ngoài theo hướng phát triển dần đều qua các năm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hợp tác quốc tế.

Yassmine Dharampaul - sinh viên Trường Đại học Victorian (Canada), tham gia làm việc, nghiên cứu một học kỳ tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá, đây là trải nghiệm đáng nhớ về văn hóa, con người và nền giáo dục Việt Nam.

“Tôi được các giáo sư nhiệt tình, tốt bụng chào đón. Nhiệm vụ của tôi bao gồm nghiên cứu và phân tích trực tuyến cũng như thực hành trong phòng thí nghiệm. Nhờ thời gian làm việc này, kỹ năng tư duy phản biện và cộng tác của tôi được cải thiện”, Yassmine Dharampaul chia sẻ.

Thông tin thêm về vấn đề này, GS.TS Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế cho biết, với thế mạnh giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, Trường Đại học Quốc tế thu hút được 479 sinh viên từ khắp nơi như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường nhất, nhà trường cũng ghi nhận 20 sinh viên mong muốn đến học tập.

Bên cạnh đó, trường đã triển khai hình thức đón sinh viên đến thực tập tại phòng thí nghiệm và tham gia chương trình thực tập chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Chương trình đã đa dạng hóa cách tiếp nhận sinh viên, giúp họ tiếp cận với môi trường nghiên cứu tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh tính quốc tế hóa. Từ khi đưa chương trình thực tập này vào vận hành năm 2022, Trường Đại học Quốc tế thu hút được 79 sinh viên từ các trường uy tín trên thế giới như Đại học Victoria (Canada) và Đại học Quốc gia Singapore đến tham gia.

Khi đã thu hút được sinh viên, trường có nhiều hoạt động hỗ trợ để nhanh chóng thích nghi với môi trường, văn hóa và điều kiện học tập tại Việt Nam. Các hoạt động như Ngày định hướng, kết nối sinh viên với nhóm sinh viên bản xứ sinh hoạt trong câu lạc bộ Người bạn đồng hành; khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa như ngày hội văn hóa các nước, cuộc thi trang trí, chuyến đi thiện nguyện… được tổ chức thường xuyên.

Ngoài ra, trường đón 62 đoàn từ các trường nước ngoài đến tham gia chương trình giao lưu văn hóa, học thuật ngắn hạn với hơn 2.000 người tham dự. Những hoạt động mang đậm tính học thuật đan xen trải nghiệm ngày càng thu hút sinh viên quốc tế quan tâm và mong muốn đến tham gia. Điều này thể hiện qua số lượng người tham dự tăng đều từ 2 đến 5 lần qua các năm.

Theo GS.TS Lê Văn Cảnh, hội nhập quốc tế là xu hướng chung mà cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam đang hướng đến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy tính đa dạng văn hóa và kết nối sinh viên Việt Nam đến gần hơn với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. “Nhà trường chú trọng chiến lược quốc tế hóa và xây dựng nhiều chính sách nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tập. Những chính sách này góp phần gia tăng số lượng sinh viên quốc tế, tiến đến hội nhập một cách toàn diện và hiệu quả”, GS.TS Lê Văn Cảnh nói.

Giảng viên người nước ngoài giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: Tấn Phát

Giảng viên người nước ngoài giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: Tấn Phát

Đa dạng hình thức

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), PGS.TS Lại Quốc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại cho biết, nhà trường đã triển khai công tác quốc tế hóa với nhiều giải pháp đa dạng. Cụ thể: Phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế; sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy; dịch chuyển sinh viên và giảng viên trong trao đổi học tập, nghiên cứu với đối tác nước ngoài; tham gia các mạng lưới kiểm định quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế…

Hiện có hai xu hướng quốc tế hóa gồm ra ngoài (outbound) và tại chỗ (inbound/at home). Chia sẻ thông tin, PGS.TS Lại Quốc Đạt đồng thời cho hay: Xu thế quốc tế hóa ra ngoài (outbound) được Trường Đại học Bách khoa áp dụng từ khoảng 30 năm trước, thông qua chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Thụy Sỹ.

Thông qua đó, trường có cơ hội đưa sinh viên, giảng viên sang trao đổi học tập, nghiên cứu tại nước bạn; tiếp cận và cải tiến chương trình theo hướng chọn lọc. Khi uy tín được nâng cao trên phạm vi quốc tế, trường chuyển sang mô hình quốc tế hóa tại chỗ (inbound/at home).

Để triển khai mô hình này, Trường Đại học Bách khoa thực hiện 5 chiến lược hoạt động trong thời gian qua và đều đạt được kết quả tích cực.

Theo đó, quy mô các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh đã đạt 1/3 tổng chỉ tiêu toàn trường. Từ năm 2018 - 2022, số sinh viên nhập học theo chương trình này lên đến hơn 5.100 em, trong đó có 236 sinh viên quốc tế nhập học. Dựa trên nền tảng của chương trình tiên tiến được triển khai từ năm 2007, Trường Đại học Bách khoa đã phát triển 22 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở hầu hết khoa, ngành đào tạo.

Việc đẩy mạnh tuyển dụng giảng viên người nước ngoài trong chương trình giảng dạy cũng giúp người học hội nhập quốc tế tốt hơn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quốc tế hóa giáo dục. Trường Đại học Bách khoa áp dụng các chính sách tuyển dụng giảng viên cơ hữu, nhà quản lý là các chuyên gia đầu ngành đến từ khắp nơi trên thế giới. Số lượng giảng viên quốc tế sang làm việc tại chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh giai đoạn 2012 - 2023 là 200 người.

Theo PGS.TS Lại Quốc Đạt, cùng với việc “xuất siêu” du học sinh, nhà trường cũng đón đầu làn sóng dịch chuyển của sinh viên nước ngoài đến Việt Nam để học tập.

Thông qua đó, thứ hạng của nhà trường được nâng cao, làm phong phú trải nghiệm đa văn hóa và tiếng Anh tại chỗ cho sinh viên Việt Nam qua việc tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, tạo chất xúc tác cho việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy. Trong khoảng 10 năm, từ năm 2014 - 2023, 375 sinh viên đã sang Trường Đại học Bách khoa trao đổi học tập (riêng năm 2021 không tổ chức do dịch Covid-19).

Còn tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ nhiều năm nay triển khai Chương trình liên kết đào tạo bác sĩ y khoa với Đại học Johannes Gutenberg Mainz, Đức. Chương trình liên kết này giúp cho bác sĩ đa khoa tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có điều kiện thực tập và thi chứng chỉ hành nghề tại Đức, châu Âu. Qua 10 năm hợp tác đào tạo, hiện có hơn 70 bác sĩ tốt nghiệp từ chương trình được cấp phép hành nghề và làm bác sĩ tại các bệnh viện lớn ở Đức và một số nước châu Âu.

Trường còn trao đổi hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo y khoa, trung tâm nghiên cứu y học của các nước tiên tiến trên thế giới để chia sẻ chuyên môn, học thuật, những phát minh mới trong y học. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cũng đem lại những kết quả đáng kể. Chỉ tính trong năm 2023, nhà trường có 13 đề tài hợp tác quốc tế với các viện, trường đại học đến từ Hà Lan, Mỹ, Bỉ…

Với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), hoạt động hợp tác quốc tế cũng được thực hiện với nhiều hình thức: Trao đổi sinh viên và giảng viên theo chương trình ngắn hạn và dài hạn; Chương trình học tập ở nước ngoài; Chương trình đào tạo và công nhận tín chỉ lẫn nhau cấp đại học và sau đại học; Các dự án nghiên cứu chung; Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và liên kết xuất bản ấn phẩm khoa học các vấn đề đương đại.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Sinh viên nhà trường đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ với nhiều tôn giáo, chủng tộc, mang đến cho trường đặc điểm đa văn hóa, quốc tế hóa và nhiều bản sắc.

Số lượng sinh viên ở chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NTCC

Số lượng sinh viên ở chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NTCC

Quốc tế hóa là tất yếu

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tại hội thảo về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW diễn ra tại TPHCM ngày 20/9, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM có bài tham luận về quốc tế hóa và vai trò của quốc tế hóa trong giáo dục đại học.

Theo đó, quốc tế hóa giáo dục giúp cho các đại học bắt kịp ý tưởng, nắm bắt và trao đổi thông tin, làm chủ kiến thức, công nghệ để đào tạo con người phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, cần có những giải pháp nhằm đẩy mạnh chất lượng đào tạo thông qua chiến lược quốc tế hóa đại học.

Theo ông Nguyễn Tất Toàn, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhà trường cần xây dựng và phổ biến chiến lược quốc tế hóa đại học cho toàn thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên của nhà trường; quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phải nhận thức và cùng cam kết về vai trò của quốc tế hóa bằng việc tham dự các hội nghị quốc tế về giáo dục đại học.

Tiếp đó, nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên và sinh viên. Với giảng viên là lộ trình nâng chuẩn tiếng Anh phù hợp với vị trí công tác, đặt yêu cầu tiếng Anh bắt buộc khi tuyển dụng. Ngoài ra, có thể mời giảng viên nước ngoài (các nước nói tiếng Anh) về thỉnh giảng hoặc cơ hữu tại trường. Số lượng môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh cần được tăng cường.

Cũng theo ông Nguyễn Tất Toàn, nhà trường cần chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Việc này gồm nâng cao năng lực hợp tác quốc tế cấp đơn vị và tạo điều kiện các khoa chuyên môn chủ động hợp tác quốc tế về đào tạo.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã ban hành các quy chế, quy định đảm bảo tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội trong hoạt động hợp tác quốc tế. Từ năm 2013 - 2023, trường cử gần 300 sinh viên ra nước ngoài học tập, thực tập và tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn; mỗi năm có 5 - 10 học giả, chuyên gia, giảng viên, tình nguyện viên đến trường, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Pháp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.