10 năm triển khai Nghị quyết 29: Đổi mới từ nhận thức đến hành động

GD&TĐ - Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, cách làm hay, mô hình mới, không ít địa phương đã thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo.

Giờ học tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).
Giờ học tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Điều này thể hiện qua tâm thế của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và giáo viên cũng như thay đổi về diện mạo của ngành trong 10 năm qua.

Đổi mới toàn diện

Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương, Nghệ An) có xuất phát điểm là trường bán công, chất lượng đầu vào thấp so với các trường lân cận. Tuy nhiên, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngôi trường “tốp dưới” này lại đạt được kết quả ấn tượng, với nhiều môn lọt tốp đầu toàn tỉnh.

Cụ thể, điểm trung bình của nhà trường tăng 0,1 so với năm trước, trong đó 8/9 môn có tiến bộ vượt bậc như Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ. Riêng môn Giáo dục công dân nằm trong tốp 10 của tỉnh; môn Hóa học vươn lên xếp thứ 2 (trung bình đạt 9,05 điểm) và Sinh học (trung bình đạt 7,66 điểm) đứng đầu tỉnh Nghệ An.

Theo thầy Lê Hải Nam – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, kết quả này, không chỉ là của một mùa thi hay nỗ lực trong năm học, mà là kết quả của quá trình đổi mới toàn diện giáo dục. Ban giám hiệu đã chủ động xây dựng chương trình nhà trường, kế hoạch dạy học hàng năm phù hợp với đặc điểm học sinh, điều kiện thực tế về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Xác định đầu vào hạn chế, mục tiêu học tập của trò chưa rõ ràng, giáo viên phải càng nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm.

Nhiệm vụ của thầy cô gồm dạy học và nâng cao năng lực bản thân, đổi mới phương pháp theo hướng tiếp cận năng lực người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới chuyên môn nghiệp vụ, cũng như nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng và thay đổi của học sinh.

Đặc biệt, trong 3 năm học gần đây, nhà trường nỗ lực triển khai mô hình đảm bảo chất lượng. Hiệu trưởng cam kết với giám đốc Sở GD&ĐT; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cam kết với ban giám hiệu nhà trường và học trò.

Thầy Nguyễn Thế Hùng, giáo viên Hóa học cho biết: “Việc ký kết đảm bảo chất lượng kích thích giáo viên và học trò. Thay vì dạy cho hoàn thành chương trình, chúng tôi phải trăn trở với mỗi em, nhìn vào từng điểm số để có kế hoạch dạy học cho phù hợp. Có em khi vào lớp 10, kiểm tra Hóa học chỉ đạt 5 điểm, nhưng đến lớp 12 đã chạm mốc 9 điểm. Vì vậy, kết quả này không chỉ là điểm số hay thành tích của thầy cô, nhà trường, mà còn khẳng định năng lực, tự tin vào bản thân của học trò vùng khó...”.

Dạy môn Sinh học tại Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, thầy Nguyễn Doãn Ngọc chia sẻ: Khi mới triển khai, bản thân thấy áp lực dù trước tới nay đều luôn trách nhiệm, tâm huyết trong dạy học. Tuy nhiên, khi đã ký cam kết, cả thầy và trò có mục tiêu rõ ràng hơn. Từ áp lực, đội ngũ biến đó thành động lực để cố gắng.

Thực tế môn Sinh học không nhiều học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thậm chí mục tiêu của các em chỉ đạt trung bình. Nhưng nhờ sự khích lệ của thầy cô, các em nghiêm túc hơn, có mục tiêu rõ ràng trong học tập. Và tiến bộ vượt bậc của học sinh chính là hạnh phúc của thầy cô giáo.

Nghệ An lâu nay được xem là đất học, nhưng thành tích chủ yếu được nhắc đến là kết quả mũi nhọn. Còn giáo dục đại trà, nhất là vùng nông thôn, vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế và chênh lệch. Vậy nên, từ năm học 2021 - 2022, tỉnh thí điểm mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đây được xem như giải pháp tạo sự đột phá trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo mô hình này, mỗi trường có thể xây dựng chuẩn đầu ra và cam kết khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm học sinh, năng lực giáo dục và đào tạo…

Sau 3 năm triển khai, kết quả dần được bộc lộ, rõ nhất là ở hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình của tỉnh nâng 14 bậc so với năm trước. Những trường đạt điểm trung bình cao, hoặc học sinh đạt thủ khoa, á khoa xét tuyển đại học không chỉ tập trung ở trường chuyên, trường vùng trung tâm mà ở cả vùng nông thôn, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn) có 2 thủ khoa khối A1 và A; Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 điểm trung bình chung xếp thứ 2 toàn tỉnh…

Lào Cai chú trọng cho học sinh tiếp cận với giáo viên người nước ngoài.

Lào Cai chú trọng cho học sinh tiếp cận với giáo viên người nước ngoài.

Những đầu tàu của giáo dục

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, diện mạo và vị thế của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ngày càng nâng cao và có đột phá cả về bề rộng và chiều sâu. Cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Giang Chi cho hay, trường không “đóng khung” với vai trò trường chuyên như truyền thống mà đặt ra 3 sứ mệnh cơ bản. Đó là thực hiện chức năng của trường chuyên trên nền giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương và đất nước, cộng đồng xã hội. Thứ nữa, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để đào tạo công dân toàn cầu, giúp học sinh nhà trường có khả năng thích ứng cao trong môi trường học tập và công tác ở trong nước và ngoài nước. Tiếp đó, tiên phong trong công cuộc đổi mới để trở thành hình mẫu cho giáo dục địa phương và rộng hơn nữa là cả nước.

Với 3 sứ mệnh đó, nhà trường đã tích cực đổi mới, thậm chí bứt khỏi hào quang quá khứ để mạnh dạn đưa vào yếu tố hiện đại, tiên tiến và nhận về những giá trị rõ nét. Học sinh nhà trường năng động hơn, bên cạnh thành tích về học thuật, các kỹ năng ngày càng phát triển toàn diện, khả năng tự chủ cao hơn, được thỏa mãn đam mê, phát triển trên các lĩnh vực.

Trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An), Trường THCS Đặng Thai Mai là đơn vị duy nhất vừa xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao, vừa được chọn thí điểm mô hình tiên tiến. Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, khi thực hiện các mô hình trên, trường có thuận lợi là được ngành hướng dẫn, hỗ trợ trong xây dựng chương trình nhà trường, tầm nhìn chiến lược và có lộ trình cụ thể để triển khai các kế hoạch, mục tiêu đề ra. Đơn vị tạo được phương pháp giảng dạy mới trong các nhà trường, phát huy tính tích cực và năng khiếu, sở trường của học sinh. Từ kết quả của Trường THCS Đặng Thai Mai đã dẫn dắt, thúc đẩy các trường THCS khác trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy không nhân rộng hoàn toàn mô hình, nhưng chọn lọc các chương trình tăng cường phù hợp như: Tiếng Anh tăng cường, Tin học, STEM…

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành nhiều huy chương từ các cuộc thi Oympic quốc tế.

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành nhiều huy chương từ các cuộc thi Oympic quốc tế.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên ở cả vùng cao và vùng thuận lợi là điều thấy rõ ở Lào Cai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Có được kết quả trên nhờ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 212 văn bản để cụ thể hoá Nghị quyết 29 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013 (sớm trước 2 năm so với quy định). Tính đến tháng 6/2023, tỉnh tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi ở 152 xã và 9 huyện, thị, thành phố; 67 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.

Lào Cai cũng chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong 10 năm gần đây, tỉnh tuyển 3.730 giáo viên. Trên 3.260 nhà giáo được tham gia chương trình đào tạo nâng cao trình độ. Hơn 1.100 lượt thầy cô được cử đi bồi dưỡng tiếng Anh ở trong và ngoài nước… Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ đi học/số dân và chuyên cần cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc tốp đầu trong vùng và nâng dần thứ tự xếp hạng so với cả nước.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến toàn diện, vững chắc. Giáo dục dân tộc gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa thông qua hoạt động dạy múa hát, phục dựng lễ hội, mặc trang phục, dệt thổ cẩm… Qua đó thay đổi tập quán, phong tục lạc hậu, phổ biến được kiến thức cơ bản về xoá đói, giảm nghèo.

Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Lào Cai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả; có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều; chất lượng giáo dục đại trà có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, còn có học sinh tiểu học hạn chế về tiếng Việt; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao… Cùng với đó, một số trường học có quy mô nhỏ dưới 200 học sinh chưa sáp nhập. Công tác phân luồng chưa phát huy hiệu quả, còn 17% học sinh sau tốt nghiệp THCS và khoảng 20% học sinh sau tốt nghiệp THPT nghỉ học lao động trực tiếp. Vẫn còn giáo viên chưa tâm huyết, nhiệt tình trong giảng dạy, hạn chế về năng lực chuyên môn…

Trước những thách thức đó, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh quan điểm của địa phương: “Giáo dục là quốc sách. Giáo dục và đào tạo phải đi trước, các mục tiêu đạt sớm hơn so với mục tiêu chung của tỉnh”. Theo đó, đến năm 2025, giáo dục vùng cao Lào Cai là một trong các tỉnh đứng tốp đầu cả nước. Tin học - Ngoại ngữ đạt mức trung bình cả nước. Đến năm 2030, chất lượng giáo dục đứng tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 68%. Số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương là 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở mức 32%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, để nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lý giáo dục, cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu. Trong đổi mới giáo dục cần chú trọng dạy thật, học thật, đánh giá thật. Đổi mới giáo dục phải giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kỹ năng, sức khỏe để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

Tại Nghệ An, dù đã có những nỗ lực nhưng theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế như chất lượng giáo dục chưa thực sự là động lực bứt phá, là nguồn lực cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội; có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và thị trường lao động. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các đề án, chính sách để quán triệt các nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn. Trong đó có chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục, nhất là vùng núi cao và học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống trường lớp, dồn dịch các điểm trường để xây dựng trường đồng bộ, khang trang, hiện đại.

“Nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực GD&ĐT trong thời gian tới rất quan trọng. Sự theo dõi, kỳ vọng của xã hội đối với GD&ĐT là không nhỏ. Yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, ngành cần làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT có thêm những bước tiến mới” – Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.