'Đòn bẩy' từ Nghị quyết 29

GD&TĐ - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 số lượng các chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh...

Sinh viên chuyên ngành Điều khiển tàu biển, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Ảnh: NTCC
Sinh viên chuyên ngành Điều khiển tàu biển, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/2013/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29), số lượng các chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh. Nhiều chương trình được kiểm định quốc tế.

Chuyển động tích cực

Thực hiện Nghị quyết 29, từ năm 2016, chương trình đào tạo của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam triển khai xây dựng theo phương pháp tiếp cận Conceive Design Implement Operate (CDIO). PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng nhà trường cắt nghĩa, CDIO là phương pháp tiếp cận theo hướng: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo được thiết kế theo 4 nhóm, tương ứng với 4 trụ cột giáo dục của UNESCO, gồm: Kiến thức và lập luận ngành (học để biết); kỹ năng, phẩm chất cá nhân, nghề nghiệp (học để trưởng thành); kỹ năng giao tiếp (học để chung sống); năng lực thực hành nghề nghiệp (học để làm).

Theo PGS.TS Phạm Xuân Dương, từ năm 2020 - 2022, nhờ áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO, nhà trường đã triển khai kiểm định các chương trình đào tạo đại học, bao gồm: 4 chương trình theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); 8 chương trình theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Kết quả, 12/12 chương trình đào tạo đều đáp ứng yêu cầu.

“Bên cạnh kiểm định chương trình đào tạo, năm 2018, chúng tôi triển khai kiểm định trường. Năm 2023, trường triển khai kiểm định chu kỳ 2 với tiêu chuẩn, tiêu chí mới và được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Kết quả này đánh dấu thành công bước đầu của nhà trường trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29”, PGS.TS Phạm Xuân Dương khẳng định.

Nhờ liên tục đổi mới chương trình theo phương pháp tiên tiến, chất lượng giáo dục, đào tạo của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế, PGS.TS Phạm Xuân Dương chia sẻ. Theo đó, nhà trường thực hiện nhiều thỏa thuận về công nhận tín chỉ các trường đại học trong nước và quốc tế như: Trường ĐH Hàng hải California (Hoa Kỳ), Trường ĐH Mokpo (Hàn Quốc), Trường ĐH Hull (Vương quốc Anh), ĐH Tasmania (Úc).

“Đây là minh chứng khẳng định chất lượng, cơ sở tham chiếu về chương trình đào tạo nhà trường. Nghị quyết 29 là “đòn bẩy” để nhà trường có được chuyển động tích cực như trên”, PGS.TS Phạm Xuân Dương nhìn nhận.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tham gia Cuộc thi Bosch Future Mobility Challenge 2023 tại Romania. Ảnh: Website của trường

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tham gia Cuộc thi Bosch Future Mobility Challenge 2023 tại Romania. Ảnh: Website của trường

“Mở đường” hội nhập

Cũng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, 10 năm qua, nhà trường tăng 5 chương trình đào tạo thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ. Hiện, trường đào tạo 8 chương trình tiến sĩ và 17 chương trình thạc sĩ. Các chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra, đáp ứng theo Khung trình độ quốc gia. Bên cạnh đó, nhà trường tham gia đào tạo trong nước trình độ tiến sĩ theo Đề án 911, Đề án 89 của Bộ GD&ĐT, với 3 ngành: Khoa học Hàng hải, Tổ chức và quản lý vận tải, Kỹ thuật cơ khí động lực.

Là trường đại học đầu tiên được đánh giá 3 sao tổng thể theo các tiêu chí của QS Stars năm 2012, TS Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT (Hà Nội) chia sẻ, trường có Ban Đảm bảo chất lượng. Đây là đầu mối, đơn vị chuyên trách về hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường. “Ngoài ra, chúng tôi có cán bộ đảm bảo chất lượng chuyên trách tại các phân hiệu. Đội ngũ này giúp việc cho trưởng các đơn vị trong hoạt động đảm bảo chất lượng tại từng đơn vị”, TS Nguyễn Khắc Thành cho hay.

Sau khi có Nghị quyết 29, Trường ĐH FPT (Hà Nội) liên tục duy trì chất lượng và được đánh giá 5 sao theo QS Stars cho hoạt động đào tạo liên tục năm 2012, 2015, 2018. Năm 2021, trường đạt chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho tổ chức giáo dục theo ISO 21001.

Ngoài ra, TS Nguyễn Khắc Thành cho biết thêm, năm 2022 trường được tổ chức THE xếp hạng trong Top 801 - 1000 theo bảng xếp hạng Impact Rankings. Sau đó 1 năm, trường có bước cải tiến lớn khi tăng hạng Top 601 - 800 theo bảng xếp hạng về phát triển bền vững Impact Rankings.

“Chúng tôi đã xây dựng hệ thống văn bản quy định, quy trình theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018. Hệ thống văn bản này bao phủ hoạt động trong trường, được rà soát thường xuyên và phổ biến đến toàn thể cán bộ giảng viên thông qua website nội bộ”, TS Thành bật mí.

Theo dự thảo Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT, từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết, cơ sở giáo dục đại học hầu như vắng bóng trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế cũng như chưa có cơ sở nào được công nhận kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, theo kết quả công bố của Bộ GD&ĐT thì đến nay cả nước có 9 trường đại học được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài, tăng hai so với năm ngoái. Hai trường mới được công nhận, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến hết tháng 7, gồm Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Anh Quốc Việt Nam.

7 trường còn lại đã có trong danh sách từ năm ngoái, gồm: Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM).

Các cơ sở giáo dục nói trên được đánh giá bởi 4 tổ chức nước ngoài, theo tiêu chí của các tổ chức này. Đó là HCERES - Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp; AUN-QA - Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN; FIBAA - Quỹ Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế và QAA - Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Vương quốc Anh.

Ngoài ra, 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài uy tín. 3 năm gần đây, số lượng chương trình đào tạo theo các ngành mới tại cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh so với năm 2013. Danh mục thống kê ngành đào tạo đã bổ sung nhiều ngành mới cho lĩnh vực công nghệ cũng như các ngành, nghề khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc bổ sung đào tạo ngành mới vào hệ thống danh mục thống kê ngành đào tạo đối với giáo dục đại học được thực hiện theo hướng tiếp cận từ dưới lên, đảm bảo tính khoa học và chuẩn hóa theo chuẩn mực trên thế giới; giúp cơ sở giáo dục đại học dễ dàng phát triển ngành học mới, thích ứng với yêu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động.

Quy mô đào tạo chương trình thuộc một số lĩnh vực như: Công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường… phát triển chậm hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, chương trình đào tạo ngành và lĩnh vực này cũng không ngừng đổi mới, hoàn thiện theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, thực nghiệp; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.

Từ nhiều năm nay, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện chiến lược hợp tác quốc tế. Theo đó, nhà trường xác định, kiểm định chất lượng đào tạo theo bộ tiêu chuẩn quốc tế là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và thương hiệu.

Thầy Hiệu trưởng Mai Thanh Phong cho hay, Nghị quyết 29 đã “mở đường” để nhà trường thực hiện chủ trương này và đẩy mạnh trong 10 năm nay. Đến thời điểm này, 58 chương trình được kiểm định và đạt tiêu chuẩn các tổ chức kiểm định quốc tế. Điều quan trọng là xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và phát triển văn hóa chất lượng cán bộ giảng viên, viên chức, người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.