(GD&TD)-Ngày 18/10, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Viện khoa họa xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”.
Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, đặc biệt từ 2008 đến nay. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp với từng giai đoạn, từng năm và cũng đạt được những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong năm 2011 vẫn còn rất cao, nhập siêu kéo dài, tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới và lãi suất cao. Tỷ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng, chính sách tài khóa còn nhiều điểm đáng phải quan tâm.
Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần thiết phải tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp, trong đó, tập trung vào doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty; đồng thời tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính, thông qua việc giảm số lượng, tăng quy mô và chất lượng.
Theo Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Xuân Bá thì giải pháp tái cấu trúc đầu tư trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2020 tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, giảm tổng đầu tư toàn xã hội nói chung xuống dưới 35% GDP từ mức trên 40% của năm 2011. Đặc biệt là phải giảm mạnh đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội.
Theo ông Bá, việc tái cấu trúc đầu tư phải bao gồm cả việc cấu trúc lại các công trình, dự án đã đầu tư không phù hợp, để lại hậu quả xấu và ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra những danh mục đầu tư "ba không" (không rõ mục đích; không cân đối được nguồn lực, gây chậm trễ việc đưa dự án, công trình vào sử dụng, làm triệt tiêu hiệu quả; không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí lớn nguồn lực của dân).
Hai là, rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thực hiện, bao gồm những danh mục đầu tư do cấp cao phê duyệt.
Theo khuyến nghị của ông Bá, Nhà nước nên rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm những việc cần cho phát triển đất nước mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể làm. Trước mắt nên xóa những công trình, dự án đã thấy trước là không hiệu quả.
Ba là, xây dựng chương trình đầu tư công công cho giai đoạn mới.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân cấp quản lý kinh tế, trong đó có quản lý đầu tư. Đánh giá thực hiện thời gian qua, ông Bá nhận xét, "phải thừa nhận việc phân cấp quản lý đầu tư vừa qua là quá mức, vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế.
Năm là, nghiên cứu ban hành Luật Đầu tư công.
Sáu là, nghiên cứu ban hành Luật Đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó nhấn mạnh không tiếp tục đầu tư cũng như phê duyệt, khởi công các công trình hạ tầng mới trong những năm 2011-2013.
Bảy là, nghiên cứu ban hành Luật Quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện khoa học Việt Nam, các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng bảo đảm nhưng đã được điều chỉnh xuống, bởi sự phát triển mất cân bằng, quá nóng, tạo bong bóng. Do đó, cũng phải lường trước một kịch bản xấu hơn, khả năng nền kinh tế có thể vừa phải đối mặt với lạm phát, vừa đình trệ sản xuất.
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế. Những giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính tình thế và giải quyết những biểu hiện chứ chưa giải quyết được về bản chất.
Ông Deepak Mishra cũng chỉ ra những thách thức của khu vực, hầu hết các quốc gia đều trong tình trạng lạm phát cao của hầu hết các quốc gia châu Á và dòng vốn nước ngoài chảy vào đang giảm và tính bất ổn gia tăng.
Đưa ra những kiến nghị về giải pháp ứng phó chính sách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng các nền kinh tế hiện đang mất đi tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, do đó xã hội không đủ cung cấp việc làm cho các lực lượng lao động. Như vậy kinh tế vĩ mô không giải quyết được những vấn đề lớn, điều cần thiết là phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu toàn cầu.
Xuân Hương